Tạp chí Sông Hương -
Xác lập nền văn hóa bản sắc dân tộc
10:53 | 12/01/2011
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Trải qua 5 năm hoạt động, trong bối cảnh tình hình xã hội ngày càng phát triển, VHNT trong nước đã có những thành tựu nổi bật, ngày càng đáp ứng đòi hỏi của công chúng. 5 năm qua, VHNT đã trải qua một chặng đường đầy khó khăn nhưng cũng thể hiện được bản lĩnh với những thành tích đáng kể.
Xác lập nền văn hóa bản sắc dân tộc

Xuất bản, in, phát hành - hội nhập thế giới

Dù có sự suy giảm về số lượng nhưng chất lượng sách phát hành trong 5 năm qua lại tăng cao. Đây là thành quả của việc Việt Nam gia nhập Công ước Berne tháng 10-2004. Các NXB và các doanh nghiệp kinh doanh ngành sách có sự phân chia rõ nét, nhiều đơn vị thực hiện tốt việc mua bản quyền nên nhanh chóng hòa nhập vào trào lưu chung. Có thể thấy, các tác phẩm đoạt giải thưởng lớn như giải Nobel, Man Broker, Goncourt… vừa được công bố thì chỉ một thời gian ngắn sau đó đã có mặt trên thị trường sách với bản dịch được chăm chút về chất lượng, mẫu mã. Đồng thời, cũng đã xuất hiện những ấn bản sách quốc tế ra mắt ở Việt Nam cùng lúc với thế giới, thay vì phải chờ đợi đôi khi cả năm trời như trước đây.

Thị trường sách, công tác xuất bản chuyên nghiệp và quy mô kéo theo sự tin tưởng của bạn bè thế giới. Nếu trước đây, việc nhà văn nước ngoài đến Việt Nam là chuyện hy hữu thì nay đã trở nên bình thường. Thậm chí, cả các tỷ phú, những nhân vật nổi tiếng cũng sang Việt Nam để giới thiệu sách của mình, như trường hợp tỷ phú Thái Lan hay người giữ kỷ lục ghi nhớ thế giới. Các NXB quốc tế lớn như McGrawhill, Penguin, Random House… cũng thi nhau tổ chức các sự kiện sách để quảng bá thương hiệu tại thị trường Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành xuất bản, in, phát hành đã kịp thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của người dân. Hàng loạt hệ thống nhà sách cao cấp, chuyên nghiệp thi nhau mở ra trên khắp cả nước. Những hội sách lớn như Hội sách TPHCM, Hội sách quốc tế tại Hà Nội đã trở thành những điểm son trong việc khuếch trương văn hóa đọc.

Xã hội hóa sân khấu - ấn tượng TPHCM

Trong 5 năm qua, sân khấu TPHCM đã có nhiều thay đổi – với sự xuất hiện của nhiều đơn vị nghệ thuật thường xuyên sáng đèn đã tạo nên một đời sống sân khấu năng động, đội ngũ nghệ sĩ có nhiều cơ hội biểu diễn, rèn nghề, đặc biệt là những gương mặt trẻ. Trong đó, sân khấu xã hội hóa tiếp tục khẳng định hướng phát triển cũng như sự năng động của mình trong việc đi tìm khán giả khi liên tục đầu tư, dàn dựng nhiều vở diễn mới.

Một điều đáng ghi nhận là thời gian gần đây, sân khấu xã hội hóa đã chú trọng hơn đến chất lượng vở diễn, dàn dựng nhiều vở chính kịch, bi kịch hay, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng. Chính cách làm này mà ở các kỳ hội diễn, liên hoan, sân khấu TPHCM luôn gặt hái được nhiều thành công. Tại Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009, trong 3 vở diễn đoạt huy chương vàng, TPHCM đã có đến 2 vở.

Bên cạnh những thành quả đạt được về số lượng và chất lượng vở diễn, sân khấu TPHCM còn giới thiệu được nhiều gương mặt diễn viên trẻ giàu tâm huyết với nghề như: Hồng Ánh, Thanh Thúy, Huỳnh Đông, Hòa Hiệp, Thanh Vân, Lê Khánh, Đình Toàn, Đại Nghĩa, Đức Thịnh, Lan Phương… Chính những gương mặt trẻ này đã và đang góp phần cùng các thế hệ nghệ sĩ đi trước mang lại sức sống mới cho sàn diễn hôm nay.

Điện ảnh, truyền hình – diện mạo phong phú

Trong 5 năm qua, nền Điện ảnh – Truyền hình Việt Nam đã tạo nên một diện mạo mới. Ở các thành phố lớn, các cụm rạp hiện đại được xây dựng ngày càng nhiều. Nhiều hãng phim tư nhân cũng như nhà nước đã bước đầu trụ vững trên thị trường, sản xuất được số lượng phim đáng kể với đề tài phong phú, trong đó có nhiều phim đủ sức cạnh tranh với phim ngoại trong dịp tết.

5 năm qua, điện ảnh Việt Nam cũng tự hào với những gương mặt đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên đạt thành tựu xuất sắc, mang lại vinh quang cho điện ảnh nước nhà như Nguyễn Vinh Sơn, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Thanh Vân, Vương Đức, Hồng Ánh, Lan Hương, Bùi Bài Bình... với những dấu ấn giải thưởng phim quốc tế.

Phim Việt Nam hướng tới giải thưởng ở các LHP khu vực và quốc tế thành công nhất là mảng phim tài liệu (các bộ phim “Chốn quê”, “Đất tổ quê cha”, “Đất lạnh”, “Còn lại với thời gian”, “Đám mây không dừng lại”, “Người thắp lửa”...). Phim truyện cũng ghi được những dấu ấn qua “Chuyện của Pao”, “Chơi vơi”, “Trăng nơi đáy giếng”, “Rừng đen”, “Những người thợ xẻ”, “Trái tim bé bỏng”, “Sống trong sợ hãi”, “Đừng đốt”…


Gần đây các nhà xuất bản bắt đầu phát triển việc xuất khẩu sách văn học của các tác giả Việt ra nước ngoài để quảng bá văn hóa Việt Nam thay vì hầu như chỉ nhập sách ngoại về dịch như trước. Một thời kỳ mới đang dần mở ra, nhiều thử thách, nhưng cũng lắm cơ hội cho ngành xuất bản, in, phát hành sách Việt Nam.

Phim truyền hình Việt Nam 5 năm qua đã có những tiến bộ vượt bậc về số lượng. Mức tăng trưởng của phim truyện truyền hình rất đáng nể, từ 200 tập phim năm 2006 đến nay đã lên trên 2.000 tập, làm tăng tỷ lệ phim trong nước so với phim truyền hình nước ngoài trên màn ảnh nhỏ. Hàng ngàn bộ phim ra đời đã làm thị trường phim truyền hình sôi động, có tính cạnh tranh cao.



                                                                                                         Theo SGGPO













Các bài mới
Các bài đã đăng