Từ sáng sớm, hàng trăm con đò đã ngược xuôi trên suối Yến đưa du khách vào thắp hương lễ Phật và tham dự lễ khai hội. Năm nay, du khách hành hương về miền đất Phật có thêm sự lựa chọn mới với 500 đò chất lượng cao được đưa vào sử dụng. Ngoài việc trang bị hệ thống ghế ngồi thay cho việc phải ngồi trên những tấm ván tạm bợ trước kia, đò còn được gắn mái che. Mặc dù giá vé cho mỗi người tăng 10.000 đồng nhưng đò luôn nhận được sự ưu ái của du khách. Dù trời hạn kéo dài nhưng suối Yến vẫn đầy nước, dòng suối trong xanh, có đò văn nghệ phục vụ du khách trong một khung cảnh sơn thủy hữu tình, vừa tạo được không khí lễ hội, vừa mang nét văn hóa mới. Với việc nạo vét, khơi dòng, mở rộng hai bên bờ suối Yến, việc đi lại của thuyền đò trên suối cũng trở nên thuận tiện hơn. Công tác vệ sinh môi trường cũng đã được ban tổ chức và nhân dân địa phương chú trọng, bảo đảm cảnh quan xanh sạch đẹp và tôn nghiêm nơi cửa Phật. Đặc biệt trong ngày khai hội năm nay đã không còn cảnh người ăn xin dọc đường cũng như nơi sân chùa… Một trong những tín hiệu tích cực của mùa lễ hội năm nay là việc xóa bỏ nạn quảng cáo sản phẩm bằng loa đài, trả lại không gian yên tĩnh cho danh thắng. Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hương Sơn, cho biết từ nhiều năm qua, việc đốt đồ mã nơi cửa Phật được nhắc nhở thường xuyên, vì thế hiện tượng này rất hiếm gặp ở khu vực chùa Hương. Vấn nạn đưa đồ thờ mới do phật tử thập phương cúng tiến vào không gian thờ cúng cũng được giải quyết tốt. Toàn bộ đồ thờ cúng mới sẽ do nhà chùa bày trong gian trưng bày được xây dựng tại Thiên Trù và tuyệt đối không đặt, để hoặc thay mới khi chưa có sự thỏa thuận với cơ quan quản lý di tích.
Sau giao thừa, khách hành hương bắt đầu trẩy hội chùa Hương. Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong 6 ngày đầu xuân đã có hơn 100.000 lượt người viếng chùa. Riêng trong ngày khai hội 6 tháng giêng, chùa Hương đã đón tiếp hơn 30.000 du khách. Số lượng khách sẽ tiếp tục tăng vào những tháng đầu năm. Dự kiến, năm nay, chùa Hương sẽ đón tiếp hơn 1,5 triệu lượt khách hành hương. Ông Nguyễn Chí Thanh cũng khuyến cáo, mặc dù có nhiều biện pháp an ninh, đảm bảo khách du xuân thuận tiện, vui vẻ đã được triển khai tích cực, song khách vẫn nên thỏa thuận phí dịch vụ ăn nghỉ và trông coi kỹ lưỡng hành lý cá nhân. Cùng ngày, một số lễ hội lớn trên địa bàn Hà Nội như lễ hội đền Sóc - Sóc Sơn, lễ hội Cổ Loa - Đông Anh, lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng - Mê Linh... cũng chính thức khai hội. Sáng 8-2, lễ hội kỷ niệm 584 năm Chiến thắng Xương Giang được khai mạc tại Khu di tích chiến thắng Xương Giang (xã Xương Giang, TP Bắc Giang). Đây là lễ hội mùa xuân ở tỉnh Bắc Giang được tổ chức hàng năm, nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của Chiến thắng Xương Giang lịch sử năm 1427 do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo, đã đập tan viện binh của quân Minh, là chiến thắng có tính chất quyết định, chấm dứt 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh ở nước ta. Theo chương trình của ban tổ chức, lễ hội Chiến thắng Xương Giang sẽ diễn ra trong 2 ngày 8 và 9-2. Lễ hội Chiến thắng Xương Giang năm nay vẫn cơ bản duy trì được những phần lễ, hội như mọi năm nhưng có nét mới là tổ chức thêm được nhiều trò chơi dân gian truyền thống hơn. Cùng ngày, chùa Bái Đính tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã khai hội với sự tham gia của đông đảo tăng ni, phật tử, nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước dự hội. Tiếng trống hội chùa đã ngân vang khắp vùng núi Đính thuộc xã Gia Sinh, báo hiệu mùa trẩy hội xuân 2011 hướng về “Đất Phật” chính thức bắt đầu. Chương trình nghệ thuật đặc sắc với màn trống hội Hoa Lư và nhiều tiết mục ca múa mừng Đảng, mừng xuân. Bái Đính - ngôi chùa hơn 1.000 năm tuổi - nơi đã khắc ghi dấu ấn với việc vua Đinh Tiên Hoàng lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa, sau này tiếp tục được vua Quang Trung chọn làm lễ tế cờ, động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh. Trong bầu không khí linh thiêng, hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhấn mạnh: Lễ Phật đầu năm là nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt. Hàng năm vào ngày mùng 6 Tết, các tăng ni, phật tử cùng nhân dân cả nước lại tụ hội về Bái Đính, kính cẩn dưới chân Phật cầu mong những điều tốt đẹp cho chúng sinh và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa… Lễ hội chùa Bái Đính khép lại với các nghi thức rước thần từ trong động - ngôi chùa cổ nằm sâu trong hang trên đỉnh ngọn núi cao ra chùa mới. Đội cờ, trống, dàn nhạc theo sau là hàng trăm già làng, thanh niên trong trang phục truyền thống theo hầu; từng đoàn du khách xếp hàng dọc hành lang La Hán chắp tay cầu mong được Đức Phật phổ độ. Lễ hội chùa Bái Đính trước đây chỉ mở hội trong một tuần nhưng những năm gần đây Bái Đính đã trở thành khu tâm linh văn hóa quốc gia nên lễ hội sẽ kéo dài suốt mùa xuân. Theo SGGP |