Những thành công rất đáng ghi nhận
Tại lễ trao giải cuộc thi tiểu thuyết lần thứ III, diễn ra ở Hà Nội, sáng ngày 21/12/2010, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định: Trong lúc văn hóa đọc đang chịu nhiều áp lực, thị phần văn chương đang bị thu hẹp, khi mà văn chương ngoại đang ồ ạt tấn công vào của một bộ phận rất đáng kể công chúng, nhưng số người trụ lại với tiểu thuyết không những không “cạn” đi, mà còn được bổ sung thêm nhiều gương mặt và tên tuổi mới là điều đáng mừng cho văn chương nước nhà.
Ba cuộc thi tiểu thuyết liên tiếp được tổ chức từ năm 1998- 2010 đã thực sự tạo ra những sự kiện văn học được người viết, người đọc quan tâm. Từ 176 tác phẩm dự thi trong cuộc thi lần thứ I (1998-2001), đến 200 tác phẩm cuộc thi viết tiểu thuyết lần thứ II (2002- 2005), và 247 tác phẩm của 245 tác giả trong cuộc thi lần thứ III (2006-2009), có thể thấy từ sự đúng đắn của một chủ trương đã tạo ra bước phát triển mới của “binh chủng” chủ lực của một nền văn chương.
Vượt qua 51 tác phẩm ở chung khảo, tiểu thuyết “Hội thề” của nhà văn Nguyễn Quang Thân, viết về một giai đoạn khá “nhạy cảm” của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, trận chiến thành Xương Giang, đã giành giải A. Ba giải B được trao cho các tác giả Nguyễn Văn Thọ với tác phẩm “Quyên”, Hữu Phương với “Chân trời mùa hạ”, Nguyễn Quang Hà với “Vùng lõm” và 10 tác phẩm đoạt giải C.
Cuộc thi đã tạo được độ mở rộng lớn cả về không gian nghệ thuật và thời gian diễn các sự kiện lịch sử với dung lượng của nhiều tác phẩm có khi lên tới hàng nghìn trang, bao quát cả một giai đoạn lịch sử khá dài với biết bao biến cố dồn dập, những xung đột gay gắt, những tình huống đầy kịch tính và những vấn đề được đặt ra trong tác phẩm có khi căng thẳng tưởng chừng như có thể “nghẹt thở”. Điều đó chứng tỏ vốn sống của nhà văn ngày càng trở nên giàu có hơn. Nhưng có lẽ thành công quan trọng nhất của cuộc thi tiểu thuyết lần thứ III này chính là ở thái độ nhập cuộc, dấn thân một cách mãnh liệt và có ý thức, thể hiện tính tích cực xã hội và bản lĩnh của người cầm bút viết tiểu thuyết.
Dù không ai bảo ai, những người cầm bút hôm nay đã bị hối thúc từ ý muốn là tìm cho bằng được câu trả lời đối với những vấn đề mà thực tại cuộc sống dân tộc đang đặt ra. Nhiều vấn đề cách đây vài chục năm về trước còn nằm trong khu vực “nhạy cảm”, cấm kỵ, nên không ít người né tránh, ngại đề cập, thì hôm nay các nhà văn với bản lĩnh của mình đã không ngần ngại đối mặt trực tiếp, mô tả hiện thực như nó vốn có, phân tích, mổ xẻ nhằm tìm ra nguyên nhân, giải pháp làm thay đổi nhận thức về các giá trị mang tính nhân văn sâu sắc. Có những vấn đề, đối với các nhà sử học, coi như đã được giải quyết xong, còn nhà văn bảo chưa, cần được giải quyết tiếp, thấu đáo hơn. Đấy là sự khác biệt đáng kể giữa sử học và văn chương.
Còn đó những vấn đề
Với tiểu thuyết “Hội thề”, Nguyễn Quang Thân đã ăn “cú đúp” khi tác phẩm cùng tên đoạt giải nhất tại cuộc thi kịch bản điện ảnh kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Trước đấy trong cuộc thi lần thứ I, ông cũng đã đoạt giải với tiểu thuyết “Con ngựa Mãn Châu” cả hai tiểu thuyết và kich bản điện ảnh đều thuộc đề tài lịch sử. Còn tiểu thuyết “Thức giấc” của Thùy Dương cũng đã ăn “cú đúp”, khi trước đấy chị đã đoạt giải thể loại tiểu thuyết của Hội Nhà văn Hà Nội.
Lùi lại một chút chúng ta có thể thấy ở cuộc thi lần thứ I, với tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” nhà văn gạo cội Nguyễn Xuân Khánh cũng đã đoạt giải A. Ở cuộc thi lần thứ II, các tác phẩm đoạt giải A gồm “Bến đò xưa lặng lẽ” của Xuân Đức, “Dòng sông Mía” của Đào Thắng), “Rừng thiêng nước trong” của Trần Văn Tuấn và “Tấm ván phóng dao” của Mạc Can.
Như vậy có thể thấy, về số lượng giải A, cuộc thi lần thứ III chỉ có một, còn ở các cuộc thi trước có từ 3- 4 giải. Ở đây có hai vấn đề đặt ra là trong khoảng từ 2006-2009, hoặc tiểu thuyết có sự chững lại về mặt chất lượng nên Hội đồng Chung khảo chỉ có thể chọn được một tác phẩm để trao giải A, hoặc là qui chế và hai Ban giám khảo (Sơ và Chung khảo) đã quá khắt khe trong khâu tuyển chọn?
Nhiều bạn đọc trẻ quan tâm thắc mắc là mảng đề tài về cuộc sống đương đại, ít đoạt được thứ hạng cao trong hệ thống giải thưởng, ngược lại, đề tài lịch sử, dù lịch sử xa như thời nhà Hồ, nhà Lê, hay lịch sử gần như thời kháng chiến chống Mỹ, thời kỳ bao cấp,... vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo và đoạt thứ hạng cao trong cả ba lần diễn ra cuộc thi.
Đặc biệt ở cuộc thi lần thứ III này dường như hoàn toàn vắng bóng các cây bút trẻ thế hệ 8x, 9x. Phải chăng đề tài lịch sử cần nhiều vốn sống, kinh nghiệm, học vấn uyên thâm,... những cái mà lớp trẻ chưa đủ thời gian để kịp tự tích lũy. Trong khi đó muốn tìm hiểu đến nơi đến chốn lịch sử dân tộc Việt thì phải giỏi chữ Hán và chữ Nôm. Hai loại chữ này số người trẻ mặn mà và có năng lực thật sự chưa đủ đếm đầu ngón tay. Với số người ít ỏi đó, chưa chắc đã có được một người cầm bút viết tiểu thuyết. Vậy nên họ chưa có được thứ hạng cao cũng là điều dễ hiểu.
Ngay sau buổi trao giải, có người nói với tôi rằng, thành viên Ban Giám khảo đều là những tên tuổi rất nổi tiếng trong làng văn chương nước ta, cái mà lớp trẻ muốn tạo dựng cũng còn phải mất một thời gian khá dài mới có thể. Họ đều ở vào lứa tuổi từ U50 trở lên, nên sự am hiểu, cảm thông và chia sẻ với giới trẻ bị vách ngăn của tuổi tác chặn lại. Giải rơi vào các tay bút gạo cội như Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Phê, Bắc Sơn, Đỗ Minh Tuấn, Y Ban,... cũng là điều không mấy bất ngờ.
Một số thành viên Ban Giám khảo đã nhận định là cuộc thi lần thứ III này chưa tạo được sự đột phá đáng kể nào về mặt hình thức thể loại. Đúng là như vậy. Sự đột phá về hình thức thể loại trong văn chương thế giới nói chung và văn chương Việt nói riêng thường cũng thuộc về giới trẻ. Sự “chịu chơi” chịu tìm tòi, khám phá và tạo một sân chơi cho riêng mình, chỉ dành cho những người còn thiếu sân chơi như giới trẻ. Còn đối với những người đã thành danh từ những gì đã có, sự chú tâm của họ thường là những vấn đề thuộc về nội dung tác phẩm, chứ không nệ vào hình thức thể hiện.
Những điều còn đó của tiểu thuyết hôm nay, xem ra vẫn là những vấn đề của muôn thưở. Nên chăng, Hội Nhà văn VN cần đặt ra những cuộc thi cho những người viết văn trẻ với những giới hạn về tuổi đời nhất định để tạo sân chơi riêng cho họ?
Theo SKĐS
|