Tạp chí Sông Hương -
Tác giả truyện tranh "Sát Thát" đã đi xa
15:27 | 24/02/2011
Có những người sống bình lặng, đến nỗi bình thường không khiến ai phải để ý, nhưng đến khi nằm xuống mọi người mới giật mình về ảnh hưởng của họ đối với đời sống xã hội. Họa sĩ Nguyễn Bích là một con người như vậy. Ông đã qua đời hôm 20/2.
Tác giả truyện tranh
Họa sĩ Nguyễn Bích
1. Là một người lính cụ Hồ (Nguyễn Bích thường tự bảo mình như vậy), tự học vẽ rồi trở thành người lính trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Bích luôn trung thành với cây bút vẽ, vững nghiệp cho đến tận cuối đời.

Tuy vậy cái lớn lao của họa sĩ Nguyễn Bích không phải là nằm ở chỗ ông bền với nghề, mà đời làm nghệ thuật của ông gắn chặt với việc vẽ truyện tranh cho thiếu nhi. Hơn thế, ông còn tạo nên phong cách cá nhân của mình cho lối vẽ truyện tranh không lẫn với ai... Điều đó thật hiếm hoi. Nếu tôi không quá chủ quan trong nhận định này thì cho đến nay mới chỉ có một mình ông làm được.

Ông tâm sự: Vẽ cho các cháu phải vẽ đẹp. Ông cũng thực hiện được tâm niệm đó của mình. Truyện tranh ông vẽ tạo dựng gương mặt “chính”, “tà” luôn rõ nét, và hay nhất là biểu cảm được trạng thái tình cảm nhân vật chỉ bằng vài nét trông rất đơn giản. Lối vẽ truyện tranh cũng như minh họa, ông chỉ dùng duy nhất một kiểu “đơn tuyến bình đồ”, lối vẽ chỉ dành cho những cao thủ, vì non tay yếu nghề thì lộ diện ngay.

Sát Thát là cuốn truyện tranh đại diện số một cho phong cách Nguyễn Bích, tạo nên diện mạo của riêng ông. Nó là cái cột trụ vững vàng cho cái tên Nguyễn Bích từ khi xuất hiện đến mãi mãi sau này. Sát Thát có thể coi là kinh điển của nghệ thuật truyện tranh Việt Nam mà ông đã tạo dựng ra. Họa sĩ đã đưa lên mặt giấy lối vẽ đơn giản nhưng thật tinh tế cả trang sử hào hùng của dân tộc ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông. Cuốn sách đã đoạt Huy chương Bạc tại hội chợ sách quốc tế Lép-zích cho đến nay vẫn đứng ngôi vị số một của nghệ thuật truyện tranh Việt Nam. 


2. Sinh thời ông là người sống lặng lẽ, rất kiệm lời. Những câu ông nói ra người ta có cảm nhận ông đã suy nghĩ chán trong đầu.

Tôi đã nhiều lần thăm ông, cùng đàm đạo mới hiểu ra sau cái bình lặng kia là một nhân cách đáng kính mà luôn giữ gìn dù chẳng bao giờ nói ra lời. Khi nhận lời vẽ tập truyện tranh màu Bác về Pác Bó, ông bảo: Cho mình thời gian, mình là lính cụ Hồ, làm gì cũng phải cẩn thận.

Cuốn sách ông vẽ mất gần nửa năm, chỉ có 32 trang nhưng đã bộc lộ rất rõ những gì ông từng tâm sự.

Có lần ông bảo mình vẽ thêm được một cuốn sách thì các cháu có thêm một niềm vui. Cuộc đời làm nghệ thuật của ông gần như dành toàn bộ tâm huyết cho truyện tranh và được hun đúc từ tâm niệm đó. Mặc dầu người ta còn biết đến một Nguyễn Bích thứ hai, người vẽ tranh lụa nổi tiếng.

Vẽ truyện tranh cho nhà xuất bản thì nhuận bút chẳng bao nhiêu so với bán tranh lụa. Nhưng không thấy ông bán bao giờ. Một lần ông bảo với tôi, mình có cần gì nhiều đâu, lương cũng đủ rồi. Ông bảo, đến nhà mình chơi đừng nói chuyện bán tranh kẻo mọi người sốt ruột!

Trước đây khi làm ở báo Văn nghệ, ngoài việc làm minh họa ông hay thầm thì vẽ biếm, hiền lành mà sâu sắc. Tranh ông không lớn tiếng, thoang thoảng như một câu bông đùa nhưng khi ngấm thì sự chua cay lên tới đỉnh. Điều đó khá nhất quán với tính cách của ông.

3. Lần đầu, tôi đặt ông vẽ truyện tranh là vào giữa năm 1980. Khi xong tập sách đầu tiên, vào một buổi chiều, ông bà đèo nhau đến nhà tôi đưa chiếc phong bì nhỏ rồi bảo: “Cho các cháu chút quà mọn”. Tôi nói ngay với ông: Nhuận bút quá còm rồi, anh làm thế này em không yên tâm. Ông nói ngay, mình có bao giờ đòi hỏi về nhuận bút nhiều ít đâu. Ngập ngừng một chút, ông nói tiếp: “Đức ạ, mình theo đạo Phật, nên làm việc gì cũng nghĩ đến sự chia sẻ”.

Cuốn sách cuối cùng vẽ cho NXB Văn hóa dân tộc là Thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh nói về cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp, ông vẽ mất một năm rưỡi. Có lần sốt ruột quá tôi gọi điện thì từ đầu dây bên kia, ông nói ngắn gọn: “Mình đã nhận lời là mình làm, cậu cứ yên tâm”. Tôi đâu có biết lúc ấy sức khỏe ông đã sa sút. Sau này nhìn lại những trang bản thảo dập xóa nhiều lần tôi biết ông đã gắng sức cho những nét bút cuối cùng của tập truyện tranh.

Nếu không nhầm thì đó cũng là cuốn truyện tranh cuối cùng trong sự nghiệp truyện tranh của ông.

Nguyễn Bích bị đột quỵ vào năm 2003 vì bệnh tim. Năm ấy vợ tôi mất vì bệnh hiểm nghèo. Ra viện, ông đã yếu lắm chỉ còn đi lại chậm chạp và không nói được nữa, vậy mà biết tin, ông đã bắt bà thuê xe đưa đến tận nhà đứng trước mâm cúng cơm vợ tôi trong tuần 49 ngày, đăm đắm nhìn bát hương chừng một phút rồi lặng lẽ ra xe.

Chín năm chống chọi với bệnh tật không còn cầm nổi cây bút vẽ. Hôm 20/2 trên đường đi Sơn La tôi nhận được điện thoại của vợ ông báo một tin ngắn gọn: “Anh Bích mất rồi”. Tôi bàng hoàng dù rằng biết kết cục ấy sớm muộn cũng sẽ đến. Thế là người vẽ truyện tranh số một của chúng ta đã ra đi mãi mãi, một cây đại thụ tỏa bóng mát cho tuổi thơ đã gãy đổ. Một mất mát quá lớn.

Theo Họa sĩ Đỗ Đức - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng