Theo Seattle Times, 50 bức thư và 4 bưu thiếp của J.D. Salinger vừa được một trường Đại học East Anglia ở Anh công bố cuối tháng 1 vào dịp kỷ niệm một năm ngày mất của nhà văn Mỹ (ông qua đời ngày 29/1/2010 ở tuổi 91). Những bức thư do chính nhà văn bí ẩn viết, cho thấy ông là một người thân thiện, thích làm vườn, thích đi xem biểu diễn tại nhà hát và hay đến nhà thờ. Nhà văn cũng ngợi khen món bánh hamburger tại một nhà hàng. Chris Bigsby, một giáo sư tại trường đại học này, cho biết những bức thư thể hiện một hình ảnh hoàn toàn đối lập của nhà văn so với hình ảnh “nhà tu khổ hạnh” mà người ta gán cho ông khi còn sống ở New England (Mỹ). “Đó là một người từng đi du lịch bằng xe bus đến đảo Nantucket, thác Niagara hay hẻm núi Grand Canyon. Ông cũng thích nói chuyện rôm rả với những người đồng hành trong suốt chuyến đi”. “Ông từng đến nhiều phòng tranh, nhà hát và đã đến London xem diễn kịch của Alan Ayckbourn và Anton Chekhov. Ông thích ra ngoài và đi chơi tại nhiều nơi khác nhau”, giáo sư Bigsby nói. Những bức thư được công bố lần này là do Salinger viết cho Donald Hartog, một người bạn quê London mà ông gặp gỡ năm 1938 ở Vienna khi cả đều ở tuổi thiếu niên. Cả hai cùng tới đây để học tiếng Đức. Sau học xong và trở về quê nhà, hai người theo đuổi hai con đường khác nhau, Salinger trở thành nhà văn còn Hartog làm việc trong ngành xuất nhập khẩu thực phẩm. Đôi bạn liên lạc thư từ trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ hai. Salinger tham chiến và là lính trong quân đội Mỹ. Sau đó mấy năm, tình bạn của cả hai tan vỡ. Con gái Frances của Hartog cho biết, bố cô đã đốt rất nhiều bức thư của Salinger trong một lần dọn nhà. “Khi chúng tôi còn nhỏ, đó giống như một trò vui lấy ra để đùa cợt. Bố biết J.D. Salinger và bố đang đốt thư của ông ấy. Hồi đó bố tôi nói: Nhìn những thứ này đi, anh chàng này (Salinger) sẽ chẳng làm nên trò trống gì cả”. Lời tiên đoán của Hartog cuối cùng đã không thành sự thật. Nhờ cuốn tiểu thuyết đầu tay “Bắt trẻ đồng xanh” (Catcher in the Rye) năm 1951, Salinger đã trở thành một nhà văn nổi tiếng. Câu chuyện cậu thiếu niên 16 tuổi giận dữ Holden Caulfield đã bán được hàng chục triệu bản cho đến nay và trở thành biểu tượng văn học kinh điển về cuộc cách mạng của tuổi trẻ. Mặc dù vậy, thành công của cuốn sách cũng là lý do khiến Salinger, người vốn không thích là tâm điểm của sự chú ý, phải khổ sở trốn tránh báo chí và hào quang của danh vọng. Trong nhiều thập kỷ, ông sống lặng lẽ ở Cornish, New Hampshire (Mỹ) nơi những người dân tự hào với việc bảo vệ sự riêng tư của nhà văn trứ danh và không chào đón bất cứ ai có ý định xâm phạm quyền lợi đó của ông. Salinger rất ít khi trả lời phỏng vấn báo chí. Cuốn sách cuối cùng của ông, “Raise High the Roof Beam, Carpenters and Seymour” gồm 2 tiểu thuyết, xuất bản năm 1963. Đến năm 1965, truyện ngắn cuối cùng của ông được đăng trên tờ The New Yorker. Hartog đã tìm đến người bạn cũ của mình vào những năm 1980, sau khi cuốn tiểu sử đầu tiên về nhà văn (không được sự cho phép của ông) ra đời. Họ bắt đầu viết thư lại cho nhau đều đặn, vào năm 1989 Salinger đến Anh dự sinh nhật 70 tuổi của ông bạn già. Hai người bạn cũ tới nhà hát và đi chơi sở thú, Salinger cũng gặp gỡ 3 người con của Hartog trong dịp này. “Tôi không háo hức gặp ông ấy lắm vì tôi rất thích các tác phẩm của ông ấy và sợ rằng việc gặp trực tiếp sẽ phá vỡ ấn tượng ban đầu”, Frances Hartog nói. Mặc dù vậy, Salinger tỏ ra là một người “rất thoải mái, vui tính và rất quan tâm” tới bố con cô. Frances tìm thấy những bức thư trong một ngăn kéo sau khi bố cô qua đời năm 2007. Gia đình đã tặng những kỷ vật này cho Đại học East Anglia ở Norwich, miền đông Anh, nơi có các khoa giảng dạy về văn hóa và nghệ thuật Mỹ. Theo Hạ Huyền - evan |