Theo Independent, Jan Gross, sử học gia đại học Princeton (Mỹ) và vợ cũ của ông đã cùng viết cuốn sách Golden Harvest. Dù đến mùa xuân 2012 Oxford University Press mới xuất bản sách tại Anh, ấn bản tiếng Ba Lan của tác phẩm này được NXB Znak (Ba Lan) ra mắt độc giả với số lượng hạn chế. Golden Harvest mau chóng trở thành đề tài tranh cãi gay gắt của giới trí thức nước này và nhiều nhà phê bình cho rằng cuốn sách đe dọa nghiêm trọng đến chủ nghĩa dân tộc của Ba Lan. Trong Golden Harvest, Jan Gross và vợ ông miêu tả chi tiết làm thế nào mà người Ba Lan có thể thu lợi từ dân Do Thái trong thảm họa Holocaust. Mở đầu Golden Harvest, độc giả có thể thấy một bức ảnh đen trắng. Thoạt nhìn qua, tấm hình có vẻ miêu tả quang cảnh nông thôn bình thường khi một nhóm nông dân người Ba Lan đứng nheo mắt dưới ánh nắng mặt trời, tạo dáng chụp ảnh sau một ngày cày cục trên đồng.
Chỉ khi nhìn kỹ, người ta mới thấy được, phía trước hàng đầu của nhóm nông dân là những chiếc sọ người nằm la liệt, vết tích của hàng nghìn người Do Thái đã bị phát xít giết chết tại trại tập trung ở khu làng Treblinka (Ba Lan). Thực tế, những người nông dân này đang tìm kiếm những bộ răng vàng, của cải, tư trang của các nạn nhân xấu số có thể rơi vãi khi bị bọn phát xít hành quyết. Điều này tiết lộ một chương ít được biết đến trong lịch sử Ba Lan suốt cuộc Chiến tranh Thế giới lần 2. Khi NXB Znak ở Krakow (Ba Lan) giới thiệu đến độc giả vài chương đầu tiên của cuốn sách, trụ sở văn phòng của NXB này liên tục nhận được những bức thư nặc danh, phản đối việc ra mắt sách. Henryk Wozniakowski, CEO của NXB, buộc phải lên tiếng để bảo vệ nó. Trả lời phỏng vấn tờ Independent, ông Wozniakowski cho rằng, ông hy vọng người Ba Lan sẽ nhận ra nội dung cuốn sách không phải nhằm bôi nhọ hình ảnh những người Ba Lan đã dũng cảm xả thân cứu nhiều người Do Thái khỏi sự tàn sát của phát xít mà chỉ nhằm nêu lên một góc của lịch sử. "Cuốn sách nói về chuyện nhạy cảm, gây nhiều tranh cãi nhưng nó là một chương của lịch sử và cần phải được kể lại", ông này nói. Trước Thế chiến thứ hai, Ba Lan là "nhà" của khoảng 2,5 triệu người Do Thái. Phần lớn họ đều bị giết chết dưới bàn tay phát xít Đức sau năm 1939. Có 250.000 người Ba Lan gốc Do Thái bị nhốt trong các trại tập trung ở đất nước này nhưng chỉ có 40.000 người còn sống sót sau thảm họa chiến tranh. Jan Gross cho rằng, dân tộc Ba Lan chia phần trách nhiệm với phát xít Đức về mất mát lớn của người Do Thái. Những cuốn sách của Jan Gross thường gây nên nhiều sóng gió ở Ba Lan, quốc gia mà ông đã rời khỏi từ những năm 1960 để đến định cư ở Mỹ. Sử gia Ba Lan gốc Do Thái này sinh năm 1947. Hiện ông là giáo sư của khoa lịch sử ở đại học Princeton, New Jersey, Mỹ. Người viết cuốn sách cùng ông là vợ cũ, bà Grudzinska Gross, nhà nghiên cứu khoa ngôn ngữ Slavic của Đại học Princeton. Theo Chi Mai - evan |