Tạp chí Sông Hương -
Phim kinh dị Việt: Tại sao 'im thin thít, lặn mất tăm'?
08:58 | 09/12/2010
Sau phim Mười, Suối oan hồn, Ngôi nhà bí ẩn (2007), Chết lúc nửa đêm, Bốn thí nghiệm đêm tân hôn (2008),… bỗng nhiên dòng phim tạm gọi là phim kinh dị "Made in Viet Nam" mất hút.
Phim kinh dị Việt: Tại sao 'im thin thít, lặn mất tăm'?
Poster phim Mười.

Lý giải về việc “im thin thít và lặn mất tăm” của dòng phim kinh dị Việt Nam, đạo diễn Nguyễn Chánh Tín, người đầu tiên nhận giải Đạo diễn xuất sắc của Cánh diều vàng 2008 cho phim Chết lúc nửa đêm, cho rằng vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất, đó là việc kiểm duyệt quá khắt khe của Hội đồng duyệt phim. Tiếp đó, những nhà phổ biến phim, đặc biệt là truyền hình vẫn còn rụt rè, khán giả thì không mấy mặn mà.

Kiểm duyệt ngại… kinh dị

Trong khi phim Mười xoay quanh truyền thuyết về mối u tình của một cô gái Việt cách đây một thế kỷ, và những vương vấn của linh hồn này đến những đôi trai gái Hàn Quốc hiện đại, thì Ngôi nhà bí ẩn lại là chuỗi những câu chuyện kỳ quái trong một căn nhà hoang nằm heo hút trên Đà Lạt và Suối oan hồn khai thác về những cái chết bí ẩn ở một khía cạnh khác. Những cảnh giết người, hồn ma hiện về trong các phim này mới chỉ dừng ở mức độ tạo sự hồi hộp cho người xem.

Đạo diễn của Suối oan hồn, Ngôi nhà bí ẩn, Chết lúc nửa đêm… Nguyễn Chánh Tín cho hay, làm phim kinh dị cũng là một cách thử nghiệm. Bởi, ở Việt Nam cứ cái gì dính đến hồn ma là không được làm. Do đó, muốn làm phim ma phải rất thận trọng, khéo léo và có ý kiến xây dựng. Chính điều này đã làm cho các hãng phim thấy nản.

“Thể loại phim này ở Việt Nam chỉ được gọi là phim hồi hộp, căng thẳng mang tính chất kinh dị chứ không được gọi là phim kinh dị. Không phải Việt Nam cấm làm phim này, nhưng hầu hết các nhà sản xuất đều sợ khâu kiểm duyệt nên không dám làm. Bởi các nhà duyệt phim vẫn luôn nghĩ rằng, thể loại này làm ra sẽ cổ súy mê tín dị đoan”, đạo diễn này cho biết.

Nhà sản xuất phim Mười, đạo diễn Phước Sang, cho rằng phim kinh dị phải làm cho tới mới thành kinh dị, nếu không sẽ thành phim “dị nghị”. Thế nhưng, tại sao phim kinh dị ngày càng mất dần? Theo nhà sản xuất này, cái quan trọng nhất mà mọi người sợ là khâu kiểm duyệt quá khắt khe. Như thế nào là đủ, là quá? Nếu không làm quá thì không ra được chất kinh dị. Ngoài ra, còn một lý do mà các nhà làm phim ngại làm phim này là vì kinh phí khá cao. Do đó, nếu làm ra mà không được duyệt thì coi như… sạt nghiệp, nên chẳng ai dám làm. “Tôi là người tiên phong làm thể loại này và thấy rất cực”, đạo diễn Chánh Tín than thở.

Công chúng thờ ơ, truyền hình e ngại

Có thể nói, hai bộ phim kinh dị đầu tiên do Hãng phim Chánh Tín sản xuất là Ngôi nhà bí ẩn và Suối oan hồn là hai bộ phim kinh dị mở đầu cho loạt Chuyện kể lúc nửa đêm của hãng này. Theo đạo diễn Chánh Tín, đây là cách để thăm dò phản ứng khán giả Việt Nam với phim kinh dị trước khi chính thức bắt tay làm loạt 100 tập phim Chuyện kể lúc nửa đêm cho truyền hình.

Anh chia sẻ: “Chúng tôi làm phim này không chỉ để chiếu rạp mà còn làm thành loạt phim chiếu trên truyền hình. Tuy nhiên, niềm vui này không lâu đã bị dập tắt. Bởi, sau khi hai bộ này được công chiếu ngoài rạp, 100 tập phim được đài truyền hình TP HCM phê duyệt, tưởng mọi chuyện suôn sẻ, vậy mà đến giờ vấn giậm chân tại chỗ”.

Ngoài ra, theo đạo diễn Phước Sang, công chúng Việt Nam không mấy mặn mà với thể loại này nên người làm ra phim không nhiều, có làm thì cũng vừa làm vừa thăm dò. “Có cung mà không có cầu cũng chẳng ích gì. Thà không làm còn hơn”, đạo diễn Phước Sang cho biết.

Khi được hỏi sắp tới hãng phim Chánh Tín có tiếp tục theo đuổi thể loại này không? Nguyễn Chánh Tín nửa đùa nửa thật: “Chúng tôi cũng định làm nhưng phải xem tình hình kiểm duyệt có thông thoáng hơn không. Nếu vẫn như cũ thà bỏ tiền buôn đất còn chắc chắn hơn. Bởi mua miếng đất không ai mua thì đất vẫn còn đó, chứ làm phim ra không chiếu được thì sẽ trắng tay”.

                                                                                                          Theo ĐV











Các bài mới
Các bài đã đăng