1. Dựa vào những cuộc phỏng vấn và E-mail với nhiều người bị dương tính với HIV, đạo diễn Zhao Liang hy vọng bộ phim của mình có thể thay đổi được thái độ về AIDS của người dân ở Trung Quốc - nơi có ít nhất 740.000 người bị căn bệnh này. Đạo diễn Zhao đã sử dụng cách chat trên Internet để tìm kiếm những nhân vật trong phim của mình, song phần lớn trong số họ nhất quyết không để lộ diện trong phim vì sợ “gia đình buồn”. Nhiều người còn không muốn xuất hiện trước camera. Trong phim, một người nghiện ma túy 30 tuổi có biệt danh là “Bèo tấm” kể, chị định tự tử và giết cả cậu con trai 4 tuổi - cũng bị AIDS - như thế nào khi phát hiện ra mình nhiễm HIV. “Tôi thấy không còn muốn sống nữa, vì vậy tôi đã mua thuốc chuột rồi cho vào nồi cơm. Khi cơm chín, con trai tôi muốn ăn ngay” - chị thổn thức kể - “Nhưng lúc đó tôi nghĩ ‘làm sao mình có thể bắt con rời khỏi thế giới này khi mới ít tuổi như vậy?’ Tôi đã thay đổi suy nghĩ và đổ nồi cơm ấy đi”. Một người được phỏng vấn khác thì đã bật chiếc băng thu âm ghi lại sự phản ứng của mẹ mình khi anh nói với bà về việc xuất hiện trong phim tài liệu. “Sao con có thể làm như vậy với gia đình? Sao con có thể làm một việc đáng thất vọng như vậy”, bà mẹ nói với cậu con trai. 2. Phim có 3 nhân vật chính là cậu bé Hu Zetao, 11 tuổi, Liu Luping, người chăm sóc cậu là Xia. Cả 3 đều từng tham gia bộ phim nhựa Til Death Do Us Part của đạo diễn Cố Trường Vệ. Trong phim tài liệu, đạo diễn Zhao kể những người bị nhiễm HIV đã bị kỳ thị như thế nào khi ở phim trường của Til Death Do Us Part, nhưng qua thời gian họ đã nhận được tình thương và sự trìu mến của đoàn làm phim. Chẳng hạn, ban đầu một thành viên có tuổi trong đoàn không biết có người nhiễm HIV tham gia phim, nên ông đã nói: “Bất cứ ai bị mắc căn bệnh này đều biết họ không nên nói bất cứ điều gì vì những người khác sẽ giữ khoảng cách với họ. Tôi cũng sẽ làm như vậy”. Phim Together còn đưa khán giả tới nhà của cậu bé Hu, nơi cậu sống cùng cha và mẹ kế sau khi mẹ cậu qua đời vì bệnh AIDS. Gia đình Hu không hề biết virus của căn bệnh này lây nhiễm qua những đường nào nên họ không cho phép cậu bé dùng chung bát đũa ăn giống như mọi người và cậu bé phải tự rửa bát đũa. Trong phim, Hu nói về cách cậu bé xử lý với sự kỳ thị của mọi người đối với mình: “Người làng rất sợ cháu. Họ luôn đứng xa. Cháu thường hù dọa mọi người bằng cách tìm người nào đứng gần nhất rồi đuổi theo họ và hét: tôi sẽ bắt được và làm cho bị nhiễm, thế là họ chạy rất nhanh”. Qua nhiều phân cảnh đầy xúc cảm, cuối cùng bộ phim vẫn nêu lên hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn của những người mắc HIV/AIDS và lòng can đảm của họ trong cuộc đối chọi với sự kỳ thị của công chúng. Đạo diễn Zhao cho biết, 3 nhân vật chính trong phim quyết định không che mặt với hy vọng sẽ mở rộng được sự hiểu biết của công chúng. Xia, 1 trong 3 nhân vật đó nói: “Nếu gương mặt của tôi có thể góp phần làm tăng được lòng khoan dung thì chẳng cần thiết phải che mặt”. 3. Sau khi nhận được những tràng pháo tay như sấm tại buổi chiếu phim ở LHP Berlin, đạo diễn Zhao nói: “Bộ phim đã chống lại sự phân biệt đối xử mà nhiều người nhiễm AIDS ở Trung Quốc đang phải hứng chịu. Trước khi làm bộ phim này, tôi biết rất ít về bệnh AIDS và làm phim với mục đích để nhiều người Trung Quốc hiểu thêm virus HIV/AIDS lây truyền như thế nào”. Các chuyên gia cho biết, nhận thức của công chúng về virus HIV/AIDS ở Trung Quốc còn rất mơ hồ. Theo kết quả một cuộc điều tra gần đây trong số 6.000 người, một nửa trong số đó nghĩ rằng virus HIV/AIDS lây truyền qua muỗi đốt. Còn 1/5 số người tin rằng họ có thể bị nhiễm căn bệnh này nếu như người nhiễm bệnh hắt hơi vào họ. Cuộc điều tra còn cho thấy, sự kỳ thị đối với người nhiễm AIDS còn rất nặng nề. Khoảng 1/3 số người nói rằng, những người bị nhiễm “xứng đáng” phải chịu như vậy vì nghiện ma túy hay có quan hệ tình dục bừa bãi. Theo Việt Lâm - TT&VH |