Giữ hồn điệu múa cổ Tương truyền vào đời Vua Gia Long (1802-1820), trong một lần du thuyền ngược về khu vực cửa biển Thuận An, nhà vua thấy trên bờ biển có một đám đông đang tụ tập nhảy múa, có kết hợp một số cử chỉ uốn lượn rất lạ mắt. Thấy lạ, vua dừng thuyền đến xem và được biết đó là điệu múa náp của ngư dân Quảng Ngạn. Thấy điệu múa hay, vua khuyên dân làng nên duy trì điệu múa này. Từ đó, người dân Tân Mỹ giữ gìn điệu múa này như một “báu vật” của quê hương. Gia đình nào có việc hiếu hỷ, đội múa này đến - vừa chia sẻ nỗi buồn cùng gia quyến, đồng thời nhảy múa để xua đuổi ma quỷ giúp linh hồn người chết được siêu thoát. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, các làn điệu múa náp dần dần mai một. Những thế hệ biết nhảy náp bài bản nhiều người giờ đã quy tiên. Người còn sống do tuổi cao, sức yếu, khó có thể chỉ vẽ cho con cháu điệu múa truyền thống của làng. Ông Trần Đình - một người dân ở thôn Tân Mỹ - tâm sự: “Lúc còn nhỏ, đứa mô trong làng được chọn đi múa náp là oai lắm. Hồi nớ không có đồng phục đẹp như bây chừ, toàn đi chân đất, đời ông cha tui chừ ri là hết nhảy náp được rồi, chỉ mong con cháu sau này, gìn giữ vũ điệu của tổ tiên truyền lại”. Nhận thấy “báu vật tâm linh” có nguy cơ biến mất, từ năm 1994, ông Phan Đăng Khoa, Trần Đình, Trần Đa... và ông Lê Minh - Trưởng thôn Tân Mỹ - đã tiến hành thu thập, biên soạn “ giáo án” phục dựng các điệu múa náp đúng với nguyên bản. Mỗi người một việc. Các ông Đa, Đình thu thập tài liệu về múa náp từ các bản dịch chữ Hán - Nôm được cất giữ tại các gia phả họ tộc trong làng. Riêng ông Khoa chịu trách nhiệm vừa thủ vai ông cai vừa là “bầu sô” của 2 đội múa náp thanh niên và thiếu niên. Theo lời ông Khoa, đội múa náp thường có 20 người, chia làm 5 nhóm, trang phục màu đỏ, vàng, xanh nước biển, xanh lá cây, hồng. Với đạo cụ là đèn hoặc gậy, điệu múa náp diễn ra từ 25-30 phút. Một sản phẩm du lịch độc đáo Trước đây, điệu múa náp vốn chỉ có các màn: Tam xà, tứ trụ, vô búp (búp sen), ra nở (sen nở), đi vòng số 8 với số lượng từ 20-24 người tham gia. Để điệu múa sinh động hơn, những người trong Ban biên soạn múa náp làng Tân Mỹ cải biên thêm vào một số động tác như: Tứ trụ sen, đi hàng một hàng hai và hàng chéo... Điều đặc biệt là lớp thiếu niên rất thích múa náp - nhất là những dịp có lễ hội cầu ngư và dịp tết cổ truyền. “Khi bắt tay khôi phục điệu múa náp truyền thống, chúng tôi rất chú trọng đến các em nhỏ, đây chính là những hạt nhân múa náp trong tương lai của làng Tân Mỹ” - ông Khoa nói. Bây giờ, múa náp ở Tân Mỹ không những được sống lại sau gần một thế kỷ vắng bóng, mà còn được đưa vào khai thác du lịch. Mới đây, Cty TNHH du lịch An Thạnh kết hợp dự án du lịch cộng đồng do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội đã đưa điệu múa náp của làng Tân Mỹ vào tour du lịch khám phá “Tam Giang huyền thoại”. Từ ngày múa náp vào tour, cuộc sống của người dân Tân Mỹ sôi động hẳn lên. Khắp các khoảnh đất nhỏ có mái che - vốn là nơi sinh hoạt của thôn - được trưng dụng làm nơi biểu diễn. Khi chúng tôi đến Tân Mỹ, cũng là lúc đội múa náp chuẩn bị đón khách du lịch. “Dù đã nhiều lần đón khách, nhưng tụi em vẫn thấy hồi hộp như lần đầu” - Dũng – một thành viên đội múa - tâm sự. Khách đến, cả đội hàng ngũ chỉnh tề rồi say sưa trong các điệu múa. Trên nền tiếng trống, khèn lúc rộn rã, khi réo rắt, những bước di chuyển tam xà, tứ trụ, tam lang, tứ lang, vô búp, ra nở... của các em làm khách trầm trồ thán phục. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân Tân Mỹ lập nghiệp trên thành phố - thậm chí có người ở tận trong Nam, ngoài Bắc - mỗi khi gia đình có việc ma chay, họ thuê đội múa náp thanh niên đến để múa náp trước linh cữu người quá cố. Nhiều “Mạnh Thường Quân” kiều bào ở nước ngoài là con em Tân Mỹ thấy việc khôi phục điệu múa cổ rất ý nghĩa đã gửi tiền về tài trợ trang phục, đạo cụ biểu diễn. Ông Lê Minh - Trưởng thôn Tân Mỹ - cho biết, năm nào huyện Quảng Điền tổ chức liên hoan văn nghệ, đội múa náp Tân Mỹ cũng tham gia. Theo Minh Ngọc - LĐ |