Tạp chí Sông Hương -
Phim hoạt hình Trung Quốc đầu tiên tranh đề cử Oscar
13:47 | 16/01/2011
Bộ phim hoạt hình Trung Quốc The Dreams of Jinsha đang trong cuộc đua giành đề cử Oscar Phim nhựa hoạt hình hay nhất. Điều đó có nghĩa là nó sẽ phải “đương đầu” với 14 phim hoạt hình đỉnh cao khác, trong đó có Shrek Forever After, Toy Story 3. Nhưng điều đó cũng cho thấy nền công nghiệp hoạt hình Trung Quốc đã có sự trưởng thành rõ rệt.
Phim hoạt hình Trung Quốc đầu tiên tranh đề cử Oscar
Cảnh trong phim hoạt hình đua tranh đề cử Oscar The Dreams of Jinsha
Được dàn dựng trong vòng 5 năm, tốn kém 80 triệu NDT (12 triệu USD), bộ phim kể về một cậu bé trung học ích kỷ tên là Xiao Long. Cậu bé đã trở về quá khứ 3.000 năm trước để tới vương quốc cổ đại Jinsha. Tại vương quốc này, trái tim của cậu đã thay đổi, Xiao Long đã giúp công chúa và người lùn bảo vệ được miền đất đẹp đẽ trước các thế lực đen tối.

Phim hoạt hình vẽ tay

Nhà biên kịch kiêm sản xuất Su Xiaohong cho biết phim hoàn toàn được vẽ bằng tay và đây là phim hoạt hình Trung Quốc đầu tiên sử dụng những hình ảnh "2K resolution", một công nghệ đảm bảo cho những hình ảnh được rõ ràng và mịn khi phóng to. “Quá trình sản xuất có sự tham gia của hơn 500 họa sĩ chuyên nghiệp. Họ đã vẽ hơn 500.000 hình ảnh. Đây là một sự án phức tạp do vẽ bằng tay tốn nhiều thời gian và công sức hơn là những hình ảnh được tạo nên bằng máy tính” - Su nói.

Được biết, một studio ở Thâm Quyến – nơi từng hợp tác với đạo diễn nổi tiếng Nhật Bản Hayao Miyazaki – cũng tham gia tạo những hình ảnh có chất lượng cao trong phim. “Sự tinh thông về công nghệ đã tạo nên những hình ảnh gây kinh ngạc và qua đó đã góp phần đưa Jinsha vào danh sách phim đua tranh đề cử Oscar” -  Chen Changqing, nhà nghiên cứu thuộc www.dongman.gov.cn, website chính thức của nền công nghiệp hoạt hình Trung Quốc - khẳng định.

Ông Song Lei, nhà phê bình của ACG Review, tạp chí hoạt hình có tiếng Trung Quốc, cũng ca ngợi phim Jinsha khi đã tận dụng các thắng cảnh của đất nước làm nền phim, trong đó có Cửu Trại Câu, một trong những công viên quốc gia nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Phim còn thể hiện hình ảnh những hồ nước màu ngọc lam được vẽ bằng tay, những cây cầu đá nhịp cuốn và những ngôi nhà mang phong cách dinh thự cổ ở miền Nam Trung Quốc. “Việc tôn vinh di sản đặc trưng của Trung Quốc trong phim là một hướng đi khôn ngoan. Phim đã nhận được sự phản ứng tích cực tại LHP Cannes và LHP Quốc tế Montreal” - ông Song hồ hởi nói. Ông cũng khẳng định thêm rằng, ngoài những yếu tố độc đáo, phim hoạt hình nhất thiết phải có cốt truyện lôi cuốn và đây không chỉ là thách thức đối với riêng nền công nghiệp hoạt hình Trung Quốc.

Cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực hoạt hình

Năm 2004, Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Quốc gia (SARFT) đã ban hành một loạt chính sách nhằm ủng hộ các tài năng làm phim hoạt hình. 4 trường đại học và 9 studio, trong đó có Viện Hàn lâm Điện ảnh Bắc Kinh và Hãng phim Hoạt hình Thượng Hải, được xem là những trung tâm chính cho công cuộc phát triển ngành hoạt hình.

Theo www.dongman.gov.cn, hiện Trung Quốc có hơn 1.200 trường đại học và trường nghệ thuật có những chuyên đề liên quan đến hoạt hình. Và những thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu đã thiết lập những khu công nghệ cao để nuôi dưỡng các công ty hoạt hình mới.

Một số công ty hoạt hình Trung Quốc đã tham gia vào phần hậu kỳ của nhiều phim Hollywood. Chẳng hạn như Tập đoàn Kỹ thuật số Xing Xing, công ty liên danh với Walt Disney Co được thành lập từ năm 2007, đã tham gia thực hiện các kỹ xảo điện ảnh trong phim Chạng vạng, Bộ tứ siêu đẳngNhững chú chó siêu quậy. “Các trường đại học cung cấp những người có tay nghề cần thiết trong từng khía cạnh của một quá trình sản xuất phim hoạt hình, trong khi các công ty vẫn tiếp tục hợp tác với các đối tác nước ngoài, qua những kỹ năng và trải nghiệm họ sẽ có được những hiểu biết sâu hơn về quá trình làm phim hoạt hình”- ông Chen nói.

Theo SARFT, trong 5 tháng đầu của năm 2010, Trung Quốc đã sản xuất được 221 phim hoạt hình (hơn 270.000 phút) cho các kênh truyền hình nội địa, hơn hẳn sản lượng so với cùng kỳ trong vài năm trở lại đây.

Ông Sun Lijun, Phó khoa Hoạt hình của Viện Hàn lâm Điện ảnh Bắc Kinh cho biết, thì cho dù Jinsha có nhận được đề cử Oscar hay không thì đây được xem là một sự thúc đẩy tinh thần cho những người làm nghề bởi đây là phim hoạt hình Trung Quốc đầu tiên được Ủy ban Oscar chọn.

Theo Việt Lâm - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng
(14/01/2011)