Sáng kiến này nằm trong chương trình nghị sự hiện nay của UNESCO nhằm thúc đẩy trách nhiệm của báo chí và truyền thông, thông qua việc xây dựng các cơ chế tự điều chỉnh tự nguyện nhằm tạo điều kiện để báo chí và truyền thông phát huy vai trò thúc đẩy tự do ngôn luận, dân chủ và phát triển. Tại hội nghị, các nhà báo, đại diện các cơ quan báo chí và truyền thông, các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý báo chí… đã đối thoại về quy chế hiện hành và tương lai của các tiêu chuẩn đạo đức báo chí cũng như những cơ chế tự điều chỉnh hoạt động của nhà báo và báo chí truyền thông ở châu Âu, trong đó có những thách thức từ các nền dân chủ đang nổi lên, mạng Internet toàn cầu cũng như từ các công nghệ thông tin truyền thông mới. UNESCO lưu ý rằng cuộc thảo luận do UNESCO bảo trợ trên toàn cầu trong 2 năm rưỡi qua đã cho thấy các tiêu chuẩn đạo đức của nhà báo và nhà quản lý báo chí, trách nhiệm của các cơ quan báo chí đã hỗ trợ rất lớn đối với hoạt động nghiệp vụ của các nhà báo. Các cơ chế tự điều chỉnh đối với báo chí và truyền thông đã trở thành kênh nối kết các nhà báo với bạn đọc và đáp ứng hiệu quả những yêu cầu của họ, nâng cao nghiệp vụ và cách hành xử đạo đức của nhà báo, tăng cường nhiệm vụ của báo chí và truyền thông, đảm bảo các lợi ích của công chúng được thông tin khách quan, chính xác và đáng tin cậy. Tuy nhiên, UNESCO nhấn mạnh các cơ chế tự điều chỉnh của báo chí truyền thông đang đứng trước những thách thức không thể hình dung được trước đây khi mạng Internet và tiến bộ công nghệ làm biến đổi nghiệp vụ báo chí với tốc độ vũ bão, làm thay đổi các quy chế hoạt động báo chí, phá vỡ mô hình kinh doanh báo chí hiện hành và thúc đẩy những mô hình mới. Tăng cường phản ánh và thảo luận về những vấn đề này là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo báo chí và truyền thông hoạt động với các tiêu chuẩn nghiệp vụ cao và có trách nhiệm trong mọi loại hình báo chí truyền thông, không chỉ ở châu Âu mà trên toàn cầu./. Theo TTXVN/Vietnam+ |