Tạp chí Sông Hương -
Nhật Bản: Chùa Pháp Long, nơi lưu giữ nhiều quốc bảo
09:58 | 15/12/2010
Chùa Pháp Long (Horyuji) do Thái tử Thánh Đức (Shotoku - 574-622) xây dựng vào đầu thế kỷ thứ VII, nằm ở ngoại ô thành phố Nara, cách trung tâm thành phố khoảng 12km. Lúc mới thành lập, chùa được gọi là chùa Ban Cưu (Ikarugadera). Tên này hiện nay thỉnh thoảng người ta vẫn dùng.
Nhật Bản: Chùa Pháp Long, nơi lưu giữ nhiều quốc bảo
Chùa Pháp Long được xem là một trong những tòa nhà gỗ cổ xưa nhất hiện đang tồn tại trên thế giới, và là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Nhật Bản. Vào năm 1993, chùa Pháp Long đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là một điểm di sản thế giới với cái tên là "Công trình kỷ niệm của Phật giáo" trong quần thể các công trình thuộc khu vực Pháp Long. Riêng Chính phủ Nhật Bản thì đã liệt kê danh sách một số công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc và những di vật lịch sử của chùa vào danh sách những báu vật của quốc gia.

Thái tử Thánh Đức đã xây dựng ngôi chùa này để thờ Đức Phật Dược Sư và được xây dựng trên danh nghĩa của phụ hoàng. Những phát hiện khảo cổ học vào năm 1993 xác minh rằng, cung điện của Thái tử Thánh Đức, cung Ban Cưu (Ikaruga-no-miya), vốn nằm trên phần đất phía Đông của quần thể kiến trúc hiện tại của chùa, tại địa điểm của tòa Đông viện ngày nay. Đồng thời, những cuộc khai quật năm 1993 cũng đã phát hiện rằng, những tàn tích của một phần kiến trúc khuôn viên chùa nằm về phía Tây nam cung điện của Thái tử, nó không hoàn toàn nằm trong khuôn viên hiện tại của chùa.


Chùa đã trải qua rất nhiều biến động và nhiều lần trùng tu, lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 2006. Khuôn viên hiện tại của chùa gồm có hai khu vực chính, đó là Đông viện (nằm ở phía Đông) và Tây viện (nằm ở phía Tây). Phía Tây của chùa gồm có Kim đường (Kondō) và Ngũ Trùng tháp (Gojunoto - tháp năm tầng). Kim đường chính là ngôi chánh điện của chùa. Bên trong chánh điện thờ những bức tượng Phật mà Thái tử Thánh Đức đã phát tâm kiến tạo để hồi hướng công đức cho phụ hoàng và mẫu hậu của mình. Bên cạnh đó, trong chánh điện còn thờ bộ tượng Tứ Thiên vương cổ nhất của Nhật Bản, được tạo nên từ thế kỷ thứ VII hoặc thứ VIII. Kim đường là tòa kiến trúc bằng gỗ cổ xưa nhất trên thế giới được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ VII. Và Ngũ Trùng tháp được xem như là tòa kiến trúc bằng gỗ cổ xưa xếp thứ hai trên thế giới, cũng được xây dựng từ thế kỷ thứ VII. Cây cột chính giữa của Ngũ Trùng tháp được đánh giá là được làm từ một thân gỗ đã được đốn xuống vào năm 594 (điều này được rút ra từ phép phân tích thời gian thông qua các vòng trong thân cây). Xung quanh cột khắc những cảnh tượng mà Thái tử Tất Đạt Đa đã chứng kiến tại bốn cổng thành ở bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Mặc dù ngôi tháp có 5 tầng nhưng không phải nhằm mục đích là để leo lên phía bên trong nó, mà là để tạo nguồn cảm hứng cho mọi người thông qua hình dáng bên ngoài của nó.

Bên phía Đông của chùa thì có điện Yumedono (Mộng điện), tăng xá, giảng đường, thư viện và trai đường. Điện Yumedono là một trong những công trình kiến trúc chính của khu vực phía Đông, được xây dựng trên khu đất vốn đã từng là cung điện riêng của Thái tử Thánh Đức. Bên trong điện này có thờ bức tượng Bồ tát Quan Thế Âm nổi tiếng.

Hiện tại, với nhiều kiến trúc, di vật cổ được xếp vào hàng quốc bảo, cùng với cảnh quan thanh nhã, khí hậu trong lành, chùa Pháp Long là một trong những điểm hành hương, du lịch chính của người dân Nhật Bản cũng như du khách quốc tế.

Theo Hoàng Lam - GNO




Các bài mới
Các bài đã đăng