Tạp chí Sông Hương -
Triển lãm Toba Mika: Một hành trình “bình dân” trên tranh
15:08 | 02/12/2010
Từ ngày 6 đến 25/12 tới đây, nữ nghệ sĩ Nhật Bản Toba Mika sẽ có triển lãm mới về Việt Nam tại hai địa điểm cùng lúc ở Hà Nội: Bảo tàng Mỹ thuật VN và Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Triển lãm Toba Mika: Một hành trình “bình dân” trên tranh
Nữ nghệ sĩ Toba Mika
Những mái nhà san sát kề bên đường ray xe lửa, những mảnh tường chi chít con số “khoan cắt bê tông”, những dãy nhà “ổ chuột” tối mờ trên những con lạch nhỏ tí, đen sì, có khi lại đỏ rực, hầm hập nóng... Đó là những tác phẩm sáng tác về Việt Nam của Toba Mika. Chúng khiến cho người đối diện ngay lập tức phải đặt ra rất nhiều câu hỏi mà câu hỏi lớn nhất có lẽ là: tại sao chị lại chọn vẽ những cảnh trí đó?

Không “đẹp mắt” theo cách nhìn quen

Hầu như không một bức tranh nào có hình ảnh con người. Chị vẽ phong cảnh, nhưng không đơn thuần chỉ là những cảnh trí “đẹp mắt”, phải nói đúng hơn là đẹp mắt theo cách nhìn quen của chúng ta, ví dụ như một cô gái mặc áo dài, hay những cành hoa trên xe đạp, hay cảnh sông nước mênh mang, có ánh trăng vàng lấp lánh...

Hàng chục bức tranh, ở đó, là những hình ảnh quá đỗi quen thuộc và với người Việt mình, lại là những hình ảnh mà mình không hẳn muốn “khoe” với bạn bè phương xa, vì thường ta thấy ở đó sự nhếch nhác, lộn xộn của cái nghèo: nhà cửa, đồ đạc chen lấn với đường tàu hỏa, dây điện, dây chằng tạm bợ nhằng nhịt, những mái nhà bằng tôn cũ kỹ, những mảnh vải che chắn nắng mưa dầu dãi... Hình ảnh những búi dây điện rất phổ biến trong những bức tranh vẽ Hà Nội của chị. Có bức, búi dây trở thành những vệt đen chạy ngang phía trên bức tranh, hòa lẫn với bóng tán cây loang trên những mảnh tường đượm nắng vàng, nổi bật các con số “khoan cắt bê tông” đỏ au...

Bức tranh như một hòa sắc của ba gam màu, đen, đỏ, vàng, đem lại cảm giác yên bình, ấm áp... Không có bóng người, đây dường như là một nguyên tắc trên tranh của Toba Mika. Chị cũng vẽ rất nhiều về cảnh bến thuyền ngoài biển, trên sông ở nhiều quãng thời gian khác nhau trong ngày, buổi sáng, trong gió, trong đêm, dưới trăng, trong ánh chiều tà... Những con thuyền hoặc tàu đánh cá loại nhỏ san sát bên nhau, néo vào nhau và đôi khi như hòa lẫn trong nhau thành mảng nền làm nổi bật dáng hàng loạt lá cờ bay phấp phới. Sự lam lũ hiện ra ngay trên đoạn cầu tạm nối bờ với khu vực đậu thuyền chỉ là mấy mảnh gỗ ngắn dài ghép nối với nhau được bố trí ngay chính giữa bức tranh, như là một cầu nối thẳng tới người xem tranh bởi nó gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ mà đầy thân thiện...


Hẳn là Toba Mika đã đi rất nhiều khắp đất nước Việt Nam. Chị cũng phải ghi chép bằng ký họa rất nhiều để có thể in sâu hơn hình ảnh cuộc sống thường nhật nơi đây, một cuộc sống đầy ăm ắp các chi tiết và chúng lại đan quyện lấy nhau đến mức thật khó nắm bắt và chia tách.

Năng lượng từ sự đổi thay

Toba Mika là phó giáo sư dạy về kỹ thuật nhuộm màu truyền thống katazome ở một trường đại học của Nhật Bản. Kỹ thuật này rất độc đáo và tinh xảo, nó được sáng chế để dùng cho việc làm ra những tấm áo kimono tươi tắn, đôi khi rực rỡ và rất bền màu. Kỹ thuật này có thể giúp tạo nên những bức tranh diện tích lớn, có bức mà chiều ngang dài đến 5m, chiều cao đến 3m, căng trên những tấm khung ghép nối với nhau bằng các bản lề nhỏ, tựa như bức bình phong.

Thao tác đặc biệt của kỹ thuật làm tranh theo katazome là ngay từ bước đầu tiên, khắc khung tranh, người làm phải hết sức chú ý vì không thể thay đổi được các nét khắc, sau đó, việc nhuộm màu cũng phải được làm liên tục, cho dù bức tranh có lớn đến đâu, vì nếu không, màu sắc sẽ không còn được đồng đều như ý về độ tươi, độ trong, độ đậm nhạt... Có thể nói, công việc này thật sự vất vả, như có lần chị thành thật chia sẻ là sau khi nhuộm xong một bức tranh, chị mất một đêm thức trắng và đau lưng cả mấy ngày.

Sức cuốn hút của cảnh trí Việt Nam phải là rất mạnh mẽ mới khiến cho người nghệ sĩ này vượt qua được những vất vả để tiếp tục làm tranh, suốt 14 năm qua. Thời gian có thể làm đổi thay mọi thứ, điều này thật rõ rệt sau mỗi chuyến trở lại Việt Nam mỗi năm của chị. Những khu nhà “ổ chuột” trên sông Sài Gòn mà chị từng khắc trong bức Nhà trên sông Sài Gòn, Gió mùa, Di sản thế giới của riêng tôi (1997, 1998) đã không còn nữa. Những cột điện chằng chịt các loại dây cũng đã được tháo gỡ ở nhiều đường phố Hà Nội, những con số “khoan cắt bê tông” cũng đã được xóa đi và thay vào đó là một hình thái “quảng cáo, rao vặt” khác... Cuộc sống bình dân ở Việt Nam vẫn sôi động, sinh động nhưng đan cài trong đó rất nhiều đổi thay theo chiều hướng phát triển, văn minh hơn và chính vì thế, dòng chảy cuộc sống ở đây luôn tràn đầy năng lượng. Cuộc sống ở VN hoàn toàn khác so với đời sống công nghiệp ở nước Nhật; mọi thứ đều quá ư văn minh, ngăn nắp, và căng thẳng như luôn luôn vậy, không chuyển dịch, không biến động và dễ dẫn đến sự nhàm chán, vô hướng. Chưa từng thấy một bức tranh nào chị vẽ về cảnh trí đất nước của chị, những cảnh trí theo hướng sinh hoạt đời thường như hướng mà chị quan tâm ở Việt Nam...

Đến đây, có lẽ cá nhân tôi đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi lớn ở phần đầu bài viết: Toba Mika hầu như năm nào cũng “phải” sang Việt Nam để bản thân được thay đổi - thay đổi mắt nhìn, thay đổi nhịp thở và theo đó, được tiếp thêm năng lượng sống, năng lực cảm xúc và đương nhiên, các bức tranh về Việt Nam tiếp nối ra đời...  

Theo Phong Vân - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng