Tạp chí Sông Hương -
Văn học nghệ thuật còn “ngại” thầy thuốc?
10:32 | 25/02/2011
Không thể phủ nhận giá trị của các tác phẩm văn học nghệ thuật đã đề cập đến ngành y. Kịch Tiền tuyến gọi của GS. BS. Trần Quán Anh đã đưa ra được hình ảnh những bác sĩ trí thức thời chống Mỹ cứu nước, kịch Đôi mắt của tác giả Vũ Dũng Minh khắc họa hình ảnh đẹp của những bác sĩ, y tá, hộ lý trong rừng.
Văn học nghệ thuật còn “ngại” thầy thuốc?
Cảnh trong phim Nữ bác sĩ

Rồi những bộ phim truyền hình nhiều tập như Blouse trắng, Nữ bác sĩ đi vào phản ánh những ngóc ngách đời sống éo le, phức tạp trong cuộc sống thường nhật của những người khoác trên mình chiếc áo blouse. Đặc biệt gần đây, bộ phim Đừng đốt của đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh đã dựng lại câu chuyện về nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm gây rung động lòng người xem và quốc tế. Thế nhưng chỉ từng ấy thì vẫn còn quá ít về những đóng góp của những chiến sĩ áo trắng.

Còn nhớ vài năm trước, Nhà hát cải lương Việt Nam dựng vở Khoảnh khắc đời người (kịch bản: Nguyễn Thị Hồng Ngát) trong đó có nhân vật y sĩ Thông từng là một y sĩ ngoài chiến trường. Trở về sau chiến tranh, bằng cấp của Thông không đủ để anh thành một người chữa bệnh giỏi. Vì sự khổ hạnh trong cuộc sống, anh trở thành y sĩ đi tiêm chích. Thông không muốn thế, nhưng anh phải sống, phải nuôi con nên phải tìm cách có tiền. Anh cố giữ cuộc sống của mình, nhưng anh không nghĩ rằng để giữ cuộc sống của mình, anh đã làm thui chột đi đời sống của người khác. Kịch đã đặt y sĩ Thông vào tình thế: ở chiến trường là y sĩ cứu người, nhưng trở về đời thường lại thành kẻ tiếp tay cho điều ác.

Thực ra, Thông không phải là kẻ ác có ý thức. Hoàn cảnh đưa Thông tới làm việc đó và chúng ta cần nhìn con người trong những khoảnh khắc rất cụ thể để có thể cảm thông.

Nhưng đấy là chuyện trong kịch. Điều đặc biệt và cũng là khác biệt của nghề là người làm ngành y như một dấu nối giữa con người với những điều thánh thiện và cũng là dấu nối giữa con người với những điều xấu xa. Dường như muốn có niềm vui, con người phải tự tạo ra nó, còn những nỗi bất hạnh thì tự dưng tới, con người phải gánh chịu. Và như thế, những người làm ngành y – dù là Đông y, Tây y, những bà đỡ trong các bản làng xa xôi đã mang trong mình một thiên chức là dấu nối giữa con người và ma quỷ, giữa con người và những điều tốt đẹp, thánh thiện. Họ chính là chỗ dựa cho con người khi bỗng nhiên bị đau ốm, bị tai nạn…

Thế nhưng, xét ở khía cạnh nào đó, cái khái niệm họ đứng giữa cuộc sống con người với thần thánh, ma quỷ thì họ chỉ giống như cái bản lề mà thôi. Họ quay hướng này thì đi đến cái thiện, nhưng quay hướng khác thì có thể đi đến ngưỡng của cái ác. Như vậy, chúng ta phải đặt vị trí cao thượng cho ngành y bởi giá trị cuộc sống con người cả về tinh thần và thể xác đều được giao cho ngành y. Xã hội luôn coi ngành y là nghề cao quý. Người thầy thuốc là những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận phòng chống bệnh tật và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhưng có vẻ chưa công bằng khi những nhân vật ngành y với nhiều điều thú vị như vậy lại ít xuất hiện trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, dường như các tác giả có vẻ lảng tránh với đề tài này. Có thể những đối tượng đó không hấp dẫn với những người sáng tạo nghệ thuật? Hoặc cũng có thể là quá khó chăng? Bản thân tính chất công việc của họ đã có sự phức tạp: Một mặt phải nuôi sống bản thân, gia đình, mặt khác lại phải giữ sự sống cho bao người khác. Vô hình chung, xã hội bắt người làm ngành y trả giá cuộc đời cho công việc, nhưng không nhiều người nghĩ tới sự hy sinh của người thầy thuốc. Ngày hôm nay chúng ta cũng lại phải nói rằng: Trong xã hội hiện nay không có gia đình nào không có người ốm, không có người nào trong cả cuộc đời lại không phải một lần đi khám bệnh. Vì thế, những vấn đề gọi là chưa tích cực của ngành y nó tác động đến tất cả mọi thành viên trong xã hội. Đây đó người ta vẫn bàn tán tình trạng phong bì trong ngành y. Thế nhưng, các bác sĩ nhận phong bì (nếu có) không phải là số đông và phong bì ngành y không phải là phong bì dày nhất so với một số ngành khác. Nhưng ngành y lại trở thành tâm điểm chính vì vị trí của ngành y, nó là bản lề giữa điều thiện nhất và điều ác nhất vì luôn luôn phía này là sự sống, phía kia là cái chết. Rộng ra có thể nói thế này: Đối với bệnh nhân quá nặng vào chữa bệnh giai đoạn đầu gọi là bệnh lý, giai đoạn sau gọi là đạo lý bởi dù chỉ là níu kéo đời sống thực vật cho họ, nhưng người thầy thuốc vẫn phải làm – đó là đạo lý. Như thế tức là ngành y có thiên chức hết sức cao đẹp.

Nhưng vấn đề chúng ta nói về những người làm ngành y trong đời sống hay trong văn học nghệ thuật thì bao giờ cũng phải nói tới hai phía: Trước hết họ là con người, họ cũng có nhu cầu sống, cũng bị áp lực của đời sống xã hội và đồng thời họ lại phải chịu áp lực khác của công việc. Phải có sự mẫn cảm hay phải tự tạo ra một bản lĩnh nghề nghiệp mới có thể tồn tại được từ ngày này qua ngày kia. Tôi đã có những đêm thức trắng ở Bệnh viện Bạch Mai và chứng kiến y, bác sĩ vô cùng vất vả với cường độ, với những việc mà họ làm ngày này qua ngày khác. Nhưng trong những đêm như thế, lại được chứng kiến những chuyện rất “xã hội” thế này: Có bệnh nhân từ xa tới trông rất nghèo khổ, nhưng rồi bất chợt lại có cái xe của một nhà giàu đưa người thân tới, lập tức những người có thể đã được vào phòng để khám lại phải tản ra để bác sĩ đón người thân của vị đại gia. Trong tình huống ấy, đánh giá thế nào? Chúng ta phải xét trong những điều kiện rất cụ thể như bệnh nhân nhà giàu kia trong tình trạng nguy kịch cần được cấp cứu hay...

Ngày hôm nay chúng ta cứ nói rằng: Tăng tiền cho một ca mổ để họ có thể bình tâm cầm con dao mà không phải lo những thứ đời thường. Nhưng bản thân họ khi bước ra khỏi bệnh viện cũng phải chấp nhận “luật chơi” của xã hội (nhiều việc phải có phong bì). Nó đặt tất cả chúng ta chứ không chỉ y bác sĩ là người nhận phong bì. Xã hội có những người sản xuất ra phong bì là để chuẩn bị một hình thái sử dụng phong bì trong một tình huống khác. Chỉ có điều “thái quá thì hại như bất cập”. Cho nên mong rằng những người sáng tạo văn học nghệ thuật, nếu có chọn nhân vật của ngành y thì trước hết phải đặt họ trong mối quan hệ con người, rồi mới đến nghề nghiệp. Trong nghề nghiệp thì có thói quen tốt và thói quen không tốt.

Thế nhưng cũng không phải vì thế mà chúng ta có thể dễ dãi, xuề xoa bởi y đức có những tiêu chuẩn của nó. Những nhân vật thánh thiện còn khiếm khuyết huống hồ là con người. Thực tế để nhận ra cái đẹp của ngành y không phải dễ và khi đã không nhận ra được điều đó thì văn học nghệ thuật cũng mất đi một nửa của chính mình. Có lẽ chính điều đó làm cho văn học nghệ thuật ít đụng chạm đến đề tài ngành y.

                                                                                                        Theo SKĐS












Các bài mới
Các bài đã đăng