Tạp chí Sông Hương -
Shibam - Thành phố nhà chọc trời cổ nhất thế giới
10:56 | 28/01/2011
Thành phố cổ Shibam, đặc trưng của nền văn hóa bùn, nằm ở thung lũng Hadramacut, phía Đông Yemen, một đất nước giàu những dấu ấn lịch sử, kiến trúc, dinh thự.v
Shibam - Thành phố nhà chọc trời cổ nhất thế giới
Thành phố cổ Shibam. (Nguồn: Internet)
Shibam, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 4, là một trong những bằng chứng nổi bật nhất của nền nghệ thuật và kiến trúc Yemen, trong đó có bức tường cổ Shibam và bức tường vây quanh đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa thế giới của UNESCO năm 1982.

Thành phố Shibam nổi tiếng với những tòa cao ốc được xây bằng gạch bùn liền kề nhau. Tại các vùng sa mạc khô cằn, gỗ và đá là các vật liệu rất khan hiếm, nhưng bù vào là có nhiều cát, đất sét và bùn.

Với sự thông minh và khả năng thích nghi sinh tồn, cư dân sống tại các vùng sa mạc này đã sáng tạo cách riêng để xây dựng nên những nơi trú ngụ an toàn bằng những vật liệu sẵn có.

Với kiểu kiến trúc đặc biệt, thành phố 16 thế kỷ tuổi này với 7.000 cư dân và 500 hộ gia đình độc lập còn được biết đến với cái tên “Manhattan của sa mạc." Đây là ví dụ cổ xưa nhất và hoàn hảo nhất về quy hoạch đô thị theo chiều thẳng đứng.

Nguyên liệu được sử dụng để xây dựng các tòa nhà cao tầng ở Shibam chỉ là bùn nhão đã qua công đoạn xử lý thủ công. Rơm được trộn lẫn với bùn, thêm cát và nước sẽ làm cho bùn cứng và gắn lại thành viên gạch. Những tấm gạch hình chữ nhật sau một tuần phơi dưới ánh nắng chói chang của vùng sa mạc sẽ trở nên rắn chắc và sẵn sàng để đưa vào xây dựng.

Shibam có khoảng 500 căn nhà tháp cao từ 5-11 tầng, mỗi tầng gồm 1, 2 căn hộ. Trên cùng một tòa nhà nhưng độ dày, mỏng cũng khác nhau ở giữa các tầng. Ở những tầng bên dưới, độ dày của tường là từ 1,5-2m. Tuy nhiên, càng lên cao tường càng mỏng dần. Lối kiến trúc này giúp tòa nhà vững vàng và khó sụp đổ.

Để bảo vệ khỏi mưa và xói mòn, bùn không chỉ dùng để tạo ra những tấm gạch xây nhà, mà còn được sử dụng để gia cố phần tường bên ngoài các công trình. Chúng đóng vai trò như vữa trát tường rất hữu hiệu để chống lại các vết nứt, đồng thời tạo vẻ thẩm mỹ cho các tòa nhà.

Đặc biệt, có những tòa nhà cao đến 30m, được xây dựng từ thế kỷ thứ XVI, được coi là những kiến trúc gạch bùn cao nhất thế giới, đồng thời là những mô hình nhà chung cư cao tầng đầu tiên của nhân loại.

Những ngôi nhà cao tầng ở Shibam không giống như các tòa nhà cao tầng hiện đại có nhiều hộ gia đình sinh sống. Ở đây, mỗi tòa nhà chỉ thuộc quyền sở hữu của một gia đình. Tất cả mọi người trong gia đình tập trung sinh hoạt và cư trú chủ yếu từ tầng thứ ba trở lên của tòa nhà. Tầng một và tầng hai dùng làm kho tích trữ lương thực và chuồng dành cho gia súc.

Nhà không chỉ là nơi trú ngụ mà còn là kho lương thực phòng khi thành phố bị kẻ thù vây hãm trong thời gian dài. Chu vi của thành phố là hệ thống tường bảo vệ với 20 cổng ra vào. Các tòa nhà trong thành phố liên thông với nhau bằng lối đi ngoài hành lang bên trên. Cách thiết kế này giúp người dân có thể dễ dàng di chuyển sang tòa nhà bên cạnh để ứng chiến một khi kẻ thù đột kích vào các tòa nhà trong thành phố. Chúng được xây dựng như vậy để tránh cái nắng nóng và lũ lụt ở xứ sở sa mạc này.

Mặc dù chiều cao lớn, nhưng chiều ngang của các tòa nhà lại khá mỏng, thêm vào đó, các đường phố hẹp và tối, nằm kẹp giữa các tòa nhà cao tầng khiến thành phố trông khá chật.

Vì đường đi ở đây rất hẹp, với bề ngang chỉ đủ cho một chiếc ôtô, nên thành phố cho phép mọi ôtô tự do đi lại trên mọi con đường. Bù lại các hoạt động thương mại nhộn nhịp và nhiều màu sắc trên đường phố khiến Shibam luôn sống động và lôi cuốn.

Các công trình kiến trúc độc đáo bằng bùn của Shibam được gìn giữ và bảo tồn cẩn thận bởi nó là niềm kiêu hãnh của tinh thần đoàn kết và tính tự lực của người dân nơi đây./.

Theo Thanh Hoa (TTXVN/Vietnam+)




Các bài mới
Các bài đã đăng