Tạp chí Sông Hương -
Hãy nhắm mắt nghĩ về di sản
14:10 | 24/01/2011
Trong hai ngày 22-23.1, đoàn ngoại giao các nước thường trực Uỷ ban Di sản thế giới đã về làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa về di sản thành nhà Hồ đã được đệ trình lên UNESCO. Sau khi đi thực tế tại quần thể kiến trúc di sản thành nhà Hồ, chiều 23.1, đoàn đã có cuộc làm việc chính thức (ảnh).
Hãy nhắm mắt nghĩ về di sản
Tại buổi làm việc, ý kiến của các nhà ngoại giao thuộc 19 nước đều ghi nhận sự trân trọng những giá trị lịch sử vô cùng quý giá của di sản thành nhà Hồ đối với nhân loại.

Mở đầu buổi làm việc, PGS-TS Tống Trung Tín đã giới thiệu khái quát về quá trình lập hồ sơ đề cử thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới bắt đầu được thực hiện từ năm 2006. Thành nhà Hồ nằm trên thế đất bằng phẳng, bao quanh là các dãy núi, sông ngòi thể hiện sự vững chắc. Ngoài ra, di sản còn là dấu ấn chứng minh sự đột khởi trong lĩnh vực xây dựng thành, lũy của người dân Việt Nam. Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học, Ban quản lý di tích thành nhà Hồ, hồ sơ di sản được trình lên UNESCO và lọt vào vòng 2. Vào tháng 6.2011, hồ sơ di sản thành nhà Hồ sẽ được đưa ra bình chọn tại cuộc họp của UNESCO tổ chức tại Bahrain.

Nhận xét về di sản thành nhà Hồ, bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - nói: “Giá trị của mỗi di sản còn phụ thuộc vào cách nhìn của mỗi người. Ở di sản thành nhà Hồ, triều đại này đã tận dụng tối đa yếu tố thiên nhiên như sông, núi để tiến hành xây thành cũng như đàn tế Nam Giao. “Di sản này có rất nhiều điểm đặc biệt, nếu chúng ta nhắm mắt lại và hình dung sẽ thấy rõ điều đó. Ngoài việc thành đá cũng như đàn tế Nam Giao được khai quật  còn khá nguyên vẹn, còn phải tính tới giá trị của người xưa vận chuyển những khối đá tròn lớn về gọt vuông vức với bề mặt nhẵn và lắp ghép lại với nhau. Những khối đá rất lớn, nhưng lắp ghép khít đến vậy mà không cần đến bất cứ chất kết dính nào, đó là điều đặc biệt”.

Theo nhận định của bà Katherine Muller Marin thì đàn tế Nam Giao cũng là một hợp phần trong khối di sản thành nhà Hồ có thiết kế, cấu trúc rất ấn tượng, đặc biệt là giếng ngự duyên mới được phát hiện. Bà cho rằng, ngoài giá trị về mặt khoa học đơn thuần, di sản thành nhà Hồ còn có giá trị, ý nghĩa đặc biệt về mặt chính trị. Bởi thành lũy này được xây dựng còn nhằm vào mục đích phòng vệ, đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ bờ cõi.

Nhiều ý kiến khác trong đoàn ngoại giao các nước thường trực Uỷ ban Di sản thế giới cũng đưa ra quan điểm: Không nên tách rời những yếu tố ngoại cảnh đối với di sản thành nhà Hồ. Bởi chúng ta di dân ra cách ra di sản thì nó chỉ là một thành đá lạnh lẽo. Cần gìn giữ nguyên trạng để di sản tăng thêm phần ấm cúng, gần gũi với con người. Chính vì vậy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm về mặt giá trị đặc biệt của di sản này. Họ sẽ được hưởng lợi để làm thay đổi cuộc sống nếu thành nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Theo Anh Tuấn - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng