Tạp chí Sông Hương -
Oscar phim hay nhất: The King's Speech
08:40 | 01/03/2011
Không nằm ngoài dự đoán của khán giả yêu điện ảnh, The King's Speech đã giành giải phim xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 83, diễn ra tại nhà hát Kodak (Los Angeles, Mỹ) sáng nay 28-2, giờ VN.
Oscar phim hay nhất: The King's Speech

The King’s Speech từng giành nhiều giải tiền Oscar quan trọng và hiện là ứng cử viên nặng kí nhất tại hạng mục phim hay nhất

Lễ trao giải do hai MC nam diễn viên James Franco và nữ ngôi sao Anne Hathaway dẫn chương trình.

Khoảng 11g20, một giải thưởng quan trọng của giải Oscar đã được công bố: Giải Đạo diễn xuất sắc nhất đã được trao cho Tom Hooper của phim The King' speech.

Và ngay sau đó, The King' speech cũng đã được công bố là phim xuất sắc nhất.

Theo kết quả thăm dò do TTO tổ chức, trong số 800 phiếu tham dự thăm dò, có 190 phiếu dự đoán phimBlack Swan sẽ thắng giải, phim The King's speech xếp vị trí thứ hai với 180 phiếu.

Chiến thắng của The King's speech (Bài diễn thuyết của nhà vua) tại giải Oscar năm nay không nằm ngoài dự đoán của những khán giả yêu điện ảnh. Mặc dù không giành chiến thắng tại giải Quả Cầu Vàng, nhưng càng đến gần ngày trao giải Oscar, phim này càng trở thành tâm điểm của những dự đoán. Bộ phim đã chiếm được cảm tình của đa số khán giả cũng như được giới phê bình khen ngợi không tiếc lời.

Để giành chiến thắng tại Oscar, The King’s Speech đã vượt qua 9 phim khác, trong đó có những đối thủ nặng ký như Social Network vốn luôn bám theo sát, hay True Girt (do hai anh em Coel đạo diễn, người từng chiến thắng ngoạn mục tại giải Oscar năm 2008)

The King’s speech sản xuất năm 2010, do Tom Hooper đạo diễn, kịch bản: David Seidler. Các diễn viên chính là: Colin Firth vai vua Geogre VI, Helena Bonham Varter vai nữ hoàng Elizabeth, Geoffrey Rush vai Lionel Logue… 

Đây không chỉ đơn thuần là một bộ phim lịch sử về Hoàng gia Anh, mà còn là một bộ phim hết sức cảm động về tình bạn giữa vua Geogre VI với bác sĩ Lionel Logue (do Geoffrey Rush thủ vai), tình vợ chồng giữa vua Geogre VI và hoàng hậu Elizabeth.

Bộ phim cũng đã giành được đến 21 giải thưởng điện ảnh tiền Oscar cũng như có tới 68 đề cử, trong đó chiếm đến 10 đề cử Oscar - trở thành bộ phim giành được nhiều đề cử nhất tại giải Oscar lần thứ 83.

Tom Hooper - đạo diễn của The King's Speech - nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất - Ảnh: AFP

Tom Hooper (sinh năm 1972) là đạo diễn truyền hình, điện ảnh người Anh. Ông khởi nghiệp năm 13 tuổi với một số phim ngắn và từng được đề cử giải Emmy, BAFTA,…cho các tác phẩm truyền hình. Đây là lần đầu tiên Tom Hooper được đề cử Oscar và ông đã xuất sắc giành chiến thắng trước đối thủ nặng kí là David Fincher của Mạng xã hội.

Khi phát biểu nhận giải, Tom Hooper đã gửi đến mẹ mình những lời cảm ơn. Chính mẹ của Hooper là người đã khuyên ông nên thực hiện bộ phim này. "Tư tưởng đạo đức chính của bộ phim là hãy luôn lắng nghe lời mẹ. Đối với tôi, đây là chiến thắng quá vinh hạnh", Tom Hooper nói.

Vị vua George VI (Albert Frederick Arthur George) của nước Anh - cha của Nữ hoàng Elizabeth II, đã lên ngôi một cách bất đắc dĩ sau khi anh trai của mình - vua Edward VIII thoái vị. Vua George VI đã nỗ lực để chữa căn bệnh nói lắp khi đất nước cần một lãnh tụ trong hoàn cảnh chiến tranh thế giới thứ 2 nguy cấp.

The King's speech: Tiếng nói chắt lọc

Vua George VI (diễn viên Colin Firth) trong The King’s speech

Thể loại phim chân dung từng được Oscar vinh danh (Gandhi -1982, The Queen - 2006). Nhưng Diễn văn của nhà vua đã phần nào làm mới thể loại này khi gia tăng các chi tiết đời tư rất đắt giá, vừa khôi hài vừa cảm động, đặc biệt là diễn biến tâm lý chiều sâu của nhân vật George VI.

