Tạp chí Sông Hương -
'Huckerberry Finn' bản mới loại bỏ từ 'mọi đen'
10:02 | 06/01/2011
Một NXB ở Alabama (Mỹ) quyết thay từ tiếng lóng đầy kỳ thị ‘mọi đen’ bằng từ ‘nô lệ’ trong cuốn sách kinh điển của Mark Twain. Ý tưởng bị một số người phản đối kịch liệt vì dám chỉnh sửa một tượng đài văn học.
'Huckerberry Finn' bản mới loại bỏ từ 'mọi đen'
Bìa cuốn "Huckleberry Finn". Ảnh: rainbowresource
Theo Seattle Times, phiên bản mới Huckerberry Finn của NXB NewSouth Books ở bang Alabama sẽ ra mắt vào tháng 2 năm nay. Thay vào 219 vị trí của từ “mọi đen” (được gọi tắt là N-word, chính là từ “nigger” trong tiếng Anh), NXB sử dụng từ “nô lệ” (slave).

Là từ có nguồn gốc Latin, “nigger” có nghĩa là “mọi đen”. Trong thời kỳ buôn bán nô lệ ở nước Mỹ, "mọi đen" được dùng để gọi người nô lệ da đen làm việc trong các đồn điền ở miền Nam. Sau nội chiến Nam Bắc giữa thế kỷ 19, khi người nô lệ da đen được giải phóng, từ “mọi đen” vẫn được cả người da trắng và da đen sử dụng rộng rãi. Người da đen cũng gọi chính mình là “mọi đen” vì phần lớn chưa ý thức được quyền bình đẳng và vẫn chấp nhận thân phận thấp kém. Còn người da trắng cố tình gọi người da đen là “mọi” để cố kéo dài tình trạng kỳ thị chủng tộc.

Alan Gribben, một giáo sư tiếng Anh của Đại học Auburn ở bang Montgomery, là người đề xuất ý tưởng này với NXB NewSouth Books hồi tháng 7/2010. Giáo sư nói: “Tôi đã dạy văn Mark Twain hàng thập kỷ nay và luôn do dự khi phải đọc to đoạn văn có sử dụng cái từ kỳ thị chủng tộc phổ biến đó”. Từ “mọi đen” được sử dụng thoải mái xuyên suốt tác phẩm nhằm phản ánh sự phân biệt chủng tộc trong xã hội giữa thế kỷ 19.

“Mỗi lần đọc các trích đoạn của Huckleberry Finn hay Tom Sawyer trước lớp, tôi thường bối rối và không muốn phát âm từ đó. Tôi không nghĩ mình là một trường hợp cá biệt”, giáo sư Gribben cho biết.

“Hành động của tôi không phải là sửa văn Mark Twain”, Gribben giải thích. “Giá trị phê bình xã hội vẫn hiển hiện trong cuốn sách. Sự hài hước được giữ lại nguyên vẹn. Ý kiến của tôi chỉ giúp cho nhiều người trong chúng ta thoát khỏi ám ảnh khi không thể đọc cuốn sách trọn vẹn chỉ vì một từ tiếng lóng. Khi thay thế từ đó, cuốn sách vẫn có thể đứng độc lập”.

Phiên bản mới cũng sử dụng từ “Indian” để chỉ người Ấn Độ gốc Mỹ thay vì tiếng lóng có ý kẻ cả “injun”.

Mặc dù vậy, khi NXB NewSouth Books đưa ý tưởng này ra để trưng cầu dân ý trên trang Publishers Weekly, nhiều người đã phản đối gay gắt. Theo bà Suzanne La Rosa, người sáng lập nhà xuất bản, nhiều thư điện tử và cuộc gọi tiêu cực tới tấp bay đến.

Những người phản đối chỉ trích NXB cứng nhắc như một “cơ quan kiểm duyệt” hay thay đổi từ ngữ chỉ vì “mục đích chính trị”. Phổ biến nhất, người ta phản đối ý tưởng này vì “thay đổi dù chỉ một từ trong một tác phẩm văn học đã trở thành tượng đài cũng là một tội ác”.

Mặc dù vậy, 7.500 bản mới của cuốn Huckleberry Finn không có từ “mọi đen” vẫn sẽ được xuất bản vào tháng 2. Một tuần sau đó, bản sách điện tử sẽ được tung lên mạng.

Theo Pham Mi Ly - evan




Các bài mới
Các bài đã đăng