Tạp chí Sông Hương -
Chim yến bay về nguồn cội
08:49 | 09/02/2011
Cách đây hơn 50 năm, một con chim lạ chợt xuất hiện trên bầu trời âm nhạc Việt Nam và thể hiện dấu ấn của mình qua ca khúc bất hủ Đêm đông. Đó là nữ danh ca Bạch Yến.
Chim yến bay về nguồn cội
Vợ chồng ca sĩ Bạch Yến - GS-TS Trần Quang Hải - Ảnh: Tư liệu
Vào những ngày đầu năm, chúng tôi đã gặp lại Bạch Yến khi chị vừa về Việt Nam cùng với chồng là GS-TS Trần Quang Hải để thăm bố chồng (GS-TS Trần Văn Khê). Chị đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi:

Thời gian chị xuất hiện trên sân khấu ca nhạc VN khá ngắn ngủi (hình như chỉ ba, bốn năm). Chị “đến” do đâu và “đi” vì lý do gì?

Tôi tên thật là Quách Thị Bạch Yến, sinh trưởng tại Sóc Trăng. Tôi bắt đầu hát từ lúc lên bảy tuổi nhưng lúc ấy chỉ hát trong những buổi sinh hoạt của nhà trường và hát trong ca đoàn nhà thờ mà thôi. Năm 10 tuổi, tôi đoạt huy chương vàng cuộc thi hát dành cho lứa tuổi nhi đồng do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức. Rồi tôi được mời hát mỗi tuần trong những buổi phát thanh dành cho thiếu nhi cho tới khi đài này giải thể. Sau đó, tôi nhập vào đoàn xiếc mô tô bay do người cậu ruột thành lập (từ năm 1954 tới năm 1956). Tôi bắt đầu đi hát tại Sài Gòn từ năm 1957 tới năm 1961. Sau đó tôi sang Pháp để học hỏi thêm về kỹ thuật hát.

Ca khúc Đêm đông được cho là gắn liền với tên tuổi của chị, chắc hẳn chị đã có không ít kỷ niệm với ca khúc này?

Đúng là tên tuổi của tôi đã gắn liền với ca khúc Đêm đông, lúc đó tôi hát ở vũ trường Kim Sơn với ban nhạc Phi Luật Tân Ely Javier. Tôi là người đã đổi nhịp điệu bài Đêm đông từ điệu tango sang điệu slow rock. Cả ban nhạc rất thích cách hát linh động, dạn dĩ của tôi. Khi tôi đưa bản Đêm đông cho anh nhạc sĩ piano làm hòa âm, anh hoàn toàn đồng ý với cách thay đổi nhịp điệu của tôi - để tạo sự ngạc nhiên cho khán giả. Chỉ trong vòng một năm (1957 - 1958), tên tuổi của Bạch Yến và ca khúc Đêm đông luôn gây được sự chú ý của khán giả. Vào thời điểm này, vũ trường Tự Do sắp khai trương. Người chủ của vũ trường này đã ký một hợp đồng rất cao để mời Đêm đông do Bạch Yến hát và cả ban nhạc Ely Javier về trình diễn ở đó...

Hơn nửa thế kỷ qua, ca khúc Đêm đông đã theo tôi đi khắp thế giới, và dù hát ở đâu, ở quốc gia nào - tôi đều hát Đêm đông bằng tiếng Việt.

Nghe nói chị vẫn hoạt động âm nhạc ở Pháp, chị hát nhạc Việt hay nhạc Tây? Đó là những ca khúc nào?

Sau khi nổi tiếng, tôi đã dành dụm một số tiền và quyết định sang Pháp để trau dồi thêm nghề nghiệp (năm 1961). Hồi còn nhỏ tôi được học trường La Providence (Cần Thơ) do các dì phước giảng dạy nên có được căn bản về nhạc lý cũng như đã từng hát được các ca khúc lời Pháp như Tango Blue, Étoile Des Neiges... nên lúc sang Pháp học và hát, tôi đã được hãng dĩa Polydor mời thu thanh 12 ca khúc điệu twist bằng tiếng Pháp, như bài Les Hirondelles, Les deux copains... Ngoài ra tôi còn hát những ca khúc Tây Ban Nha như Cielito Lindo, Malaguena Salerosa... Đương nhiên tôi không thể quên nhạc Việt với những Bến cũ, Gái xuân... và đặc biệt là Đêm đông.

Ngoài nước Pháp ra, chị còn đi hát ở quốc gia nào khác?

Trong thời gian sống ở Pháp, tôi cũng thường được mời đi diễn ở Đức, Áo, Bỉ, Ý... Năm 1965, tôi được Đài truyền hình CBS mời sang New York (Mỹ) trong 2 tuần để tham gia chương trình truyền hình Ed Sullivan Show (chương trình truyền hình này có đến 35 triệu người đón xem mỗi tuần). Cùng diễn chung với tôi trong chương trình này còn có ban nhạc lừng danh The Rolling Stones. Tôi trình bày 2 ca khúc: Đêm đông và nhạc phẩm Mỹ nổi tiếng If I Have A Hammer. Qua đó, tôi trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trong Ed Sullivan Show. Được sự đồng ý của mẹ, tôi đã ở lại Mỹ trong 12 năm (thay vì 2 tuần theo hợp đồng) để tiếp tục diễn quanh 46 tiểu bang Mỹ và Nam Mỹ, Trung Mỹ...

Tôi đã từng tiếp xúc với chồng của chị (GS-NS Trần Quang Hải). Anh ấy thường nhắc đến chị với vẻ tự hào và đầy yêu thương. Chị có thể kể về mối lương duyên gặp gỡ? Rồi những hoạt động âm nhạc “liền cánh, liền cành”của anh chị ở hải ngoại?

Mỗi năm, tôi đều từ Mỹ về Pháp để thăm gia đình. Năm 1978, trong một chương trình ca nhạc tại Paris tôi gặp lại anh Trần Quang Hải (sau 17 năm tính từ buổi gặp lần đầu, cũng tại Paris - 1961). Cuộc gặp gỡ bất ngờ này đã là “cuộc gặp định mệnh” để đưa chúng tôi đến gần nhau và đi tới hôn nhân.

Sau khi nên vợ chồng, tôi ở luôn tại Pháp và bắt đầu hiểu về nhạc cổ truyền, khám phá ra cả một vườn hoa âm nhạc mới. Tôi vốn là một ca sĩ chuyên hát nhạc ngoại quốc, nay anh Hải ngỏ ý hướng tôi về nhạc dân tộc mà tôi rất yêu thích từ lâu nhưng không dám hát vì sợ sẽ làm một việc sai lầm. Bây giờ có người am hiểu một cách thấu đáo dòng nhạc này dìu dắt, giúp tôi hiểu thêm nhạc của nước mình. Ngoài người bạn đời, còn có thêm ba tôi (GS-TS Trần Văn Khê) giúp tôi hát nhạc dân ca một cách chính xác. Từ đó vợ chồng tôi đã trình diễn trên 1.500 buổi nhạc dân tộc quanh thế giới (trung bình mỗi năm trình diễn trước khán giả Âu - Mỹ từ 120 đến 150 buổi), để giới thiệu âm nhạc Việt Nam với người nước ngoài.

Theo Hà Đình Nguyên - TN




Các bài mới
Các bài đã đăng