Tạp chí Sông Hương -
La douleur - tự thân lời thoại đã là thơ
12:55 | 26/02/2011
“Tự thân những lời thoại trong vở diễn đã là những dòng thơ. Và nếu bạn xem cách những cuốn sách của Marguerite Duras, bạn cũng sẽ thấy, chúng được trình bày như thơ vậy” - dịch  giả Trần Văn Công cho biết sau buổi diễn “La douleur” (Nỗi đau) trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội tối 24.2. Vở diễn là sự chuyển tải hoàn hảo tác phẩm cùng tên của nhà văn nữ này.
La douleur - tự thân lời thoại đã là thơ
Chính những ngắt nhịp như thơ, cộng hưởng với tài năng của Dominique Blanc đã khiến đêm diễn tại Nhà hát Lớn có sức thuyết phục kỳ lạ. Khán giả lặng người theo từng biểu cảm trên nét mặt thảng thốt, đôi vai  hơi so - cách nữ diễn viên điên cuồng mặc áo khoác lao ra ngoài ngóng tin người chồng ngoài mặt trận. Mặt trận ấy, cuộc chiến ấy vốn không xa lạ - chính là Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Nếu như “Người tình” là phần đời của cô thiếu nữ Pháp ở Việt Nam với những mơ mộng, đam mê nhục dục thì những gì Marguerite Duras gửi gắm trong “La douleur” chính là sự đợi chờ. Sự đợi chờ ấy bị tra tấn hằng ngày với danh sách những người đã không thể trở về, bằng những cái lắc đầu khi tìm thông tin người chồng ra trận. Mặc áo khoác, lao ra ngoài, ngồi trên dãy hành lang dài tưởng bất tận đón những người lính trở về ở địa phương.

Những ngày tháng ấy, những trang nhật ký trung thực thấm đẫm tuyệt vọng của Marguerite Duras - chính là điều mà nhân vật chính thốt lên ở cảnh đầu trên sàn diễn: “Làm sao tôi lại có thể viết điều mà giờ tôi còn chưa biết gọi tên và khiến tôi run sợ khi ngồi đọc lại”. Chất giọng khàn của Dominique Blanc thực sự đã giúp người xem cảm nhận rõ hơn về nỗi sợ dài ngày trong nhiều năm tháng của người thiếu phụ. “Tôi vào vai người phụ nữ khắc khoải chờ đợi chồng trở về sau khi chiến tranh kết thúc. Tôi cho rằng chủ đề mà vở kịch nói đến mang tính toàn cầu” - Dominique Blanc trả lời báo chí.

Chính vì thế, nỗi đau của nhân vật trở nên thật gần với khán giả Việt - nơi chiến tranh đã đi qua, bỏ lại sau lưng những hòn vọng phu của cuộc chiến. Dụng ý của nhóm thực hiện có lẽ chính là tạo hình một người đàn bà không nổi bật nếu cuộc sống cứ bình thường, không quá đẹp, nhẹ nhàng nữ tính như bất cứ người phụ nữ nào ta có thể gặp. Giống như Dominique Blanc cho biết về tác giả “Nỗi đau”: “Ngoài đời, Duras là một phụ nữ bé nhỏ, cao 1,6m, các nhân vật nữ đều thấp thoáng hình bóng của bà”.

Hình như, cũng bởi vậy, sân khấu của vở kịch thực sự giản dị, như chính cuộc sống thiếu thốn của nước Pháp trong những ngày chiến tranh. Và Dominique Blanc, ăn vận như những người phụ nữ bình thường nhất của thời đó, một chiếc váy đi kèm áo sơmi xám nhạt hơi thoáng xanh, chiếc áo khoác đen cổ điển, đôi giày nâu. Một phụ nữ “nhạt màu” trên sân khấu. Chỉ có nỗi đau hằn rõ trên những nếp đuôi mắt kéo dài, cái nhìn thảng thốt.

Nỗi đau không thần thánh hóa bi kịch đợi chờ. Nó chỉ ra những gì chiến tranh mang đến, xô đẩy gia đình, người phụ nữ vào. Vở kịch có những nút thắt khiến chiến tranh trở nên phức tạp, đau đầu và rầy rà. Một Dominique Blanc mỏi mòn, ngày lại ngày đi tìm tin chồng. Một Dominique Blanc hoảng sợ khi nhìn hết người này đến người kia hy sinh. Một Dominique Blanc run lên sợ hãi và không tin nổi cảnh chồng về, đến mức lăn ra ngất xỉu. Trong khi, hàng xóm vui như điên chăng hoa đón về một người con. Và cuối cùng, những ngày chiến đấu để cứu cơ thể gầy mòn chỉ 38kg trải đều cho chiều cao 1m76. Và ngay cả cái kết cũng “có  hậu” một cách đau đớn. Vở diễn dừng lại ở chỗ người chồng tỉnh lại sau những cơn sốt liên miên để thốt lên: “Tôi đói”.

Sau câu nói ấy là khao khát đền bù của một cuộc chiến đã đi qua.

Dù cuộc chiến đã thật xa xôi, nhiều khán giả đã khóc.

Theo Kiều Anh - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng