Tạp chí Sông Hương -
Đã đến thời của phim hành động
10:36 | 25/02/2011
Nếu như trước đây, phim hành động được cho là “khó nhằn” đối với các nhà làm phim Việt thì nay đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều bộ phim thuộc thể loại này.
Đã đến thời của phim hành động
Cảnh trong phim Vật chứng mong manh

Trong khi bộ phim Đầm lầy bạc đang thu hút khán giả trên VTV3 thì 33 tập phim Vật chứng mong manh cũng vừa lên sóng hôm qua 24/2 trên HTV7. Trong thời điểm này, bộ phim điện ảnh Lệnh xóa sổ cũng đã có kế hoạch ra rạp vào ngày 22/4. Sự chiếm lĩnh màn ảnh đó có thể khiến khán giả đặt câu hỏi, liệu đã đến thời của phim võ thuật?

Chiếm sóng

Vài năm trước đây, phim hành động trong nước còn khá xa lạ với khán giả khi các hãng phim chỉ tập trung cho thể loại tâm lý tình cảm. Hoặc nếu có đi chăng nữa thì các pha võ thuật cũng bị chê không thương tiếc, không chỉ ở diễn xuất mà còn kỹ xảo, góc quay... Bộ phim đánh dấu bước nhảy ngoạn mục của phim võ thuật Việt Nam là Dòng máu anh hùng của đạo diễn Charlie Nguyễn (2007). Lần đầu tiên khán giả phải trầm trồ trước những pha đánh võ không thua kém phim chưởng Hồng Kông của bộ đôi Ngô Thanh Vân - Johnny Trí Nguyễn.

Kể từ đó đến nay, phim hành động lác đác ra đời, tuy chưa nhiều nhưng được đánh giá cao về chất lượng. Các phim Huyền thoại bất tử (2008), Bẫy rồng (2009), Tây Sơn hào kiệt, Khát vọng Thăng Long (2010), đều tạo được sự thích thú cho người xem khi chất điện ảnh được lồng nhuần nhuyễn vào các pha hành động. Bộ phim Lệnh xóa sổ cũng đang được kỳ vọng là một phim hành động mãn nhãn, khi đạo diễn võ thuật là võ sư Trần Kim Hoàng, chuyên về teakwondo và kick boxing.

Nhiều dự án phim hành động

Ở mảng truyền hình, phim võ thuật cũng xuất hiện nhiều hơn. Trong năm 2010, khán giả đã được xem khá nhiều phim hành động như: Hoa xương rồng, Nhiệm vụ đặc biệt, Ai, Đối diện tử thần,.... Đặc biệt, bộ phim Hoa xương rồng, kể về hành trình hoàn lương của những tay giang hồ đã trót nhúng chàm, được đông đảo khán giả yêu thích.
 
Và với phim Vật chứng mong manh, khán giả cũng hy vọng được xem một phim hành động đúng nghĩa với các màn “đánh đấm” thật cùng tiết tấu nhanh gọn. Ngoài ra còn nhiều dự án phim hành động khác đang trong giai đoạn thực hiện như Ông trùm (dựa trên khuôn mẫu “trùm xã hội đen” Năm Cam), Đất đen, Con của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn... Như vậy, có thể thấy phim hành động Việt Nam đang có những bước tiến rõ rệt ở cả số lượng và chất lượng.

Còn đó những băn khoăn

Theo đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc, phim hành động gần đây phát triển là nhằm đáp ứng khẩu vị của khán giả. Phim về một cuộc chiến chống tội phạm giờ đây không còn dừng lại ở những màn đấu trí mà phải cần có những pha hành động mãn nhãn mới thu hút được người xem.

Một yếu tố quan trọng nữa là để cạnh tranh, các hãng phim đã chịu “móc hầu bao” nhiều hơn nên phim hành động mới có dịp thể hiện. Tuy nhiên, đạo diễn này cũng thừa nhận phim hành động khó làm hơn nhiều so với phim tình cảm. Để có được một cảnh chiến đấu hấp dẫn, đạo diễn phải biết kết hợp các yếu tố diễn viên, góc máy, bối cảnh... “Có những phân đoạn chúng tôi phải quay trong 6 tiếng mới xong”, đạo diễn Võ Ngọc nói. Chính vì thế, phim hành động tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Với phim Vật chứng mong manh, đoàn phim của anh đã mất bốn ngày cho một tập phim, trong khi với phim tâm lý thì trung bình chỉ hai ngày/tập.

Cùng với sự thăng hoa của phim hành động, nghề chỉ đạo võ thuật đang dần có một vị trí nhất định. Giới làm nghề đã quen thuộc với những cái tên Lý Hùng, Johnny Trí Nguyễn, Tuấn “nhào lộn”, Hải “Long An”, Quốc Thịnh, Dương Bảo Anh... trong vai trò đạo diễn võ thuật. Ngoài điểm chung là giỏi võ thì đa số họ đều xuất thân từ nghề cascader (diễn viên đóng thế). Sau đó, vì đam mê điện ảnh mà đi tìm tòi, mày mò để dấn sâu vào nghề hơn.

Dù vậy, Dương Bảo Anh, chỉ đạo võ thuật phim Vật chứng mong manh, Thiên sứ 99, chia sẻ các anh làm công việc này chủ yếu vì đam mê, muốn có được cảm giác thật “đã” khi xem phim hành động nội. Đề cập chuyện sống được với nghề, anh ngậm ngùi: “Mức thù lao cho một cascader phim truyền hình chỉ khoảng 300.000 đồng/ngày làm việc “bầm giập”. Đối với chỉ đạo võ thuật thì có nhỉnh hơn một chút. Trong khi đó, nếu làm cascader cho phim nước ngoài, chúng tôi thường được trả 200 USD/ngày”.

                                                                                                            Theo Đất Việt












Các bài mới
Các bài đã đăng