Tạp chí Sông Hương -
"Thế giới xô lệch" đã được “phần thưởng không ngờ”
14:48 | 12/01/2011
Hội Nhà văn Việt Nam vừa trao 3 giải thưởng và 3 bằng khen cho các tác phẩm nổi bật trong năm vừa qua. Một trong 3 bằng khen của Giải thưởng Văn học 2010 là tiểu thuyết Thế giới xô lệch của nhà văn Bích Ngân.
Nhà văn Bích Ngân bên tác phẩm Thế giới xô lệch
Nhà văn Bích Ngân đã chia sẻ với TT&VH nhân “sự kiện” này.

* Tin từ hậu trường cuộc xét giải văn học năm nay cho thấy, ở Hội đồng văn xuôi với những nhà văn tên tuổi đã thống nhất đề cử Thế giới xô lệch vào vòng chung khảo với số phiếu rất cao. Nhưng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam vừa công bố thì chị chỉ được “bằng khen”. Chị có hài lòng với “phần thưởng” khá khiêm tốn này?

- Khi biết tin này, tôi có hơi hụt hẫng (cười) vì “văn mình” mà! Nhưng trạng thái đó cũng thoáng qua nhanh, bởi bất kỳ một cuộc xét giải, trao giải nào, Ban chung khảo cũng có cái quyền chọn lựa của họ.

Tôi nghĩ, giá trị lâu bền cũng như đời sống thật sự của một tác phẩm văn học chính là người đọc. Điều này, tiểu thuyết Thế giới xô lệch đã nhận được một phần thưởng xứng đáng mà chính tác giả cũng không ngờ tới. Tôi chân thành cảm ơn bạn đọc của mình, bạn đọc là giải thưởng lớn nhất.

* Chị có thể nói rõ hơn về “phần thưởng không ngờ tới” đó?

- Tiểu thuyết Thế giới xô lệch ra mắt độc giả vừa đúng một năm, được tái bản và chuẩn bị tái bản lần nữa. Nhiều người đọc và cũng có những tác giả trẻ thức gần suốt đêm để đọc Thế giới xô lệch, rồi sau đó chia sẻ cảm nhận với tác giả. Nhà văn Xuân Đức, Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Chu Lai, nhà thơ Trần Đăng Khoa hôm gặp tôi ở Đại hội nhà văn vừa qua tại Hà Nội đã bắt tay chúc mừng Thế giới xô lệch, những cái bắt tay siết chặt, chân thành.

Một cây bút có tuổi, ông Ngô Văn Phương ở tại số 26 Nguyễn Cừ, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM, ngay sau khi đọc xong, đã ra nhà sách mua một lúc 10 quyển Thế giới xô lệch để gửi tặng bạn bè cùng đọc. Rồi bạn bè ông, có những người ở khá xa, đã đi photocopy quyển sách. Cứ thế, Thế giới xô lệch đã được đến với nhiều người đọc. Chẳng hạn, Hồ Hoài Khanh (sinh viên năm cuối ĐH Sư phạm TP.HCM) đang làm luận văn tốt nghiệp từ tác phẩm Thế giới xô lệch.

* Tới đây, Thế giới xô lệch còn được giới thiệu tới công chúng như thế nào nữa, bởi đã nghe râm ran có những ý tưởng muốn chuyển thể tiểu thuyết này?

- Tác giả Đức Hiền đang ấp ủ đưa Thế giới xô lệch lên sân khấu. Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng có dự định chuyển Thế giới xô lệch thành phim. Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai cũng hào hứng với ý định chuyển ngữ Thế giới xô lệch... Dĩ nhiên, là từ “dự định” cho đến khi thực hiện được dự định đó bao giờ cũng là một khoảng cách, đòi hỏi thời gian, công sức và tâm huyết. Tuy nhiên, điều mà Thế giới xô lệch đã làm được là đã tạo cảm hứng nơi người đọc lẫn người sáng tác. Điều này quả là phần thưởng vô giá đối với người viết.

* Theo chị, đâu là “sức hút” của Thế giới xô lệch?

- Trước nhất, đó là sự lôi cuốn của chữ nghĩa và chữ nghĩa đó chuyên chở được đời sống nội tâm của nhân vật.

Nhiều người đọc, người viết có nhận định khá trùng khớp là: Dòng suy nghĩ khi âm thầm khi ẩn ức, khi giằng xé cuộn trào về con người, về gia đình, về cuộc sống, về nỗi đau, về hạnh phúc chính là sức hút của tiểu thuyết chứ không phải ở sự kiện hay tình tiết gay cấn. Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc NXB Hội Nhà văn, nơi làm “bà đỡ” cho Thế giới xô lệch và cũng là nơi chọn, gửi tiểu thuyết này dự xét giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam còn nhận xét: “Thế giới xô lệch là minh chứng cho kỳ công lao động và sự trau chuốt ngôn từ. Lần lượt các nhân vật hiện ra giản dị như chính cuộc sống vốn thế. Không kiểu cách màu mè, không có gì mới lạ, nhưng cuốn hút ngay từ đầu bởi sức sống của sự chân thật”.

* Xin cảm ơn chị.

Theo Trạc Tuyền - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng