Phùng Quán, sinh tháng 1 năm 1932, tại xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV.
Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của Phùng Quán được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955 và cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội xuất bản năm 1988 của ông nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1990. Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Lời mẹ dặn, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe...
Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà nội.
Năm 2007, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng.
Suốt cả cuộc đời gắn bó và trăn trở sống chết với Thơ, Phùng Quán đã hoàn thành được tâm nguyện của mình khi để lại cho nền văn học Việt Nam những di sản quý giá, về tài năng, bản lĩnh và nhân cách. Ông đã từng tâm nguyện: "Đã đi với nhân dân/ thì thơ không thể khác", "Có những phút ngã lòng/ tôi vịn câu thơ mà đứng dậy". Thơ của ông là tiếng nói đồng cảm với nhân dân. Thơ và Nhân dân là chỗ dựa vững chãi cho ông. Chính vì vậy, hình ảnh nhà thơ- nhà văn Phùng Quán luôn sống mãi trong trái tim người đọc.
Từ khi qua đời, vì còn vợ con ở Hà Nội nên mộ Phùng Quán vẫn nằm ở nghĩa trang quê vợ. Sau khi bà Vũ Bội Trâm qua đời (15-8-2010), nguyện vọng hồi hương của Phùng Quán mới được con gái Phùng Đỗ Quyên thực hiện.
Trong một thời gian ngắn, bạn bè, độc giả khắp mọi miền đã đóng góp được gần 220 triệu đồng. Sau khi hoàn thành xây cất mộ phần và đưa di hài vợ chồng nhà thơ, nhà giáo Phùng Quán - Vũ Bội Trâm trở về, ngân quỹ vẫn còn 100 triệu đồng. Anh em văn nghệ sĩ Huế đề xuất thành lập Quỹ Phùng Quán, sử dụng vào mục đích trao học bổng cho các em học sinh học giỏi, đam mê văn học.
PV
|