Chính điều đó đã phá vỡ giới hạn cái nhìn hồ sơ tài liệu về mẫu người có thật trong lịch sử, mang đến sự gần gũi chân thực, đánh động mối thiện cảm của người xem. Khả năng thâm nhập, lan tỏa của âm nhạc Mozart cùng những câu thơ nổi tiếng trích từ Hamlet, Othello đã làm mỗi khung hình bộ phim, vốn được tạo chủ yếu từ các cú quay dài, góc quay tĩnh nhưng linh hoạt ở độ cao và độ gần, trở nên trang nhã, tinh tế.

Thoạt tiên, Diễn văn của nhà vua (The King’s speech) có vẻ như muốn làm thỏa mãn những ai hiếu kỳ về vị vua nước Anh, George VI - cha của nữ hoàng Elizabeth II đang sống hiện thời. Nhưng kỳ thực George VI không được tái hiện, tô vẽ bằng cảm hứng huyền thoại - vốn thường là con đường dễ dàng nhất để quay về hào quang quá khứ.

Bộ phim, một cách khéo léo và quyết liệt, đặc tả vị vua ở vị thế con người đời thường mà tật nói lắp (cà lăm) của ông hoàn toàn có thể hiểu là nỗi khổ tâm, khởi đầu mọi rắc rối để rồi khi khắc chế được, ông trở nên thật đáng kính và quan trọng trong khoảnh khắc cả dân tộc đang lâm vào tình thế hiểm nghèo. Không ai sinh ra là hoàn hảo nhưng có thể trở thành hoàn hảo bằng cách nào đó. Với George VI, trước hết là học cách nói!

Chuyện phim bắt đầu khi công tước Albert xuất hiện trong buổi triển lãm, trước hàng ngàn người với sự trang nghiêm và danh dự quốc gia, nói lắp bắp mấy câu nhậm chức. Không muốn chồng là trò cười trước công chúng, người vợ Elizabeth đã tìm đến bác sĩ Lionel Logue để nhờ chữa trị. Dù bất đắc dĩ nhưng Albert dần phải tuân theo phương pháp chữa giọng, tập nói mà Logue đề ra. Ðó là một thử thách khó nhọc. Bởi để nói được tròn vành rõ chữ, vị vua tương lai không chỉ hạ mình thành đứa học trò trong tay Logue nghiêm khắc mà hơn thế, phải dẹp bỏ tất cả lòng tự ái, uy quyền, thói quen được cung phụng...

Cuộc gặp gỡ Albert - Logue hẳn là ẩn dụ sâu xa về sự hình - thành - một - nhà - vua. Ở sự hình thành đó một Albert tập đọc lại Shakespeare với những lời có cánh cũng đồng thời là Albert biết văng tục thô bỉ, một Albert cáu giận với kẻ dạy dỗ mình cũng là người biết khổ luyện kiên trì để hoàn thành từng bài tập được giao. Albert đã trưởng thành, dũng cảm và bản lĩnh dần lên trong chính sự giao tiếp với Logue, hay đúng hơn trong cuộc tiếp xúc với những thần dân đòi hỏi và tuân thủ sự công bằng, trong chính những mong muốn của nhân quần chứ không phải là ý thích của bậc quân vương.

Diễn văn của nhà vua, từ đó, không phải là nơi để nhà vua phô diễn tài năng câu chữ sáo rỗng mà phải là tiếng nói chắt lọc ý nguyện đất nước, có sức mạnh tinh thần lớn lao gắn kết muôn dân. Từ Albert đến George VI là từ một người chồng, người cha chăm chút gia đình đến người công dân đại diện cho đất nước, là từ cá nhân ưa nhàn đến người anh hùng dám đứng lên gánh trách nhiệm giang sơn, từ công tước nói lắp đến vị vua dõng dạc, khúc chiết trong từng lời hiệu triệu. Và đằng sau đó là tình yêu thương của gia đình, niềm hi vọng từ chính phủ, lòng tin của quần chúng. George VI đã trở nên vĩ đại vì đã chạm đến những điều bình thường, đơn giản nhất của cuộc sống. Do đó, có lẽ bộ phim còn đóng vai một ngụ ý chính trị dành cho các bậc phụ mẫu chi quốc hiện nay.

Những nhà sản xuất của The King's Speech nhận giải phim hay nhất: Emile Sherman, Gareth Unwin, Iain Canning (từ trái qua) - Ảnh: AFP

                                                                                     Theo TTO


Các bài mới
Các bài đã đăng