Tạp chí Sông Hương -
Cận cảnh “lên đồng” giữa Thủ đô
09:42 | 24/02/2011
Tối 23/2, hàng trăm người đã kéo đến hội trường Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) để tham gia vào buổi tọa đàm và trình diễn với chủ đề “Lên đồng - Bảo tàng sống của văn hóa Việt”.
Cận cảnh “lên đồng” giữa Thủ đô
Buổi toạ đàm thu hút đông đảo người quan tâm

Đây là chương trình do Trung tâm Nghiên cứu & bảo tồn tín ngưỡng dân gian phối hợp cùng với Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace tổ chức nhằm đưa ra một cách hiểu đúng về hình thức tín ngưỡng lên đồng và giá trị của đạo Mẫu trong đời sống.

Theo thông báo của BTC, 17h chương trình mới bắt đầu nhưng từ 16h30 tất cả các ghế trong hội trường L’Espace đều đã chật kín. Thậm chí tại sảnh lớn trước cửa hội trường cũng không còn chỗ để chen chân. Rất nhiều người đã phải ra về trong sự “ấm ức”, bao gồm các đoàn nghiên cứu sinh từ TP.HCM, sinh viên Pháp du học tại Việt Nam, ngay cả phóng viên, quay phim thuộc đài truyền hình… cũng đành tất tưởi ra về.

Điều này phần nào đã cho thấy “độ nóng” của buổi tọa đàm này.

Cần hiểu đúng

Lên đồng là hình thức tín ngưỡng dân gian, rất phổ biến ở Việt Nam, châu Á và nhiều nước trên thế giới. Một số nước đã ghi nhận giá trị của hình thức tín ngưỡng dân gian này là di sản văn hóa phi vật thể như Kut ở Hàn Quốc, Shaman ở Indonesia và Shaman ở Mông Cổ.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, lên đồng là “bảo tàng sống của văn hóa Việt”, trích lời TS. Frank Proschan (Pháp) - người có nhiều nghiên cứu về đạo Mẫu và lên đồng ở Việt Nam.

Theo GS,TS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng dân gian, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia và là nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này, thì việc lên đồng hiện nay rất phổ biến ở Việt Nam và ngày càng phát triển mạnh.

Sở dĩ nhận định “lên đồng là bảo sống của văn hóa Việt” bởi 3 phương diện: diễn xướng lên đồng là sự tái hiện lại các vị thần linh & các nhân vật lịch sử; lên đồng của người Việt thể hiện tính đa văn hóa kết tinh của các dân tộc thiểu số sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam; lên đồng là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính tín ngưỡng với nhiều hoạt động ca hát, nhảy múa… đa dạng và độc đáo.

Hình ảnh lên đồng được cung cấp tại buổi toạ đàm


Có thể nói, lên đồng ở Việt Nam là một di sản văn hóa phi vật thể rất đặc biệt và hoàn toàn có khả năng để trình lên UNESCO công nhận nếu có một hiểu biết rõ ràng, đúng đắn về hầu đồng cũng như sự đồng thuận của xã hội, GS, TS. Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh.

Cốt lõi nằm ở con người

Lên đồng không phải là một tín ngưỡng độc lập mà là một nghi lễ của Đạo Mẫu ở Việt Nam. Nó thể hiện thế giới quan của người Việt trong việc nhìn ra thế giới bên ngoài hay nói cách khác, Đạo Mẫu chính là nhân sinh quan của người Việt được thể hiện qua tục lệ thờ cúng trời đất, sông núi…

Trong lịch sử, rất nhiều các nhân vật có công với đất nước như Phạm Ngũ Lão, Đức thánh Trần, Yết Kiêu, Dã Tượng… đã được “thần linh hóa”. Ngược lại, các vị thần trong Đạo Mẫu lại được “lịch sử hóa” bằng những nhân vật có thật trong lịch sử. Vì vậy, xét ở một góc độ cụ thể, Đạo Mẫu chính là sự “tâm linh hóa” của chủ nghĩa yêu nước.

Tuy nhiên hiện nay, ở nước ta, Đạo Mẫu nói chung và lên đồng nói riêng lại đang bị biến dạng bởi những kẻ với mưu đồ xấu, biến hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa này thành một phương tiện để trục lợi cá nhân, làm rối loạn trật tự xã hội.

“Bản thân lên đồng không xấu, nó là một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo độc đáo. Tất cả mọi tôn giáo, tín ngưỡng trên thế giới không dạy ai làm điều ác, chỉ có con người lợi dụng nó làm điều xấu. Nhiệm vụ của mỗi chúng ta là phải tìm cách ngăn chặn những động cơ không tốt để thanh sạch hiện thực văn hóa này, giúp Đạo Mẫu và lên đồng quay về đúng với giá trị, bản chất lành mạnh vốn có của nó”.

Và đây cũng chính là mục đích của buổi tọa đàm này.

                                                                                                                        Theo HNMO











Các bài mới
Các bài đã đăng