Tạp chí Sông Hương -
Đời vắng một tiếng cười
08:51 | 18/01/2011
Tháng 7-2009, tòa soạn báo Tuổi Trẻ Cười giao cho tôi nhiệm vụ viết bài về chân dung nghệ sĩ hài Kim Ngọc. Gọi điện, Kim Ngọc trả lời: “Đời cô cũng buồn nhiều nên không biết có gì vui để cưng viết không nữa, nhưng mà rảnh thì qua đây nói chuyện tào lao cho vui!”.
Đời vắng một tiếng cười

Nghệ sĩ Hiếu Hiền - con trai nghệ sĩ Kim Ngọc - nhận sự chia sẻ của bạn bè và đồng nghiệp tới dự tang lễ - Ảnh: Thuận Thắng

Vậy là sau vài lần hẹn hò, tôi lại có dịp được ngồi “tào lao” với cô Kim Ngọc trong căn nhà nhỏ ở một khu chợ chồm hổm. Nhà không bày biện gì nhiều, nếp sống giản dị từ lâu nay vẫn thế, khoảng sân nhỏ, cánh cổng sắt, chiếc xe máy cũ. Cô bắt đầu kể về những ngày cơ hàn, những ngày phụ má bán thịt heo, giặt đồ, ẵm em trong một gia đình có đến 14 người con. Những ngày chỉ có vài chiếc áo rách để mặc, thấy ai ăn cái gì cũng thèm.

Những ngày buồn khi cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ, gia đình chia cắt. Rồi cả những ngày sau này, khi đã có danh tiếng nhưng gặp lúc thất thời lỡ vận phải ra chợ Cầu Ông Lãnh lột vỏ tôm mướn kiếm sống. Những ngày đó, cô Kim Ngọc nhẹ nhõm gom lại thành “cái hồi nghèo” và rất hồn nhiên, cô tự hỏi: “Hổng biết cái hồi nghèo có gì vui vui để cưng viết báo cười hông ta?”.

Chuyện đời một lúc, cô Kim Ngọc bắt qua chuyện nghề. Gương mặt của cô sáng hẳn lên: “Đi hát có nhiều chuyện vui để kể lắm nè!”. Rồi cô say sưa nhắc lại cái nghiệp cầm ca đã đến với mình như một định mệnh. Ngày ấy, cô ở Giồng Ông Tố, chiều chiều ra hát nghêu ngao ở đầu ngõ vậy mà cũng trở nên nổi tiếng khắp xóm, rồi lại có ông bầu đoàn hát tìm tới nhà xin cho đi theo đoàn.

Nghiệp hát đã đem lại cho cô nhiều niềm vui mà khi kể lại, cô cứ cười suốt. Nào là được đầu quân vào những đoàn hát tên tuổi thuở đó như Thủ Đô, Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương, Bạch Tuyết - Hùng Cường, nhà hát Trần Hữu Trang, đoàn Thanh Tú - Trang Bích Liễu... Nào là được khán giả ái mộ, được ký giả kịch trường quý mến, được mặc đồ đẹp, được có nhiều tiền phụ giúp cha mẹ nuôi em ăn học.

Nào là sau này khi đã chuyển sang tấu hài thì được thêm... ký lô, khán giả thương nên tấu gì cũng cười. Nào là đi đóng phim, đóng kịch truyền hình thì toàn được giao vai vui vẻ (như “Tư Xả Láng” - PV), làm cho khán giả thấy thư giãn mỗi khi “thấy cái mặt của mình”. Bởi vậy khi đi hát, gần như cô Kim Ngọc không nỡ từ chối ai điều gì. Ai giao vai gì cô cũng nhận, dù vai lớn hay vai nhỏ, dù có bận đến mấy cũng ráng giúp. Mà đã giúp thì giúp hết lòng.

Thỉnh thoảng giữa những buổi “tào lao”, cô Kim Ngọc lại cười khoe những sở thích: thích ăn trái cây, thích ăn hủ tiếu thay cơm, thích tập thể dục để giữ dáng, thích mặc áo hoa màu tối, thích trả giá khi mua hàng, thích nấu ăn cho thằng Út (nghệ sĩ Hiếu Hiền), thích mau có cháu nội, thích cười ha hả mỗi khi có chuyện gì vui... Còn ghét? Cô bảo mình không ghét gì, không ghét ai vì cuộc sống ngắn ngủi thương còn không hết. Cô chỉ hơi ngại mỗi khi mặc áo dài vì sợ bị bung nút.

Vậy mà cô đã ra đi, khi vừa kịp xuống xề một câu vọng cổ cuối cùng. Không kịp gặp mặt con cháu, không kịp trăng trối lại điều gì. Những ngày này, ngồi giữa những kỷ niệm về cô, không ai có thể kìm được nước mắt.

Nghệ sĩ Hiếu Hiền như người mất hồn, đôi mắt ầng ậng nước và ôm chầm lấy bất cứ ai hỏi về người mẹ yêu thương của anh. Những nghệ sĩ khác lặng đi trước linh cữu của cô - người mà họ luôn trìu mến gọi bằng má. Bà con lối xóm ở khu chợ chồm hổm này cũng bỏ buôn bán, cứ đứng ngóng trước nhà hai mẹ con nghệ sĩ nổi tiếng nhưng vô cùng bình dân Kim Ngọc - Hiếu Hiền. Chốc chốc họ lại bảo nhau: “Thương quá!”, “Ngày xưa hai mẹ con lúc nào đi với nhau cũng cười tít mắt!”.

Nhưng mà từ đây, đời đã vắng đi một tiếng cười.

                                                                                                                      Theo TT











Các bài mới
Các bài đã đăng