Tạp chí Sông Hương -
Một đời vẽ văn nghệ sĩ
10:12 | 16/12/2010
Triển lãm của họa sĩ Bùi Quang Ngọc sẽ khai mạc sáng nay, 16/12 tại 42 Tràng Tiền, Hà Nội với 32 bức tranh sơn dầu. Điều bất ngờ là trong đó có chân dung của những người nổi tiếng như: Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đoàn Phú Tứ, Quang Dũng... Ông còn vẽ cả khi nghệ sĩ vừa qua đời, chuẩn bị đóng quan...
Một đời vẽ văn nghệ sĩ
Họa sĩ Bùi Quang Ngọc (trái) và tác phẩm vẽ chân dung Trịnh Công Sơn của ông
Trước giờ khai mạc triển lãm, họa sĩ 76 tuổi này cười khà khà kể: “Biết tin mở triển lãm, ông bạn tôi, họa sĩ Trần Lưu Hậu hỏi: Bao giờ mày vẽ tao? Tôi đùa: Những người xuất hiện trong triển lãm của tôi đều qua đời rồi, nếu anh chịu khó “chờ” thì đến lượt”.

Quê Quảng Bình, là một trong những họa sĩ lão thành của mỹ thuật VN và từng có nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, từ những năm 1970, ông đã có ý thức vẽ chân dung và luôn ấp ủ trong tâm khảm những gương mặt mà ông yêu quý. Là anh, là thầy, là bạn... những bức chân dung về họ luôn giúp ông vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Bây giờ, hầu hết những gương mặt ấy đều không còn nữa.  

Năm 1959, họa sĩ Bùi Quang Ngọc tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật VN. Từ đó tới nay, xen kẽ với những chủ đề khác, ông lần lượt tìm đến những nhà văn hóa lớn hay văn nghệ sĩ mà mình yêu mến để vẽ. Giữa thập niên 1970, ông vẽ các gương mặt miền Bắc như Văn Cao, Đoàn Phú Tứ, Thái Bá Vân... Sau này, khi định cư ở TP.HCM, ông vẽ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Gia Trí và cả Hoàng Cầm, Hữu Loan trong những lần họ “Nam tiến”.

Như lời họa sĩ Bùi Quang Ngọc, để ra đời một bức chân dung như ý, ông phải sống, trò chuyện, vẽ hàng trăm ký họa về họ để truyền được trên chân dung cả nhân cách của người được vẽ cũng như tình cảm đặc biệt của mình.

Họa sĩ Bùi Quang Ngọc kể: “Năm 1993, tôi vẽ danh họa Nguyễn Gia Trí khi cụ từ trần. Được gia đình cụ cho phép là 1 trong 4 người thân cầm nến đứng quanh quan tài trước lúc nhập quan, tôi xé vội tờ lịch trên tường và vẽ trong nước mắt.

Còn với nhà triết học Trần Đức Thảo, tôi gặp cụ trong những ngày cuối cùng ở Việt Nam trước khi sang Pháp và mất. Thấy tôi say mê vẽ, Trần Đức Thảo hồn nhiên bóc tấm ảnh ở chứng minh thư ra tặng tôi, đó là một kỷ vật vô giá”.

Theo Minh Châu - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng