Tạp chí Sông Hương -
‘Ngày thơ không phải để phán xét thơ hay dở’
14:24 | 14/02/2011
Phản bác ‘chất vấn’ của nhà thơ Văn Chinh về việc Hội Nhà văn chọn toàn ‘thơ dở’ để thả lên trời và tôn vinh trong Ngày thơ hàng năm, Hội cho rằng việc ganh đua hay dở không phải là tinh thần chính của ngày lễ này.
‘Ngày thơ không phải để phán xét thơ hay dở’
Bóng bay "thả thơ" lên trời vào dịp Ngày thơ 2010. Ảnh: Hoàng Hà.

Từ năm 2008, Hội Nhà văn tiến hành “thả thơ” vào Ngày thơ tức thả bóng bay mang theo băng rôn ghi 50 câu thơ tiêu biểu của các nhà thơ tự cổ chí kim với cảm hứng tôn vinh. Năm 2010, Hội đã chọn thơ cổ của Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, thơ đầu thế kỷ 20 của Hồ Chí Minh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên hay thơ thời hiện đại của Trần Đăng Khoa, Vũ Duy Thông…

Mặc dù vậy, có ý kiến đánh giá các câu thơ được chọn qua mỗi năm chưa chất lượng, chưa xứng đáng được tôn vinh. Nhà văn Văn Chinh nói trong cuộc họp báo Ngày thơ sáng 11/2: “Hội Nhà văn lâu nay có nhiều cái mới, nhưng tôi cho rằng cách chọn thơ vẫn cũ”. Nhà văn này cho rằng Hội Nhà văn “đóng cửa” tự chọn thơ chứ không tham khảo ý kiến công chúng khiến những câu thơ được tôn vinh đang trở nên nhàm chán. “Tại sao cứ chủ quan, tại sao cứ bí mật úp úp mở mở chọn thơ? Nếu không thay đổi, tôi e rằng lần thứ ba liên tiếp chúng ta có 50 câu thơ không hay”.

Nguyễn Quang Thiều cho rằng tổ chức Ngày thơ là một cử chỉ đẹp đối với thi ca, công chúng có cơ hội lắng lại tâm hồn với thi ca quan trọng hơn việc bình thơ hay dở. Ảnh: Pham Mi Ly.

Nhưng không phải ai cũng đánh giá thấp các câu thơ được thả trong Ngày thơ các năm trước. Theo nhà thơ Đặng Huy Giang, xét thơ hay hay dở là một việc rất “vô cùng”. Ngày thơ là sự kiện lớn nhất trong năm của giới văn học Việt Nam chứ không riêng gì giới thi ca bởi thơ có giá trị trình diễn, thể hiện hơn văn xuôi. Khó có thể tổ chức một Ngày văn rồi đứng ra đọc cho nhau nghe một vài chương tiểu thuyết, trong khi đó hoàn toàn có thể đọc thơ và trình bày ý tưởng thơ theo nhiều cách khác nhau.

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn, ra tay “dẹp yên dư luận” khi phát biểu khá thấu tình đạt lý: “Việc chọn ra 50 hay 100 câu thơ không phải điểm nhấn chính của Ngày thơ. Ngày thơ không phải một hội thảo chuyên ngành về nghệ thuật thi ca mà là một cử chỉ đẹp đối với thi ca, đối với văn hóa. Công chúng khi đến đó có thể không nhớ một câu thơ nào cả, không nhớ một nhà thơ nào cả, nhưng họ có một tâm hồn dành cho thi ca. Với thi ca, họ cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn”.


Ngày thơ Việt Nam 2011 sẽ được tổ chức tại 3 địa điểm chính trên cả nước, Nam Đàn (Nghệ An) ngày 14/2, Bến Nhà Rồng (TH HCM) ngày 16/2 và Văn Miếu (Hà Nội) ngày 17/2. Điểm nhấn của sự kiện là kỷ niệm 100 ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (1911 - 2011).


Xã hội hóa thơ tại Ngày thơ cũng là một vấn đề được đưa ra bàn thảo sôi nổi. Hội Nhà văn thừa nhận đây là vấn đề khiến Hội đau đầu suy tính bấy lâu nay. Vấn đề gây tranh cãi là thực hiện như thế nào và hiệu quả mang lại đến đâu. Xã hội hóa hiểu nôm na là huy động công chúng tham gia vào Ngày thơ VN không chỉ với tư cách “người xem hội”. Công chúng có thể là người chọn thơ, người đọc và trình diễn thơ, trở thành một thành phần quan trọng của Ngày thơ. Theo nhà văn Văn Chinh, nên sử dụng các phương tiện truyền thông để “loan báo” rộng rãi việc chọn thơ tại Ngày thơ để công chúng đóng góp ý kiến.

Mặc dù vậy, một số hội viên khác không đồng tình với việc xã hội hóa. Đặng Huy Giang nói: “Không có chuyện xã hội hóa chọn thơ đâu”. Ông nghĩ việc xã hội hóa là “phong trào”, cũng vui nhưng chỉ có tác dụng làm Ngày thơ thêm phong phú mà thôi.

Nếu huy động công chúng trình diễn trong Ngày thơ thì có thể giảm nhiều kinh phí và tăng tính ngẫu hứng của sự kiện thi ca này. Sân thơ Hiện đại trong Ngày thơ tại Văn Miếu (Hà Nội) năm nay có tổng kinh phí 50 triệu đồng. Tuy nhiên, nhà văn Võ Thị Xuân Hà lo ngại hoạt động này có thể giảm chất lượng của Ngày thơ, một sự kiện đã có đẳng cấp. Không thể cứ tác giả nào yêu thơ, có làm thơ, nhận được một số lời khen ngợi thì có thể đứng lên đọc thơ tại Ngày thơ. Đặng Huy Giang và Võ Thị Xuân Hà đều nghĩ rằng phân biệt rạch ròi hai đối tượng, người làm thơ và người yêu thơ, không thể đánh đồng.

                                                                                                                        Theo eVan









Các bài mới
Các bài đã đăng