Tạp chí Sông Hương -
Cánh diều vàng 2010 khởi động
09:25 | 24/02/2011
Cánh diều vàng (CDV) 2010 (cách gọi thống nhất của Hội điện ảnh VN) sẽ diễn ra tháng 3-2011 tại TP.HCM tôn vinh các tác phẩm và nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình xuất sắc năm 2010.
Cánh diều vàng 2010 khởi động
Hai phim tham dự hạng mục Phim ngắn hay nhất CDV 2010: Nghề giật lùi (đạo diễn: Cao Xuân Mạnh - Lila) về cuộc sống của người dân sống bằng nghề cào nghêu..-.Ảnh: Trường ĐH SKĐA Hà Nội cung cấp
Là một trong những hoạt động thuộc sự kiện Ngày điện ảnh VN (15-3), chất lượng của CDV sẽ cho thấy năng lực của ban chấp hành nhiệm kỳ mới (2010-2015) mà hội bầu tháng 7-2010. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - phó trưởng ban tổ chức CDV - khẳng định chắc nịch trừ việc tiết lộ giải thưởng, năm nay ban giám khảo sẽ làm việc cởi mở, tỏ rõ quan điểm với báo chí. Đặc biệt, “nếu thật sự không có phim đạt điểm cao nhất, không nhất thiết phải tưng bừng để cố trao giải vàng”. Như vậy khán giả có quyền kỳ vọng CDV 2010 và các tác phẩm được trao giải sẽ phản ánh chính xác nhất thực lực điện ảnh VN.
Bữa tiệc của doanh thu và nhà làm phim độc lập
Tiêu chí giải CDV không đổi: “đề cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả xã hội tích cực của tác phẩm”. Nhưng năm nay, ban tổ chức thừa nhận “tính hiệu quả xã hội tích cực của tác phẩm” thể hiện rất rõ ở doanh thu, CDV đang dần hướng tới, mời gọi dòng phim thị trường thay vì là nơi độc tôn của dòng phim chính thống.

Và Bancông (đạo diễn: Thủy Giang) - câu chuyện về hai cô gái nhập cư sống ở một khu ổ chuột, mơ ước trở về nhà bằng máy bay - Ảnh: Trường ĐH SKĐA Hà Nội cung cấp

