Tạp chí Sông Hương -
Khi nhạc nhẹ cạn vốn
14:47 | 26/01/2011
Cuối năm, thời điểm các album ồ ạt tiến ra thị trường, vậy nhưng tìm mỏi mắt trong số "rừng" đĩa mới, chỉ lác đác 1 - 2 CD về mùa xuân. Các album làm theo kiểu "mùa vụ" giờ đây không còn xuất hiện nhiều như trước đây vì nguồn bài mới quá ít, lại không hay.
Khi nhạc nhẹ cạn vốn

Đỡ đau đầu hơn, nhiều ca sĩ trở về với nhạc “sến”, có người thì dịch ca khúc tiếng Việt sang tiếng Anh. Một số khác hát lại những ca khúc đã được “đóng đinh” bởi các tên tuổi lớn thì chìm nghỉm.

Nhạc “sến”, tiếng Anh lên ngôi

Có thể điểm mặt chỉ tên là Đường tàu mùa xuân của Tân Nhàn theo phong cách dân gian, Đất nước - Tình yêu của Lê Xuân Hảo theo phong cách thính phòng... với những nhạc phẩm mừng xuân, ca ngợi tình yêu quê hương, tình yêu của những đôi trai gái trong không khí xây dựng đất nước... Những album như thế này cũng rất lẻ loi giữa bạt ngàn album nhạc sến.

Sau những "hiện tượng bán vé" của Đàm Vĩnh Hưng và Tuấn Vũ với bolero, nhiều ca sĩ trẻ chuyển hướng theo dòng nhạc vốn bị bảo là "sến" này. Đáng ngạc nhiên nhất là 2 giọng ca Sao Mai và Sao Mai điểm hẹn: Thành Lê và Mỹ Dung. Quán quân dòng nhạc dân gian 2007 ra mắt bộ đôi CD Lặng và Quê, song hành đi hai chân: nhạc vàng và nhạc dân gian. Nhiều người bảo chị mất tự tin đến độ phải có thêm đĩa nhạc sến để "lấy lòng" khán giả. Nhưng Thành Lê lại cho rằng chị tìm thấy sự đồng cảm với khán giả thông qua những ca khúc như: Người ngoài phố, Thu sầu, Hoa mười giờ, Mưa rừng, Thương hoài ngàn năm, Những đồi hoa sim, Bản tình cuối...
Mỹ Dung quyết định đổi tên thành Mỹ Dzung khi trình làng Từ lúc em đi với Lâu đài tình ái, Hai mùa Noel, Sao anh vô tình... Khi biết được rằng đây là kết quả hợp tác với công ty Tiếng hát Việt của Mr Đàm, người ta không ngạc nhiên nữa về sự chuyển hướng này của ca sĩ Sao Mai điểm hẹn.

Lệ Quyên sau khi vào Nam cũng sướt mướt trong album Khúc tình xưa với Ngọn trúc đào, Tình đời, Hàn Mặc Tử, Đồi thông hai mộ...

Bên cạnh vô số đĩa nhạc sến là các album với các ca khúc tiếng Anh. Hà Anh Tuấn với Cocktail, ngoài nổi đình đám với nghi án "đạo" ý tưởng hình ảnh, thì các ca khúc chưa làm người nghe đã tai, mà một trong số những nguyên nhân đó là phát âm của Hà Anh Tuấn vừa nghe đã nhận ra ngay người Việt hát tiếng Anh. Trong khi đó, Unmakeup của Đoan Trang có vẻ được chờ đợi hơn vì ca khúc Việt vốn đã quen thuộc được viết lời Anh nghe "lạ tai".

Đổi gu vì cạn bài

Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, Phó Ban Biên tập Nhà xuất bản Âm nhạc (Dihavina), vài năm trở lại đây trên thị trường không có đĩa nhạc về mùa xuân có chất lượng, bởi đầu tư quá lớn mà hiệu quả thu về không nhiều. Ngoài ra, nguồn bài về mùa xuân đã cạn kiệt, bài mới thì không hay, bài cũ thì đã quá nhiều người hát.

Nhạc sĩ Quang Long cho biết, vẫn có một số ca sĩ trẻ thực hiện các album về mùa xuân, nhưng họ thường là các gương mặt "mới toanh", giọng ca còn nhiều hạn chế, nên dù đã được cấp phép phát hành nhưng không ghi dấu ấn, thị trường không ai biết đến.

Vì vậy, dù cuối năm băng đĩa phát hành nhiều, nhưng khán giả có mỏi mắt cũng khó tìm ra một đĩa về mùa xuân. Theo góc nhìn của nhà sản xuất, ông Long nói: Trừ một số tên tuổi lớn ra album không cần kén mùa, còn lại đa số ca sĩ bây giờ không làm đĩa theo các chủ đề như 8/3, mùa xuân, mùa thu... Tuy nhiên, họ lại chọn cuối năm để ra đĩa vì đây là mùa dễ bán nhất trong năm.

Khó được chấp nhận

Nhận định việc ra album nhạc sến là một trào lưu, bà Trương Thị Thu Dung, Giám đốc Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông, nói: "Cũng giống như thời trang, âm nhạc cũng có những lúc xu hướng khác nhau. Trước đây thì phát hành nhạc teen, giờ đây, nhạc bolero trở lại bởi nhiều ca sĩ chạy theo thị hiếu khán giả. Họ thấy nhiều người làm album nhạc trữ tình nên cũng theo vì sợ không làm thì lạc lõng và không hợp mốt". Một số khác, theo bà Thu Dung, đã định hình tên tuổi ở một vài dòng nhạc nhất định, họ muốn chuyển qua hát nhạc sến để chứng tỏ mình hát dòng nào cũng đạt. Tuy vậy, không phải ca sĩ nào cũng thành công. Một số có năng khiếu hát nhạc sang, bỗng chuyển qua sến, trở thành sống sượng, không tới.

Nói về album nhạc tiếng Anh, bà Thu Dung khẳng định: Không phải cứ hát tiếng nước ngoài mới là sang trọng và đẳng cấp, tỉ lệ thành công vô cùng thấp. "Chủ yếu việc hát bằng tiếng Anh là xuất phát từ ý tưởng của ca sĩ, chứ các nhà sản xuất hầu như không nghĩ đến điều này. Không phải chúng tôi bảo thủ, nhưng album nhạc bằng tiếng Anh rất khó để được khán giả ủng hộ".

                                                                                                                Theo ĐV


























Các bài mới
Các bài đã đăng