1. Phim đã phát hành ở Trung Quốc hôm 19/1 và sẽ có mặt ở các rạp chiếu Việt Nam vào ngày 28/2. Đạo diễn Trần Mộc Thắng đã đưa câu chuyện mới vào tác phẩm điện ảnh này và đầu tư 29 triệu USD làm phim, trong đó riêng bản sao như thật ngôi chùa Thiếu Lâm và bức tượng Phật cao 9,9m đã tốn 3,02 triệu USD. Ông còn mời dàn diễn viên toàn “sao” tham gia phim, trong đó có Thành Long, Lưu Đức Hoa, Tạ Đình Phong và Phạm Băng Băng. Nhưng phim không chú trọng vào yếu tố võ thuật, thậm chí đạo diễn Trần còn yêu cầu đạo diễn hành động Nguyên Khuê phải làm cho những cảnh võ thuật trong phim mang đậm tinh thần Thiền. Bộ phim Thiếu Lâm tự trước đây có bối cảnh là cuộc chuyển giao giữa đời Tùy và đời Đường; trong phim, Lý Liên Kiệt thủ vai một chàng trai trẻ được các nhà sư Thiếu Lâm nuôi nấng và dạy võ đã tìm cách trả thù cho cái chết của cha mình. Trong bản phim mới dài 135 phút, đạo diễn Trần đưa vào đó một câu chuyện có bối cảnh sau khi chế độ phong kiến ở Trung Quốc sụp đổ đầu thế kỷ 20. Phim kể về Hou Jie (Lưu Đức Hoa), một chỉ huy quân sự mắc chứng hoang tưởng sau khi bị một đồng minh của mình phản bội. Ông đã bày ra một kế hoạch ám sát, nhưng bị cấp dưới của mình (Tạ Đình Phong) giở trò hai mặt. Sau đó, Hou tìm cách lánh nạn trong ngôi chùa Thiếu Lâm và trở thành một nhà sư và đã rất ăn năn với những hành động của mình trong quá khứ. “Tôi không sử dụng Lý Liên Kiệt, người đã 5 lần giành ngôi vô địch kungfu quốc gia để “chiêu dụ” khán giả như bộ phim trước. Tôi chọn Lưu Đức Hoa” - đạo diễn Trần nói và bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông với tài năng cũng như ngoại hình điển trai của nam tài tử Hong Kong này. “Có nhất thiết phải biến Lưu Đức Hoa thành Lý Liên Kiệt không? Tôi thấy không cần thiết và cũng không muốn như vậy”. 2. Đạo diễn Trần cho biết, đoàn làm phim phải mất 1 tháng mới quay xong những cảnh nổ lớn trong phim. Quá trình này được thực hiện rất cẩn thận và đây là một thành tựu kỹ thuật lớn. “Quá trình đó thật đáng nhớ, rất nguy hiểm và đòi hỏi nhiều nỗ lực”, Trần Mộc Thắng chia sẻ. Từng gây tiếng vang với những bộ phim hành động Hong Kong gay cấn như Ngã thị thùy (1998), Tân cảnh sát cố sự (2004) và Bảo bối kế hoạch (2006), đạo diễn Trần Mộc Thắng vẫn luôn tự coi mình là người làm phim thương mại, chứ không phải là đạo diễn phim nghệ thuật. “Tôi chẳng biết làm thế nào để tạo nên những cảnh mang đậm tính nghệ thuật”, Trần Mộc Thắng nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn mới đây. Theo Việt Lâm - TT&VH |