Triển lãm mang tên Lễ hội Gióng, gồm 100 bức ảnh do chính nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thọ bấm máy. 100 bức ảnh được chụp ở nhiều góc độ khác nhau, rất tự nhiên về những màn múa, những động tác, các vị quan chức trong, ngoài nước đến với lễ hội Gióng cũng như những hình ảnh hậu trường của lễ hội Gióng. Tuy vậy, trong 100 bức ảnh được trưng bày, chỉ có một ảnh duy nhất là ảnh đen trắng, chụp màn múa cờ tại chính “không gian thiêng” Giá Ngự trước đền Phù Đổng cách đây hơn 40 năm (1970). Và, lễ hội Gióng năm 1970 cũng chính là lễ hội Gióng đầu tiên nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thọ chụp ảnh. Cũng từ đó cho đến nay, mỗi khi lễ hội Gióng diễn ra là ông lại có mặt và ghi nhật ký lễ hội Gióng bằng những cú bấm máy. Ông cho biết: “Chụp ảnh lễ hội Gióng từ năm 1970 đến năm 2010 kể ra thì không biết bao nhiêu ảnh. Ngay từ khi biết tin lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã lóe lên trong tôi ý tưởng sẽ mở một triển lãm về lễ hội Gióng vào đúng ngày tổ chức trao bằng công nhận cho Hà Nội. Tiếc là tôi có một thân một mình, lại có tuổi rồi nên không đủ thời gian chọn ảnh nhiều hơn. Với lại, đa số những ảnh tôi chụp về lễ hội Gióng là bằng máy cơ, ảnh đen trắng nên chọn cũng lâu...”.
Để có được “món quà” mừng lễ vinh danh hội Gióng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thọ đã phải đầu tư hơn 30 triệu đồng, đó là chưa kể sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền xã Phù Đổng và một số bạn bè thân thiết trong việc “đầu tư phi lợi nhuận”, lo lắng phương tiện vận chuyển và trưng bày ảnh, thuyết minh về các nhân vật, các khoảnh khắc trong ảnh được nghệ sĩ ghi lại. Từng là “quân” của Thánh Gióng Lâu nay, nhắc đến nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thọ, nhiều người chỉ biết ông sinh năm 1943 tại Hà Nội, nguyên là PV ảnh TTXVN, chứ chưa mấy người biết ông là “trai Phù Đổng thứ thiệt”. Không những vậy, từ năm lên 7 tuổi, ông đã là “lính trinh sát” phường áo đỏ trong hội Gióng (phường áo đỏ trong hội Gióng có khoảng 90 em, được gọi là đội quân thiếu nhi của Thánh Gióng - PV). Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thọ đọc: “Lâm râm hội Khám, u ám hội Dâu, vỡ đầu hội Gióng. Thành ngữ nói cấm có sai. Năm tôi làm trinh sát cho ông Gióng, sứt đầu mẻ trán thì chưa lần nào nhưng vì nhỏ con nên có lần bị... huých cho rơi tõm xuống giếng ngay trước đền Phù Đổng ướt như chuột. Không những làm một bụng ễnh nước mà sau khi được “thánh cứu” còn xăm xăm chạy về bếp nhà mình hơ lửa cho khô quần áo để ra... trinh sát tiếp. Lễ hội năm nào cũng lớn, cả làng ai cũng tham gia. Được tham gia lễ hội là một vinh dự, thậm chí là một cái phúc, thế nên, ai mà ngồi không ở nhà thì tủi lắm...”. Xây nhà truyền thống về lễ hội Gióng Sau triển lãm Lễ hội Gióng, nghệ sĩ nghiếp ảnh Văn Thọ còn dự định làm hẳn một dự án tạm gọi là xây dựng nhà truyền thống lễ hội Gióng tại xã Phù Đổng. Chưa nói đến ý nguyện có được thực hiện thành công hay không nhưng ông đã khoe: “Nếu xây được nhà truyền thống, tôi sẽ cố gắng sưu tầm, tuyển chọn ra những bức ảnh chụp về lễ hội Gióng xưa và nay, không chỉ của tôi mà của bất kỳ ai để trưng bày. Sau nữa là sẽ sưu tầm những hiện vật, tái hiện lại lễ hội bằng các mô hình thu nhỏ để dù không chính hội nhưng nếu du khách đến, qua thuyết minh họ vẫn có thể tự hình dung ra được lễ hội Gióng. Và nhà truyền thống cũng có thể là nơi để mọi người đến nói chuyện, thao luyện những màn múa trong hội Gióng nếu muốn...”. Theo Phạm Quỳnh - TT&VH |