Chủ quan, sai lệch và yếu kém Mở đầu hội thảo, PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Việt Nam, đặt vấn đề: “Phê bình lý luận trên báo, tạp chí hiện nay đang có phần tùy tiện, dẫn đến 3 xu hướng: Một là tô hồng thái quá. Hai là người viết không có kiến thức cơ bản về lĩnh vực VHNT nên chỉ dựa vào những thông tin không được kiểm chứng đối chiếu dẫn đến viết hời hợt. Ba là người viết né tránh phê phán, có thái độ làm ngơ trước các hiện tượng sai trái trên lĩnh vực này”. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề Báo, cũng nhấn mạnh: “Thực tế là có nhiều người viết lấy tư liệu bằng tai, tức là chỉ nghe người ta nói, còn hạn chế về sự tinh tế cảm thụ và kiến thức”. Nhà báo viết phê bình chỉ dừng lại ở mức độ là đưa ra góc nhìn chủ quan, thiếu biện luận. “Cùng một bộ phim, một vở diễn hay một tác phẩm văn học, tờ báo này khen ngất trời nhưng tờ báo khác lại phân tích khác hẳn, chỉ ra những sai trái của nó” - nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, nhìn nhận. NSƯT Trần Minh Ngọc cũng bày tỏ trăn trở: “Giới sân khấu chúng tôi vẫn chờ đợi những bài phê bình phân tích thấu đáo, đúng tầm nhưng trên các chuyên trang văn hóa nghệ thuật của nhiều báo hiện nay thường thấy bài viết giới thiệu, nặng về thông tin, ca ngợi quảng bá hơn là phê bình tác phẩm thật sự”. Nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp ở đâu? Nhà báo Trần Bạch Tuyết, Trưởng ban VHNT Báo Sài Gòn Giải Phóng, nêu vấn đề: “Hoạt động lý luận phê bình dường như đánh mất vai trò tiên phong ở hầu hết các lĩnh vực VHNT. Việc đánh giá một tác phẩm, một trào lưu, một hiện tượng văn học nhiều khi được giao phó cho các cây bút viết phê bình không chuyên”. Ông Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cũng bày tỏ lo ngại: “Tính chuyên nghiệp trong phê bình văn học càng lúc càng hạn chế hơn, còn cảm tính và thiếu tính lý luận soi sáng”. Ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TPHCM, nhìn nhận: “Lực lượng phê bình hiện nay có biểu hiện im lặng, các cơ quan báo chí vẫn có một bộ phận tham gia nhưng không thể thay thế được đội ngũ lý luận phê bình chuyên nghiệp”. Thực tiễn đời sống VHNT trong tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu cấp bách, đòi hỏi phải phát triển đội ngũ lý luận phê bình VHNT. Nhiều đại biểu nêu kiến nghị về giải pháp phát triển, cải thiện thực tiễn lý luận phê bình hiện nay: Các hội chuyên ngành nên chủ động thông tin định hướng và phê bình trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang web của hội. Cần phải có chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng viết về các tác phẩm VHNT cho các nhà báo đang công tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nên mở rộng các chương trình giao lưu tác giả, tác phẩm trên các phương tiện truyền thông...
Theo Tiểu Quyên - NLĐ |