Sen được đề cử quốc hoa Kể từ khi chính thức công bố xây dựng đề án chọn quốc hoa, hiện hoa sen vẫn đứng đầu với số phiếu 40,3% - thống kê từ mạng internet. Lễ hội hoa xuân, là dịp để trưng bày trực quan và lấy ý kiến nhân dân về chọn quốc hoa. Trong số các loài hoa ứng viên, sen được ưu ái tôn vinh hơn cả. Riêng chủ đề sen, triển lãm tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam có nhiều nội dung phong phú. Sen trong tâm linh với mô hình kiến trúc Chùa Một Cột-Liên hoa đài được đặt ở khu vực trung tâm. Hoa sen trong mỹ thuật truyền thống, hiện diện trên các hiện vật qua các thời kỳ lịch sử. Triển lãm ảnh “Sen Việt” quy tụ 80 bức ảnh về sen qua ống kính Trần Bích ở TPHCM. Ngoài các khu trưng bày, hoa sen còn được thể hiện dưới góc nhìn của các họa sỹ đương đại, tạo hồ sen, đầm sen, sắp đặt từ hoa sen, đề cao vai trò của sen trong văn hóa ẩm thực: Mứt sen, chè sen, trà sen. Cuộc trưng bày về hoa sen đợt này có sự đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân hoa ở Hà Nội, Huế, TPHCM - từng góp mặt trong lễ hội hoa Hà Nội. Bàn tay khéo léo của nghệ nhân làm nên đèn hoa sen bằng mây, đài sen bằng đá, chậu hoa sen bằng vải. Nghệ nhân hoa Nguyễn Mạnh Hùng (Hà Nội) nói: “Để tôn vinh sen, tôi và đội ngũ thiết kế sử dụng nhiều ý tưởng. Chúng tôi sử dụng nhiều chất liệu sen truyền thống: Sen đăng của Huế, sen giấy tiến vua của Huế, sen từ nhựa trong Phật giáo, hay nón làng Chuông tạo hình bông hoa sen. Tỉnh Đồng Tháp có nhã ý tặng sen tươi cho chương trình, nhưng vì bây giờ không phải chính mùa, nên số sen có hạn này chỉ tập trung chủ yếu phục vụ đêm Hồn sen Việt 29-1”. Tranh cãi quanh quốc phục, quốc tửu Không được ủng hộ như quốc hoa, dự định chọn quốc phục- quốc tửu nhận phản ứng trái chiều trong cuộc họp báo sáng 18-1. Hơn chục năm trước, quốc phục từng là đề tài được bàn luận, đến bây giờ vẫn ở tình trạng kém thuyết phục. Có ý kiến cho rằng, quốc phục - quốc tửu có là cái tốt, còn không có mà cố đẻ non sẽ trở nên không hay. Riêng quốc phục cho nữ-áo dài- không cần bàn cãi nhiều, nhưng trang phục cho nam giới vẫn chưa ngã ngũ, khó khả quan. Chưa kể tranh cãi quanh việc quốc phục để nguyên thủ quốc gia mặc trong các ngày lễ trọng đại, trong ngoại giao, hay để nhân dân cũng mặc được. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - nơi được giao xây dựng đề án quốc hoa và quốc phục nói: “Quốc phục là nhu cầu cần thiết đối với một quốc gia khi hội nhập quốc tế, nhất là trong ngoại giao. Truyền thống, bản sắc văn hóa của chúng ta có thừa, đủ tự hào để làm được bộ quốc phục, thì có lẽ gì chúng ta không làm. Tôi nghĩ nó cũng chẳng đến mức tốn kém, ảnh hưởng đến kinh tế đất nước, mà ở đây là vấn đề tinh thần, sự tự tôn dân tộc”. Ông Thành cũng nhấn mạnh: Hiện chỉ có đề án quốc hoa xây dựng xong, đề án quốc phục mới dừng lại ở dự thảo, còn quốc tửu đang trong giai đoạn khảo sát. Chính vì thế, triển lãm lần này để lấy ý kiến hoàn thiện hơn cho các bản đề án. Ba năm gần đây, Bộ VH-TT&DL, Bộ Công Thương và Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam chọn được một số loại rượu ngon, đưa ra như ứng cử viên cho quốc tửu. Trong số này có cả rượu công nghiệp, rượu truyền thống, rượu đặc trưng của từng vùng miền. Có ý kiến quan ngại: Chọn quốc tửu phải xuất phát từ yếu tố truyền thống, không nên chọn trong số rượu công nghiệp mang bản sắc của nước khác. Chưa kể, rượu vốn không phải là loại đồ uống được khuyến khích thuộc danh mục cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin. Cục phó Cục Văn hóa cơ sở-nơi nhận trách nhiệm xây dựng đề án quốc tửu - ông Vương Duy Bảo cho rằng nên hướng quốc tửu dưới góc nhìn văn hóa, xuất phát từ nhu cầu hội nhập quốc tế, nếu chọn được thì là niềm tự hào cho Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh, đây mới là chặng đường khởi động cho quá trình tìm quốc tửu, nên triển lãm đợt này cũng là dịp tham khảo.
Theo Toan Toan - TP |