Lên đồng (hay còn gọi là hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng) là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam. Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các “ông đồng”, “bà đồng”. Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ. Ở Việt Nam, lên đồng là nghi thức không thể thiếu trong các thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần… Ngày nay, lên đồng vẫn còn là nhu cầu tâm linh, là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của một bộ phận người Việt. Các nghi lễ này thường được tổ chức nhiều lần trong một năm vào các dịp lễ tiết, thường là tại các lễ hội đền thánh, phủ mẫu... Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động lên đồng bị chính quyền xem là hoạt động mê tín dị đoan do nhiều trường hợp việc lên đồng đã bị nhiều người lợi dụng vào mục đích xấu. Tuy nhiên, nhiều hội thảo khoa học nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian Việt Nam, trong đó có lên đồng đã được tổ chức, nhiều ấn phẩm của các học giả cũng đã được xuất bản. Để những người yêu văn hoá Việt sẽ có thể có một cái nhìn rõ ràng và đa chiều hơn về hình thức lên đồng, Trung tâm văn hoá Pháp sẽ tổ chức một buổi hội thảo về nghi thức độc đáo này dành cho các khán giả Hà Nội. Hội thảo mang tên “Lên đồng, Bảo tàng sống của văn hóa Việt”, do GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam thuyết trình và TS. Nguyễn Xuân Diện dẫn chương trình, diễn ra tại hội trường Trung tâm văn hoá Pháp, Tràng Tiền, Hà Nội vào 17h ngày 23.2 tới. Theo Thu Hương - LĐ |