Tạp chí Sông Hương -
Còn mãi một giọng ca
10:23 | 27/01/2011
Những ngày giáp Tết, giới nghệ sĩ cải lương liên tiếp đón nhận tin dữ: chỉ vài ngày sau khi nữ nghệ sĩ Kim Ngọc đột ngột qua đời vì đột qụy thì nay đến lượt danh ca Tấn Tài ra đi. Ông được khán giả ngưỡng mộ với biệt danh “hoàng đế đĩa nhựa”, là cha của hai danh hài Tấn Beo và Tấn Bo, đã ra đi vào lúc 15h ngày 26/1 tại bệnh viện Chợ Rẫy vì nhiễm trùng túi mật.
Còn mãi một giọng ca
Nghệ sĩ Tấn Tài
Nghệ sĩ Tấn Tài tên thật là Lê Tấn Tài, sinh năm 1938 tại Núi Sập, An Giang. Vốn là một thầy giáo nhưng vì đam mê ca hát và sở hữu một giọng ca đặc biệt nên anh giáo làng đã nhanh chóng bén duyên cùng sân khấu. Khởi nghiệp ở gánh Bướm Vàng và sau đó khẳng định tên tuổi ở các đại ban như Thủ Đô, Dạ Lý Hương, Kim Chung và tự bản thân đứng ra lập đoàn Tân Thủ Đô hoạt động rất thành công. Có thể nói trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình ông đã gặt hái được tất cả vinh quang khi chỉ sau 4 năm theo nghề đã chạm tay vào giải Thanh Tâm - giải thưởng danh giá của sân khấu cải lương trước năm 1975. Sở hữu một giọng ca đặc biệt: trầm ấm, mùi mẫn, buồn man mác và nhẹ như gió thoảng, ông được xếp vào hàng những danh ca hàng đầu của sân khấu cải lương ngang hàng với Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn...

Khác với các danh ca khác tạo hẳn nên “trường phái” với nhiều “đệ tử” thì “trường phái” Tấn Tài dường như chỉ có mỗi mình ông vì không ai... bắt chước được. Gia tài của ông có hơn 1.000 bài vọng cổ và hàng trăm vở tuồng sân khấu lẫn thu đĩa, trong đó có những vai diễn “để đời” như: Điệp Nhất Lang (vở Cát Dung Phương Tử), Alikhan (Bóng hồng sa mạc), Quang Sơn (Chiều Đông gió lạnh về), Trương Vô Kỵ (Cô gái đồ long)...

Trước khi tái bệnh (ông đã mổ trị sỏi mật vào năm 2007) mặc dù tuổi đã cao nhưng giọng ca của ông vẫn còn rất ngọt, ông vẫn sung sức tham gia biểu diễn và thu nhiều đĩa cải lương. Vào ngày 11/1/2009, ông đã tổ chức live show Đêm tri ân kỷ niệm 50 năm đi hát. Đây cũng là lần đầu tiên ông đứng chung sân khấu với hai con là Tấn Beo và Tấn Bo.

Một giọng ca “độc nhất vô nhị” đã ra đi, để lại một sự hụt hẫng lớn cho sân khấu cải lương. Linh cữu của ông được quàng tại nhà riêng: 190 Nguyễn Duy, quận 8, TP.HCM; gia đình chọn Nghĩa trang Nghệ sĩ (Gò Vấp) làm nơi an nghỉ cuối cùng cho “hoàng đế đĩa nhựa”.

Theo Ninh Lộc - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng