Song, thời gian gần đây không ít những lễ hội dân gian đã bị biến tướng thành những hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan, với không ít hệ lụy từ những dịch vụ ăn theo... mà các ban quản lý tại nhiều lễ hội hầu như... không quản lý nổi.
Đồ cúng quay vòng
Mùng 3 Tết, cô Phùng Thị Thu Thuỷ - GĐ một công ty xuất nhập khẩu thực phẩm tại TPHCM - đã tất bật sắm cái lễ để mang đến tạ và trả cho Bà chúa Xứ ở tận Châu Đốc, An Giang. Cô cho biết: Đền Bà chúa Xứ Châu Đốc cực kỳ linh thiêng. Cầu gì được nấy, thậm chí vay tiền Bà làm ăn là toại nguyện ngay. Năm ngoái, tôi đã xuống đấy “mượn tiền” của Bà làm ăn. Và trong năm, cũng tạm “ăn nên làm ra” nên giờ đi trả lễ. Theo lời cô Thuỷ, khách đi cúng lễ vào dịp đầu năm tại đây luôn đông nghịt. Cao điểm các đòan xe đến vía bà kéo dài cả cây số, người đi lễ rồng rắn kéo nhau vào lễ, nhiều khi khách phải ở lại đến hai ngày mới có thể vào tận trong chùa để lễ tạ. Cô Thuỷ cũng nói thêm: Nghe đồn có nhiều người vay của bà, làm ăn được nhưng lại quên hoặc cố tình không trở lại trả ơn là liền bị “khiến” làm ăn lụn bại ngay. Hoặc có khi lại ảnh hưởng đến gia đạo, vợ chồng con cái lục đục hay “nặng” nữa là bị ảnh hưởng đến tính mạng, ốm đau…
“Tiếng lành đồn xa”, nên hầu như giới doanh nhân, tiểu thương ở các tỉnh phía Nam, dù bận rộn đến mấy, song cứ vào dịp đầu xuân kéo dài đến rằm tháng giêng là lại “nườm nượp” đổ về lễ Vía Bà để cầu cúng và vay tiền. Hoạt động tâm linh ý nghĩa đi lễ vào đầu xuân đã trở thành những hoạt động mê tín dị đoan và kéo theo sự phát triển vô độ của không ít dịch vụ “ăn theo” khác. Ông Trần Duy Phương - chủ một nhà hàng tại Đồng Nai - thì cho biết: “Tết trước, tôi cũng đã đến lễ đầu năm ở đây, nhưng năm nay tôi không dám đi nữa vì quá nhiều dịch vụ “lừa”, “mua thần bán thánh” quanh khu chùa Bà. Quanh chùa luôn có những tiểu thương bán các đồ hàng mã và gạo, dầu, muối, trái cây… gạ gẫm khách đến lễ chùa mua để cúng với giá rất trời ơi, cao gấp vài chục lần so với giá trị thật của những món hàng này. Không chỉ thế, họ sẵn sàng mang vác, phục vụ, trưng bày những món này để mình cúng sau đó là lại “âm thầm” lấy lại hết. Rồi lại mang ra bán lại. Những món hàng này cứ xoay vòng mỗi ngày họ kiếm hàng vài triệu đồng. Thật hết nói nổi”. Ông Phương kết luận.
Chị Ngọc Mai - chủ cơ sở may ở Tân Bình - cho biết thêm: Ngay từ trong Tết, có không ít người đã đến đặt may áo choàng và sắm áo lễ để xuống Châu Đốc dâng cho Bà chúa Xứ. Nghe nói, nhiều người may áo cho Bà, đến nỗi bà chúa mặc dù chỉ là một pho tượng nhưng có cả một căn nhà lớn chứa toàn y phục. Trong khi mỗi năm Ban trị sự tại chùa chỉ tổ chức lễ tắm rửa thay áo cho Bà vài lần thế nên nhiều áo chẳng bao giờ được khoác lên người Bà lần nào. Suy cho cùng nhiều khi lòng thành đặt không đúng chỗ sẽ khiến tốn kém vô ích - chị Mai kết luận. Đó là chưa kể đến tình trạng tại chùa luôn có một lực lượng trẻ con, người già luôn mè nheo, làm vạ ăn xin. Hay cũng có không ít người tham gia vào việc đốt nhang và cắm nhang, đốt vàng mã dùm khách lễ chùa vì chùa quá đông… nhưng sau khi những việc này hoàn tất, tất nhiên là khách phải trả tiền dịch vụ với một khoản tiền cũng vài chục ngàn chứ không ít… Thú thật, ngày Tết chẳng ai muốn “sân si, cãi nhau” làm gì nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ những dịch vụ trời ơi này khiến không ít khách thập phương nản lòng mỗi khi muốn tìm đến lễ Chùa Bà…
Loạn giá, loạn chất
“Chín tháng mài dao, ba tháng chém” là câu cửa miệng du khách vẫn truyền tai nhau khi tụ họp du xuân Chùa Hương (Chương Mỹ, HN), bởi lẽ du khách đến nơi này chủ yếu vào 3 tháng đầu xuân, 9 tháng còn lại người hành hương lèo tèo nên “thu nhập” của những người làm dịch vụ ở đây dĩ nhiên không ổn định. Đầu xuân, quãng đường dài hơn 1km trên đò để di chuyển từ cổng chính vào đền Trình vốn được coi là quãng thời gian thơ mộng thư giãn ngắm cảnh non nước hữu tình đã biến thành màn cực hình của tuyệt đại đa số du khách khi các chị (anh, cô, chú, bác) lái đò liên tục “cài cắm” các câu chuyện xin “lộc” đầu năm và kể lể khổ sở, đồng thời “quảng cáo” về năng lực phục vụ bữa trưa của... nhà hàng nhà mình và nói xấu nhà hàng khác (đắt, nguyên liệu tồi, đầu bếp “lởm khởm”).
Giá cả mùa xuân đương nhiên rất phù hợp với tiêu chí “ba tháng chém”: 25 nghìn/chai nước suối khoáng hay trà xanh không độ, gà 250 nghìn/con khoảng 1kg, mì bò 50 nghìn/bát. Chưa kể đến “thiên la địa võng” các dịch vụ giải quẻ nhan nhản khắp nơi, người xin quẻ mang ra nhờ “thầy” giải, chỉ có 20 nghìn cho một lần giải, nhưng “thầy” mở quẻ ra và đọc xuôi những câu thơ trong quẻ và... chẳng diễn giải được gì cả (?).
Yên Tử (Quảng Ninh) là nơi BQL hết sức nỗ lực nhắc nhở du khách chú ý kẻo bị lừa, loa phóng thanh đọc ra rả từ chân núi đến đỉnh núi, khuyến cáo không nên mua các loại “thuốc dân tộc” chữa đau khớp, cầm máu và cả... cường dương. Thế nhưng đội ngũ người bán vẫn hết sức đông đảo giăng hàng khắp lối. Bảo vệ khu di tích liên tục tuần hành để “giải tán” những người bán hàng tự phát nhưng chốc chốc lại có một tấm ni lông rải dưới đất “bán cấp tốc” “thịt thú rừng” có da đen, thịt màu nâu đỏ và lông cứng, rất nhiều người lầm tưởng nên móc ví mua với giá vài trăm nghìn/kg, nhưng thật ra đó là một loại lợn “rẻ bèo” có rất nhiều ở khu vực chợ.
Chùa Bái Đính (Ninh Bình) cũng là một địa điểm có “đội quân” bán hàng, xe ôm, ăn xin... nhan nhản khắp nơi làm phiền du khách. Giá trông xe máy theo quy định là 3000 đồng/lượt nhưng khách vẫn bị thu từ 10-15 nghìn đồng. Giá cả mọi thứ đều tăng vọt, mặt sân trước cổng chính ngổn ngang rác rến, đất cát gây mất không khí trang nghiêm phải có tại những nơi thờ tự.
Chùa Tây Phương (Quốc Oai, Hà Nội) những ngày này xuất hiện thêm các sạp hàng dọc các bậc thang dẫn lên chùa. Bất kỳ du khách nào đến đây cũng bị chèo kéo mua hàng. Những đôi tượng gỗ, những lá bùa cầu may bình thường có 5-7 nghìn đồng vào mùa lễ lên đến 40-50 nghìn đồng. Dịch vụ trông xe cũng cũng thu với giá cắt cổ. Tại đền Bia Bà (La Khê, Hà Nội) giá trên vé ghi là 2 nghìn đồng nhưng khách đến lễ bị thu 5 nghìn đồng, thậm chí lên đến 15-20 nghìn đồng vào dịp chính lễ.
Theo LĐ
|