Tạp chí Sông Hương -
Lại bàn về lễ hội: Vẫn là chuyện bản sắc!
09:21 | 17/02/2011
Năm nào đầu xuân, các lễ hội nở rộ cũng là lúc người ta bàn luận sôi nổi về cái được, cái chưa được xung quanh việc lễ hội. Những ý kiến bàn luận tràn ngập trên nhiều phương tiện truyền thông. Người ta nói quá nhiều về mặt trái của lễ hội, nhưng nói mãi vẫn không thấy thay đổi…!
Lại bàn về lễ hội: Vẫn là chuyện bản sắc!
Lễ hội chạy lợn ở Duyên Yết, Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) - Ảnh: Việt Văn
Xác định quy mô và nhấn mạnh bản sắc

Lễ hội chùa Hương 2011 không họp báo như thường lệ. Thượng tọa Thích Minh Hiền - trụ trì chùa Hương - lý giải với phóng viên Báo LĐ: “Vì nhiều ý kiến cho rằng, họp báo năm nào cũng giống nhau, không có gì mới! Có lẽ đó cũng là ý hay, khi có cái mới hãy họp, còn thì hội chùa Hương hay các hội lớn khác như Yên Tử không cần tuyên truyền, năm nào cũng đông”.

Nhưng đó là những lễ hội mang quy mô quốc gia. Còn lại các hội khác, nên được xác định lại và xác định rõ tầm vóc như hội làng, hội vùng miền hay hội cả nước? Từ đó có cách thức tổ chức, thời gian và các hoạt động khác cho phù hợp, tránh tình trạng có những hội làng nhỏ vẫn tổ chức cả 3 - 4 ngày trời gây lãng phí, mà không tạo dấu ấn. Như lễ hội Tịch điền năm nay đã được giảm quy mô giao cho huyện Duy Tiên tổ chức (còn 5 năm tổ chức hội lớn một lần do tỉnh Hà Nam tổ chức, tính từ năm 2010). Trước đó, lễ hội thuộc diện lớn nhất cả nước như lễ hội đền Hùng đã xác định từ lâu: Cứ 5 năm (lấy năm chẵn) một lần tổ chức cấp quốc gia, còn hằng năm do tỉnh chủ trì.

Nhìn vào bức ảnh chụp lễ hội đền Cổ Loa năm 2011, có nhiều người ngạc nhiên khi thấy cảnh hát quan họ trên thuyền vì tưởng hát quan họ là “đặc sản” của hội Lim. Hàng loạt lễ hội khác cũng có những trò chơi giống nhau như hát quan họ, cờ người, đu tiên...

“Trống làng nào làng ấy đánh. Thánh làng nào làng ấy thờ”. Mỗi hội có một tôn chỉ mục đích riêng, bởi thế không chỉ tập trung cho phần lễ (tế, rước...), mà phần hội cũng cần làm rõ đâu là hoạt động tiêu biểu mang đậm bản sắc địa phương để tập trung, còn các hoạt động khác chỉ mang tính “vệ tinh”? Như lễ hội Tịch điền, thì việc tái hiện hình ảnh vua đi cày theo tích Vua Lê Đại Hành xuống đồng khi xưa là nội dung chính, còn chuyện vẽ trâu (năm nay bỏ làm nhiều người hụt hẫng) chỉ là “thêm nếm” tính hấp dẫn.

Để tạo“không gian thiêng”

Sự nhếch nhác trong nhiều hội, nay đã vượt quá câu nói của các cụ xưa hay dùng là: “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”. Chen lấn xô đẩy trong hội thực chất cũng là một thú vui dân dã tạo cảm giác hào hứng, nhưng chen lấn mà mất ví, mất điện thoại di động, mà “nữ tú” bị “nam thanh” sàm sỡ thì thật hết biết! Không ai muốn cái “tả tơi” ấy! Đến hội xưa có ăn, nhưng là “ăn để lấy khước” chứ không phải ăn no say, thậm chí phè phỡn như hiện nay.

Không gian hội như lễ hội chùa Hương - đoạn từ bến Đục lên đến trước cổng chùa Thiên Trù - thật đáng xấu hổ, với các dãy hàng quán la liệt bán thịt thú rừng “dỏm”, bia rượu ê hề. Thượng tọa Thích Minh Hiền đã nhiều lần tâm sự, đó là nỗi nhức nhối của nhà chùa nhiều năm nay. Ông cũng lắc đầu trước nhiều ý kiến nói là hàng quán la liệt ở sân Thiên Trù, thực ra phải gọi đúng là sân chợ Thiên Trù, chứ khuôn viên Thiên Trù phía trong cổng chùa thì không có hàng quán. Nhiều người mang cả mâm bia rượu vào dâng Phật, thế nên nhà chùa hay ban quản lý phải làm hàng chữ khá to (và phản cảm trong không gian chùa): “Không mang giò chả, bia rượu vào cúng lễ”.

Rồi chuyện xử lý rác thải là nỗi đau đầu của nhiều lễ hội mà một trong những ví dụ tiêu biểu năm 2011 là lễ hội chùa Trăm Gian. Dù du khách đổ về không đông, nhưng lượng rác thải tràn ngập, sau ngày chính hội (mùng 4 tháng giêng) vẫn chất đống cả tuần mà không ai lo dọn dẹp.

“Không gian thiêng, thời gian thiêng trong ngày hội” - như GS Tô Ngọc Thanh nói nhiều lần - đã mất dần. Ngày hội giờ đây không còn nguyên vẹn tính chất như ngày xưa là “sự đề đạt, báo cáo với thiên nhiên nguyện vọng của người dân” mong sao mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu nữa, mà còn mang màu sắc thực dụng - kinh doanh.

Thực ra ai cũng nhìn thấy những bất cập đó, nhưng giải quyết dứt điểm thật khó. Ngay từ việc bố trí các trò chơi hiện đại trong lễ hội cũng nên xem lại. Bố trí loa phóng thanh trong lễ hội là cần thiết, “chủ yếu” để gọi người trong đoàn đi lạc, hay ai đó đánh rơi, bị mất đồ..., nhưng việc dùng loa to quảng bá các sản phẩm, đồ vật lưu niệm cho du khách phải hạn chế tối đa, vì làm mất đi sự tôn nghiêm nơi cửa Phật. Rồi chuyện nghiêm cấm nạn bán thịt, bán rượu bia trước cổng chùa đâu phải quá khó, nhưng làm vậy sẽ mất một nguồn thu đáng kể của địa phương, từ người dân đến ban quản lý lễ hội khi tổ chức đấu thầu hằng năm (năm nay giá thầu lên tới trên 200 triệu đồng một quán cơm phở). Cũng như bố trí các thùng rác công cộng nhiều hơn và có quy chế xử nghiêm tại chỗ người vứt rác. Nhưng như thế lại dẫn đến một số lượng lớn lực lượng lo trông giữ, nhắc nhở... Dù khó, nhưng rõ ràng vẫn làm được, nếu có giải pháp hợp lý.

Ở đây cũng có lỗi một phần ở một số phương tiện truyền thông, khi tuyên truyền thái quá cho một số hội làng khiến du khách ùn ùn kéo về, mà thực chất phạm vi hội đó nhỏ lại không có gì quá đặc sắc.

GS Tô Ngọc Thanh trả lời một tờ báo đã nói: “Để hạn chế mặt trái của lễ hội phải xác định rõ lễ hội tổ chức vì ai, cho ai?”.

Chúng tôi muốn nói thêm rằng, một lễ hội quan trọng nằm ở ý nghĩa của nó, chứ không phải chỉ nằm ở số lượng đông người về dự hội.

Theo Việt Văn - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng