Tạp chí Sông Hương -
Một thế giới riêng để nhớ Kim Lân
10:33 | 27/01/2011
4 năm sau ngày mất, nhà văn Kim Lân (1921 - 2007) sẽ “trở lại” với chúng ta sống động, gần gũi, chân thật như lúc sinh thời, tại nhà con gái cả của ông - số 35 ngõ 424, Trần Khát Chân, Hà Nội. Trước khi bay vào TP.HCM sáng 26/1, chị Nguyễn Thị Hiền dành cho TT&VH cuộc trò chuyện về dự án nhà lưu niệm Kim Lân sẽ mở cửa đầu tháng 3/2011 và những điều ít người biết về ông.
Một thế giới riêng để nhớ Kim Lân
Nhà văn Kim Lân và con gái Nguyễn Thị Hiền năm 2007. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Sáng 21/1, họa sĩ (HS) Nguyễn Thị Hiền cùng 2 em trai HS Mạnh Đức và Việt Tuấn đến Hội Nhà văn VN gặp Chủ tịch Hội. Là người đọc điếu văn tang lễ Kim Lân, nhà thơ Hữu Thỉnh nhiệt tình ủng hộ việc HS Nguyễn Thị Hiền đứng ra làm phòng lưu niệm cho cha tại Hà Nội (và vài năm tới sẽ chuyển về quê nhà ở Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông đã viết giấy giới thiệu HS tới các cơ quan thuộc Hội lấy tư liệu, đồng thời hứa nhắc các đồng nghiệp, cán bộ trong Hội nếu ai có ảnh, bút tích của Kim Lân, cùng đóng góp cho công trình này.

Tâm nguyện về quê

Số 6 Hạ Hồi, ngôi nhà 2 tầng kiến trúc Pháp mà 7 chị em quây quần bên bố mẹ từ 1958, lẽ ra sẽ là nhà lưu niệm Kim Lân. Khi nhà văn qua đời vào ngày 20/7/2007. Con gái cả muốn bảo tồn nhà, thuê cô cậu sinh viên sắp xếp lại sách vở, đồ đạc của cha, lau dọn phong quang với ý định làm phòng trưng bày do HS Thành Chương quản lý. Nhưng việc không thành, các em đành bán đi, và ngôi nhà có vườn tổng cộng 58m2 đầy kỷ niệm, đã thuộc về chủ mới, tháng 3/2010.

Sau đó, toàn bộ tư trang, đồ vật, tác phẩm của nhà văn được đưa về Phủ Thành Chương, vì ở đó khang trang, lại là công trình nổi tiếng. Nhưng rồi HS Nguyễn Thị Hiền và các em mới bình tĩnh suy nghĩ thấu đáo và thống nhất thay đổi địa điểm về số 35 ngõ 424, Trần Khát Chân, Hà Nội. Chị cho biết: “Tâm nguyện của bố tôi dặn dò: Thầy là nhà văn của những người nghèo khổ, của làng quê. Lúc thầy mất, muốn về làng, không muốn lên phủ, nó không hợp với tính cách thầy. Lúc đó bố tôi không biết sau này chúng tôi sẽ làm phòng lưu niệm...”.

Kim Lân sống rất đạm bạc. Đồ đạc chẳng có gì, cái gì đáng giá là của con mua tặng. Tổng cộng có 4 cái tủ, chỉ 2 cái còn dùng được. HS Hiền bộc bạch: “Bố tôi hợp với phòng lưu niệm một mình, để ông đúng là ông. Bởi những vật dụng đơn sơ của ông trưng bày nơi phủ đệ xa hoa sẽ đối nghịch, nép bên các công trình đồ sộ với nhiều đồ để ngắm. Lý tưởng nhất là có một mảnh đồi, ông rất thích gần gũi thiên nhiên”.

* Thế sao chị không tính đến chuyện làm phòng lưu niệm ở quê như mong muốn về làng của cụ?

- Đúng, bố tôi đã không để tâm đến nhà đất ở quê, nên thiệt thòi vô cùng. Ông nội tôi, cụ Chắt Lâm, có ba vợ. Bà hai không có con, bà ba là bà nội tôi, mất năm 1995 khi 102 tuổi. Nhà của ông nội tôi rất to, nhà chính 2 tầng, bên phải là 5 gian mái ngói, bên trái là nhà 3 gian, có vườn, bếp, bể nước mưa.

Bố tôi đi kháng chiến sớm. Bác trai cả con bà cả mất, bác dâu và 2 con ở cả dinh cơ. Sau đó người ở quê đã bán nhà mà không hỏi chú ruột, lúc ấy bố tôi đang sống. Ông chẳng giận cháu, dù ông là người có quyền nhất với nhà tổ. Hiện cơ ngơi chỉ còn mảnh đất nhỏ lọt giữa các khoảnh đã bán, không lối vào. Chúng tôi tiếng là người làng Phù Lưu mà về quê không còn nhà. Chị em tôi muốn mua lại một phần ngôi nhà đã bị bán, mở thông với mảnh đất lọt giữa kia làm nhà lưu niệm và thờ cúng ông bà, cha mẹ. Nhưng để làm được việc đó cần phải vài năm nữa.

Nhà lưu niệm với hoa và quan họ

“Và như những cụ già quá nửa đời gian khổ, thiếu thốn, bố tôi chẳng tiêu pha gì, dành dụm được khoản tiền. Chúng tôi rất muốn giữ số tiền ấy, gửi tiết kiệm để làm học bổng Kim Lân cho trường tiểu học ở quê”. (Tâm sự của HS Nguyễn Thị Hiền)

* Kiểm kê đồ vật của cha, chị thấy có đủ cho một phòng lưu niệm phong phú?


- Chúng tôi nâng niu tất cả: mũ, tẩu, kính, guốc mộc, điều cày (những năm cuối đời, bố tôi bỏ thuốc lào), tấm phản, bộ bàn ghế. Căn nhà chật chội 38m2 có gác xép ở Hạ Hồi trước đây không bao giờ thiếu hoa, ông trồng ở mảnh vườn và sân vỏn vẹn 20m2. Hồi trẻ, tôi thường được bố sai lễ mễ bê các loại hoa mỗi kỳ nở sang phố Trần Hưng Đạo tặng bác Nguyễn Tuân.

Thường mặc quần áo nâu sồng, bố tôi bị hen, ăn ít, ít nhu cầu, nhưng không thể thiếu hoa và chim. Ông hay bị khó thở và dường như chỉ “thở” trong niềm vui của người trồng hoa, nuôi chim, cá. Những chậu hoa của ông thường cho mượn để đi dự thi, có lúc ông còn được mời chấm các cuộc thi cây cảnh. Đào phai nở hoa từ gốc lên ngọn như đuôi cáo, chi mai vàng thắm, mạc lan màu tím nâu, thanh lan xanh vàng, hương thoang thoảng. Nhất là cúc đại đóa rủ xuống như tóc, bông to, tôi chưa từng thấy lại ở đâu.

Bố tôi nuôi họa mi, cu gáy, mỗi khi ông thò ngón tay trỏ làm hiệu, con chim cu gáy theo nhịp tay ông. Tôi từng mang cặp cá sư tử theo đường máy bay ra cho bố, ông rất thích loài này.

* Cách thức trưng bày hoạt động của phòng lưu niệm Kim Lân sẽ thế nào, thưa chị?

- Tôi xây và kiến trúc lại tầng 4, tầng cao nhất ngôi nhà làm phòng lưu niệm. Ngoài sân thượng trồng nhiều loài hoa cha thích: đào, mai, lan, hồng bạch và mua lồng, nuôi chim gáy, họa mi. Khách đến thăm, sẽ có nhân viên đón, đưa đi xem. Đây là bước đệm để làm nhà lưu niệm quy mô trong vài năm tới.

Chúng tôi sẽ trưng bày sách vở trên kệ, giá sách cổ, phản, tủ... kê ngăn nắp, tạo sự thân thiện, gần gũi. Ngoài tượng đồng vàng của nhà điêu khắc Nguyễn Liên tạc chân dung Kim Lân, là bức tranh của tôi vẽ bố mẹ, từ lúc trẻ tới già, tranh của các em.

Sẽ có nhiều ảnh Kim Lân cùng gia đình, bè bạn, ảnh khi đóng phim. Các phim có Kim Lân đóng sẽ chiếu liên tục trên màn hình. Âm nhạc thường trực bật là quan họ. Cụ thích nghe quan họ, có con nuôi là NSƯT Thúy Hường. Khách thưởng trà xanh, nước vối từ các bình tích, ấm giỏ. Mùi hương trầm như các tao nhân đốt trong phòng văn lúc sáng tác.

Phòng lưu niệm sẽ mở cửa đầu tháng 3, hoạt động theo cách thức “mở”, tôi thích cách mà TS Nguyễn Văn Huyên làm với Bảo tàng Dân tộc học. Thỉnh thoảng chúng tôi sẽ mời các liền anh liền chị, tổ chức các cuộc gặp gỡ, trò chuyện chuyên đề về Kim Lân và các bậc tài danh.

* Mong muốn lớn nhất hiện nay của chị?

- Chúng tôi rất mong bạn nghề, những người yêu mến Kim Lân sẽ lưu tâm tới các bút tích, kỷ vật của cha tôi và rộng lòng cho chúng tôi sao, chụp lại để làm phong phú hơn vốn trưng bày. Tôi biết, hàng năm, các đề thi học kỳ, hết cấp, đại học vẫn dùng các tác phẩm của Kim Lân. Học trò nhiều thế hệ đọc nhớ ông. Tôi không thích từ “cố” đặt trước danh từ của các nghệ sĩ. Tôi mong bố tôi còn sống trong trí nhớ mọi người.

* Chúc chị em HS Nguyễn Thị Hiền thành công với công trình tâm huyết này.

“Gen” hội họa của Kim Lân
Có người ngạc nhiên vì nhà văn Kim Lân sinh ra 5 người con lại đều theo hội họa. HS Nguyễn Thị Hiền cho biết, “gen” về hội họa chính là từ cha chị - nhà văn Kim Lân: “Ông thích vẽ từ nhỏ, trước khi vào nghề văn, ông là thợ của xưởng vẽ cụ Nguyễn Gia Trí - cây đại thụ sơn mài của hội họa VN. Bố tôi có thể vẽ tranh sơn khắc, sơn mài, mê hội họa và nhiều bạn là danh họa. Anh ruột mẹ tôi, NSND Nguyễn Đăng Bảy là người vẽ tranh sơn khắc điêu luyện. Không có gì tự nhiên, tất cả là do gen, do dòng máu. Chúng tôi luôn biết ơn cha mình”.


                                                                Theo Vi Thùy Linh - TT&VH





Các bài mới
Các bài đã đăng