Tạp chí Sông Hương -
Nhà lý luận phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân: Người kể chuyện mỹ thuật Việt Nam
09:13 | 02/01/2011
Nguyễn Quân sinh 1948, ở Phú Thọ. Từng tốt nghiệp cử nhân Toán, Trường Đại học Merseburg, Đức nhưng lại là người say mê mỹ thuật, ông tự học và chuyển sang nghiên cứu lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam. Duyên nghiệp này đã đưa ông trở thành người đồng hành chung thủy cùng mỹ thuật hơn 40 năm qua.
Nhà lý luận phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân: Người kể chuyện mỹ thuật Việt Nam
Nguyễn Quân (phải) trò chuyện với họa sĩ Lưu Công Nhân ở Đà Lạt.
Nguyễn Quân vẽ tranh năm 1968; viết sách lý luận, lịch sử mỹ thuật và bắt đầu triển lãm tranh từ năm 1976. Ông từng làm Phó Chủ nhiệm khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội; Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam; Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật; Phó Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật. Nguyễn Quân đã in khoảng 14 quyển sách viết về nghệ thuật, có khoảng 600 bài báo, một số tác phẩm mỹ thuật của ông được lưu giữ ở các bảo tàng và sưu tập tư nhân trong, ngoài nước.

° PV: Vừa là người sáng tác, vừa nghiên cứu và phê bình, xin ông cho biết đôi nét về hoạt động này? Chẳng hạn, qua giao lưu văn hóa ở các trại sáng tác mỹ thuật trong, ngoài nước, ông từng tham gia?

° Ông NGUYỄN QUÂN: Tôi quan niệm vừa sáng tác vừa nghiên cứu là chuyện cũng bình thường từ xưa tới nay. Nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật thời Phục hưng Vassari cũng là một họa sĩ. Nhiều họa sĩ hiện đại như Kandinsky, Klee… đồng thời là các nhà lý luận. Theo tôi, vấn đề học thuật qua các hội thảo quốc tế Nghệ thuật đổi mới Việt Nam, do Bảo tàng nghệ thuật Singapore tổ chức, hay các hội thảo do Viện Mỹ thuật, các buổi thuyết trình do các trung tâm nghiên cứu tổ chức..., tương đối có ý nghĩa quan trọng, mới mẻ. Còn giao lưu triển lãm, trại sáng tác chỉ là những hoạt động tức thời, lấy cảm hứng, tìm thông tin, ít ảnh hưởng sâu sắc tới nghiên cứu hay sáng tác.

° “Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20” là một trong những tác phẩm nghiên cứu, phê bình mỹ thuật của ông, trong đó những vấn đề nào được ông tâm huyết?

° Cuốn này được viết xong 2005, tôi có gửi nhà lý luận, phê bình Phan Cẩm Thượng và TS Phan Thanh Bình (Đại học Nghệ thuật Huế), họa sĩ Lương Xuân Đoàn và vài người khác đọc. Sách gồm 4 phần theo phân kỳ lịch sử mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Phần 1, giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến 1925, kiến trúc đi đầu và hoàn chỉnh việc đô thị hóa, tạo môi trường đô thị, lối sống và văn hóa đô thị cho các ngành văn nghệ khác ra đời, phát triển. Phần 2, giai đoạn mỹ thuật Đông Dương 1925-1945 với các thành tựu hội họa nổi bật, các bậc thầy hiện đại đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam. Phần 3, giai đoạn hai cuộc kháng chiến với mỹ thuật dân tộc chủ nghĩa ở cả hai miền và hiện thực xã hội chủ nghĩa. Phần 4 là giai đoạn nghệ thuật đổi mới, từ đầu những năm 1980 tới nay.

Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 là một cuốn lịch sử mỹ thuật. Theo tôi, mỹ thuật thế kỷ 20 là một thế kỷ đặc sắc, phong phú bậc nhất trong 20 thế kỷ của lịch sử mỹ thuật. Các diễn biến, sự kiện, tác giả, tác phẩm được đề cập, bình chú, phân tích trên phông nền diễn biến và bối cảnh toàn cục văn hóa, xã hội. Chúng tôi hy vọng, một số vấn đề trọng tâm đặt ra trong quyển sách, sẽ vẽ nên một bản đồ khái quát nhưng cũng khá chi tiết về thế kỷ mỹ thuật Việt Nam. Tôi tin mỹ thuật là một ngành tiến hóa ngoạn mục và đóng góp to lớn vào sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Điều đó sẽ mang lại uy tín cho nghệ thuật Việt Nam trên trường quốc tế. Thế hệ chúng tôi đã may mắn được là người sống cùng, có vài tác động cụ thể vào sự “tiến hóa” ấy suốt 30 năm cuối của thế kỷ.

Trong quyển sách này, chúng tôi còn có phụ bản, in lại cuốn Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại, do Nhà xuất bản Văn hóa in 1982. Quyển sách bàn về mỹ thuật Việt Nam giai đoạn 1925-1980, mà trọng tâm là giai đoạn nghệ thuật cách mạng qua hai cuộc chiến tranh và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, các thế hệ nghệ sĩ với những đặc điểm, phong cách, quan niệm nghệ thuật hay những thông tin cập nhật mới nhất về chủ nghĩa hậu hiện đại, sự xuất hiện các thể loại sắp đặt (installation), trình diễn (performance) trên thế giới và Việt Nam cũng được mô tả, bàn bạc tương đối rõ.

° Còn nhớ trong một hội thảo về điêu khắc, ông đã nêu nhận xét việc xây dựng tượng đài tràn lan là lãng phí. Nhưng có nhà điêu khắc cho rằng sau chiến tranh, chúng ta cần viết lại những trang sử anh hùng bằng đá cho thế hệ đời sau?

° Chúng ta đã xây nhiều tượng đài và loay hoay đổ nhiều kinh phí dành cho các công trình. Nó đã tiếp diễn trong thời gian dài. Tôi suy  nghĩ nhiều về điều này và đề nghị nên chăng dừng việc làm tượng đài ít nhất tới 2020. Có thể nghiên cứu tường tận vấn đề này để đưa ra giải pháp thích hợp tránh lãng phí tiền thuế của dân; thay vì chi tiền ấy vào việc làm nhà cho dân ở, xây trường cho các cháu đi học hay xây bệnh viện cho người nghèo... Tri ân những người yêu nước, nghệ sĩ vẫn có những cách thể hiện khác. Làm tượng đài tràn lan như vậy có vẻ giống ở Liên Xô, Trung Quốc trước đây, trong khi hiện nay họ cũng dừng, thôi làm vì tốn kém phi lý. Trong lịch sử mỹ thuật dân tộc Việt Nam, từ mỹ thuật của người Chăm tới của người Kinh... đều không có thẩm mỹ hoành tráng sáo rỗng

Theo Kim Ửng - SGGP

Nhà lý luận, phê bình mỹ thuật PHAN CẨM THƯỢNG:

Nguyễn Quân tìm về văn học và nghệ thuật truyền thống Việt Nam, ham muốn kết nối nó với các giá trị văn nghệ thực tại và cuối cùng mở toang cánh cửa mỹ thuật Việt Nam vào trường nghệ thuật thế giới, trước cả thời điểm đổi mới... Tất cả đều bắt đầu từ điểm hội họa Việt Nam trước và sau thời điểm đổi mới, nghĩa là trong vòng 25 năm cuối thế kỷ 20. Chọn thời điểm đó, vì chắc chắn giai đoạn kề cận trước và sau nó rất quan trọng với bước đi của nghệ thuật Việt Nam. Vai trò của Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên là chiếc cầu nối rực rỡ của các họa sĩ Trường Đông Dương cuối cùng với các họa sĩ trẻ hơn họ đến 30 tuổi. Sự biểu hiện đời sống nhân văn và cá nhân được bù đắp cho hội họa hiện thực đơn thuần đã kết nối họ, trong sự ảnh hưởng sâu sắc văn hóa truyền thống và chủ nghĩa hiện đại (modern art).

Họa sĩ LÊ THIẾT CƯƠNG:

Nguyễn Quân là người đồng hành với Mỹ thuật Việt Nam vào đúng thời kỳ đổi mới - một thời kỳ đặc biệt - cho nên ông có nhiều dữ liệu của người trong nhà, nó sống động và gần sự thật. Điều thú vị nữa, Nguyễn Quân là người vẽ, đó là một lợi thế không nhỏ để trong lúc luận bàn, ông có thể đồng cảm, cộng cảm với đối tượng được bàn chưa kể ông có thể nói được về chuyện bếp núc của nghề, chuyện chất liệu, kỹ thuật v.v…




Các bài mới
Các bài đã đăng