Phố được mở hôm thứ bảy (22.1). Chật và đông vui vào các buổi tối. Ấy vậy, sáng thứ ba - 25.1, ngày đi làm, phố cũng vẫn vui vì ríu rít hàng trăm học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11). Thầy Nguyễn Văn Hùng - giáo viên trường - cho biết: “Mọi năm, dịp cận tết, trường cho các cháu đi Bảo tàng Lịch sử rồi chợ hoa Nguyễn Huệ. Năm nay, sau bảo tàng là đi phố “ông đồ” để các cháu biết về thư pháp Việt. Đi phố “ông đồ”, chúng tôi muốn chỉ cho các cháu học cách quan sát, phân biệt qua nét chữ. Trẻ đang học bậc tiểu học, học viết chữ, trước hết phải học những điều cơ bản, chữ viết ngay ngắn, rõ ràng, chân phương, “vở sạch-chữ đẹp”. Bọn trẻ bây giờ vào mạng vi tính nhiều, thấy thư pháp tiếng Việt trên máy tính, như vậy, ra phố “ông đồ”, chúng cũng có thể so sánh, nhận dạng giữa chữ máy tính viết với chữ người viết tay. Chữ tay người viết thì có hồn”. Phần nhiều các “ông, bà đồ” là thành viên CLB Thư pháp Nhà văn hoá Thanh niên. Chủ nhiệm CLB là “thầy đồ” Hoa Nghiêm - một thanh niên lớn lên từ cô nhi viện Diệu Giác (Q.2). Ở Sài Gòn, Hoa Nghiêm học viết thư pháp Việt với thầy Hạnh Thắng - chùa Vĩnh Đức, ra Hội An học với thầy Thông Từ. Hoa Nghiêm giờ cũng đã dạy thư pháp Việt cho những 800 người. Đã 5 mùa xuân, Hoa Nghiêm xuống phố Sài Gòn múa bút, tung chữ. “Viết thư pháp Việt, cần nhất là vững đường nét cơ bản; bút pháp phải luyện vững” - “thầy đồ” Hoa Nghiêm nói. Áp ngày Táo quân về trời, nhiều người đến xin ông đồ Hoa Nghiêm chữ “hiếu”, “cha mẹ”, “phúc” treo ở nhà, “tài, lộc” treo nơi làm việc... Ông đồ Hoa Nghiêm vừa múa bút, vừa hỏi thăm chuyện người xin chữ quê quán ở đâu để tìm thơ đề dưới chữ cho phù hợp. Có cô công nhân người Ninh Thuận - xứ gió và cát, xin chữ “mẹ”, Hoa Nghiêm điền thêm dưới chữ câu thơ: “Đôi vai mẹ mỏi mòn trên cát bụi/ Gánh tình thương rong ruổi nuôi con”. Cô công nhân nhận chữ, xúc động khóc nức... Chị Victory Van Nguyễn (Việt kiều ở Ebay, San Jose, Cali, Mỹ) xin ông đồ Hoa Nghiêm chữ “tâm”, cùng câu thơ của sư ông Thích Nhất Hạnh “Thở vào tâm tĩnh lặng/ Thở ra miệng mỉm cười”; và chữ “an” để sau tết chị mang qua Mỹ treo trong nhà. Chị cho biết: “Cha tôi đã nhất định không xuất cảnh qua Mỹ bởi với ông, không đâu bằng quê hương. Cha dạy: “Có tâm, ắt có tài”. Nên tôi xin chữ “tâm”. Cha cũng dạy: Nhìn chữ an để nhớ những người đi trước đã ngã xuống vì sự tự do, yên bình của đất nước. Nên tôi xin chữ an...”. Đúng ngày ông Táo về trời (26.1), gia đình chị Vân Nguyễn mời ông đồ Hoa Nghiêm tới nhà ở đường Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận) viết thư pháp Việt trên mảnh tường nhà chị dài 58m mặt tường quay ra phía ngoài đường. “Tôi muốn chia sẻ những lời hay - ý đẹp qua lối viết đẹp của thư pháp Việt cho mọi người thưởng thức. Chúng tôi chọn viết những chữ với những câu thơ, như chữ “nhẫn”: “Có khi nhẫn để bình an/ Có khi nhẫn để thênh thang cõi lòng” hay chữ cũng là chữ “nhẫn” với câu thơ “Nhẫn một bước sóng yên gió lặng/ Lùi một bước biển rộng trời yên”. Hay chữ “tình” với câu thơ ân cần tha thiết của Bùi Giáng: “Nhà ơi, tôi gọi là mình/ Mình ơi, tôi gọi mình là nhà tôi”...”. Xuân về, xin chữ, học được nhiều điều biết bao nghĩa được gửi gắm qua từng con chữ Việt! Theo Thuỳ Ân - LĐ |