Dù vậy, nhiệt tình thôi chưa đủ, CDV vẫn nhận được không ít sự từ chối khi đã “tha thiết gọi mời” từng hãng, từng đơn vị. Có đơn vị tư nhân không ngần ngại nói rằng phim doanh thu cao, lỡ gửi đi dự thi không đoạt giải, mang tiếng lắm! Về số lượng, CDV phim truyện nhựa năm nay vẫn không vượt qua ngưỡng 10-11 phim tranh giải.
Năm 2010, riêng thị trường điện ảnh nội, phim Việt tạo bước ngoặt khi ra mắt và kéo được khán giả đến rạp vào các thời điểm trải đều trong năm, không chỉ trông chờ mùa phim tết.
Bi, đừng sợ! không tranh giải
Một trường hợp được các nhà báo theo sát chân là Bi, đừng sợ! của nhà làm phim độc lập Phan Đăng Di chính thức không tham dự CDV 2010. Lý do rất “đơn giản và thực tế”, Phan Đăng Di nói bản phim 35mm duy nhất anh đã nộp lưu chiểu ở Cục điện ảnh, nhà sản xuất Pháp không đồng ý với phương án in một bản mới dự CDV vì giá thành quá cao. Bản phim thứ hai chỉ kịp gửi về VN để phục vụ đợt phát hành sắp tới tại thị trường vào ngày 11-3.
Nhiều phim ra rạp “trái mùa” như Để Mai tính (tháng 4), Cánh đồng bất tận (tháng 11) vẫn đạt doanh thu mơ ước. Thoát khỏi tính chất mua vui ngày tết, nội dung phim Việt cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách tranh cử giải phim truyện nhựa hay nhất CDV năm nay, mới chỉ thấy dừng lại là những tác phẩm sản xuất năm 2010, được các đơn vị sản xuất đồng ý cho đi dự CDV. CDV không có nhiều lựa chọn, về chất lượng, chưa hẳn tất cả các phim tranh giải đều là “Oscar” của điện ảnh nước nhà.
Sẽ ấm lòng hơn nếu nhìn sang danh sách 41 phim ngắn của các sinh viên, nhà làm phim độc lập tham dự hạng mục CDV phim ngắn. Ngoài các tác phẩm của Hội điện ảnh TP.HCM, Trung tâm phim tài liệu và phóng sự Đài truyền hình VN, có tới 25 bộ phim là các sản phẩm bài tập, bài thi tốt nghiệp của SV Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM và Hà Nội, bốn phim gửi dưới dạng cá nhân, hai phim của Hãng phim tư nhân Nam Tân, năm phim của Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh.
Ban giám khảo phim ngắn sẽ là những người “nhàn hạ” nhất, vì mất chưa đầy một ngày để xem hết các phim. Nhưng chính họ cũng sẽ là những người cầm cân nảy mực được kỳ vọng nhiều nhất. Giải thưởng cho bất kỳ gương mặt trẻ nào sẽ có thể là bước ngoặt cho cuộc đời nhà làm phim trẻ đó, khuyến khích, nâng bước họ trở thành lứa làm phim kế cận.
Tạm hủy giải khán giả bình chọn
Hạng mục giải Phim hay nhất do khán giả bình chọn được thử nghiệm lần đầu tại CDV 2009 bằng hình thức phát phiếu tại các buổi chiếu phim miễn phí. Năm nay giải thưởng này tạm hủy, lời giải thích được đưa ra là nhiều khâu tổ chức trước đó gây khúc mắc khi thực hiện, cộng với yếu tố thời gian gấp gáp, Hội điện ảnh không kịp tiến hành các thủ tục tiếp cận khán giả.
Tuy nhiên “thượng đế” của công nghiệp điện ảnh Việt vẫn được dự các suất chiếu giới thiệu miễn phí phim truyện dự giải CDV 2010. Các phim tranh giải sẽ được trình chiếu tại rạp Fafilm số 6 Thái Văn Lung, Thăng Long A và Trung tâm văn hóa điện ảnh Tân Sơn Nhất (TP.HCM) từ ngày 10 đến 13-3, giấy mời phát từ 8-3. Ngoài ra, các phim truyện nhựa Cánh đồng bất tận, Bi, đừng sợ!, Rừng Na uy sẽ được chiếu tại Trung tâm nghiên cứu nghệ thuật điện ảnh ngày 11-3.
Giải báo chí - phê bình điện ảnh (độc lập với hội đồng ban giám khảo CDV 2010) tiếp tục được giữ vững với sự góp mặt của 18 nhà báo khu vực phía Bắc, trưởng ban là ông Đinh Trọng Tuấn, tổng biên tập tạp chí Thế Giới Điện Ảnh.
Lễ bế mạc: diễn viên uy tín hay người đẹp chân dài?
Vắng bóng trong buổi họp báo là đạo diễn đêm trao giải CDV Trịnh Lê Văn. Đang một mình loay hoay ở TP.HCM để lên kịch bản chương trình, tìm kiếm MC, đạo diễn khẳng định: “đêm 13-3 sẽ mang đúng tính chất lễ trao giải, giản dị, sang trọng, không mang tính showbiz”.
Để giảm “sạn” đêm trao giải, không phải là những người đẹp chân dài mà các nghệ sĩ gạo cội, uy tín hoặc các nhà văn hóa mới là những người được giao nhiệm vụ công bố giải thưởng. Các nghệ sĩ có uy tín: Hồng Ánh, Quyền Linh đang được nhắm đến vị trí MC chương trình. “Bên cạnh một nghệ sĩ điện ảnh, chúng tôi sẽ vẫn cần một MC thuộc nhà đài để cân bằng tính chuyên nghiệp khi dẫn chương trình” - đạo diễn Trịnh Lê Văn bổ sung.
Lễ kỷ niệm Ngày điện ảnh VN (15-3) và công bố, trao giải CDV 2010 bắt đầu lúc 20g ngày 13-3 tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV2 và VTV4.
Danh sách 11 phim truyện nhựa tranh giải Cánh diều vàng
Tây Sơn hào kiệt (đạo diễn: Phượng Hoàng - Lý Huỳnh, Hãng phim Lý Huỳnh), Hoa đào (đạo diễn: Nguyễn Thế Vinh, Công ty CP Phim truyện I), Vũ điệu đam mê (đạo diễn: NSƯT Nguyễn Đức Việt), Hãng phim truyện VN), Vượt qua bến Thượng Hải (đạo diễn: Triệu Tuấn, Hãng phim Hội Nhà Văn VN), Long Thành cầm giả ca (đạo diễn: NSƯT Đào Bá Sơn, Hãng phim Giải Phóng), Khát vọng Thăng Long (đạo diễn: NSƯT Lưu Trọng Ninh, Công ty CP Kỷ Nguyên Sáng), Nhìn ra biển cả (đạo diễn: NSƯT Vũ Châu, Hãng phim Hội Điện ảnh VN); Cô dâu đại chiến (đạo diễn: Victor Vũ, Công ty TNHH BHD và Hãng phim Việt), Cánh đồng bất tận (đạo diễn: Nguyễn Phan Quang Bình, Công ty TNHH BHD và Hãng phim Việt), Thiên sứ... 99 (đạo diễn: Nguyễn Minh Cao, Hãng phim Phước Sang), Giao lộ định mệnh (đạo diễn: Victor Vũ, Saga Film & Star Media Group).

                                                                                      Theo TT








Các bài mới
Các bài đã đăng