Tạp chí Sông Hương -
Đêm Oscar chưa đủ trẻ
09:13 | 01/03/2011
Hoàng đế Anh George VI mắc bệnh nói lắp đã giành chiến thắng rực rỡ trước vị vua không ngai trẻ tuổi của đế chế Facebook trong cuộc đua đến bến bờ vinh quang Oscar năm 2011.
Đêm Oscar chưa đủ trẻ

Bốn ngôi sao giành giải diễn xuất cùng chia vui. Từ trái sang: Christian Bale, Natalie Portman, Melissa Leo và Colin Firth - Ảnh: Reuters

Vượt qua đối thủ lớn The social network (Mạng xã hội), tác phẩm điện ảnh Anh The king’s speech (Diễn văn của nhà vua) đã đoạt giải Phim hay nhất và ba giải thưởng quan trọng khác tại lễ trao giải thưởng điện ảnh Oscar lần 83 sáng 28-2 (giờ VN). Tỏa sáng trong đêm Oscar còn có The social networkThe fighter (Ðấu sĩ) và bom tấnInception (Ðánh cắp giấc mơ). Chỉ có kiệt tác cao bồi Viễn Tây True grit (tên tại VN: Báo thù) của anh em nhà Coen ra về trắng tay dù có tới 10 đề cử.

Không nằm ngoài dự đoán

Các phim tranh giải Oscar Phim hay nhất từng được trình chiếu tại VN.
2010: Toy story 3 (Câu chuyện đồ chơi 3), Inception (Ðánh cắp giấc mơ).
2011: True grit (Báo thù) đang chiếu, các phim 127 hours(127 giờ), Black swan (Thiên nga đen) và Winter’s bone(Xương trắng mùa đông) chiếu trong tháng 3-2011.

Ðêm trao giải Oscar lần 83 hầu như không có bất ngờ nào đáng kể. Sau khi thua cuộc trước The social network tại giải Quả cầu vàng hồi tháng 1-2011, The king’s speech - câu chuyện về nhà vua Anh George IV chinh phục bệnh nói lắp để lãnh đạo nước Anh bước vào Thế chiến II - đã tăng tốc mạnh mẽ với bảy giải thưởng của Viện hàn lâm Ðiện ảnh Anh (BAFTA) và được giới phê bình đánh giá là ứng cử viên Oscar số 1. Bộ phim cũng đem về cho nước Anh tượng vàng Oscar Ðạo diễn xuất sắc nhất (Tom Hooper), Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Colin Firth) và Kịch bản gốc hay nhất (David Seidler).

Dù thất bại nhưng The social network vẫn được tôn vinh với giải Kịch bản chuyển thể dành cho nhà biên kịch nổi tiếng Aaron Sorkin cùng hai giải phụ Dựng phim xuất sắc nhất và Nhạc nền hay nhất. The fighter, bộ phim về võ sĩ quyền anh Micky Ward, giành cả hai giải nam và nữ diễn viên phụ cho Christian Bale và Melissa Leo. Cũng không có gì ngạc nhiên khi kiều nữ Natalie Portman đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn để đời trong Black swan(Thiên nga đen) sau khi cô đã chiến thắng ở hầu hết các lễ trao giải khác từ cuối năm 2010. Chiến thắng của Portman cũng đồng nghĩa với thất bại của ngôi sao kỳ cựu Annette Bening, người đã rất xuất sắc trong bộ phim hài đồng tính The kids are all right (Bọn trẻ rồi sẽ không sao). Ðây là lần thứ tư cô được đề cử Oscar và cũng là lần thứ tư cô chứng kiến đối thủ đăng quang.

Cũng đúng với dự báo là chiến thắng của bộ phim Toy story 3 (Câu chuyện đồ chơi 3) ở hạng mục phim hoạt hình, dù How to train your dragon (Bí kíp luyện rồng) và The illusionist (Nhà ảo thuật) cũng rất xuất sắc. Ðây là năm thứ tư liên tiếp một bộ phim của Hãng hoạt hình Pixar đoạt giải Oscar Phim hoạt hình hay nhất.

Lễ trao giải thiếu hấp dẫn

Tưởng thưởng xứng đáng
Có một điểm chung giữa các diễn viên đoạt giải diễn xuất là họ đều là những ngôi sao rất nổi tiếng, có nhiều thành tựu tại Hollywood và được tưởng thưởng xứng đáng khi thể hiện vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp của họ. Với Colin Firth và Melissa Leo, vinh quang đến có phần muộn màng sau những cống hiến phi thường và nhiều đề cử Oscar, Quả cầu vàng. Khi lên nhận giải, Melissa Leo quá xúc động đến mức đã nói bậy, và sau đó cô phải xin lỗi vì không kiềm chế được mình. Ngược lại, Bale và Portman được tôn vinh khi đang đạt đến độ chín của sự nghiệp. Ðể giành chiến thắng, họ đã lao động cực kỳ vất vả. Bale phải nhịn ăn, gầy đi gần 20kg để nhập vai một kẻ nghiện ngập, trong khi Portman luyện tập vũ balê cật lực bảy ngày một tuần suốt sáu tháng để biến mình thành một vũ công chuyên nghiệp.

Một trong những ngạc nhiên ít ỏi của Oscar năm nay là bộ phim hành động "bom tấn" Inception của đạo diễn Christopher Nolan đoạt tới bốn giải Oscar, ngang hàng với The king’s speech. Tuy nhiên, các giải của Inception đều nghiêng về khía cạnh kỹ thuật: quay phim, hòa âm, dựng âm và kỹ xảo hình ảnh. Tương tự, dù Exit through the gift shop (Ði qua cửa hàng đồ lưu niệm) được đánh giá cao, nhưng Inside job (Giao dịch nội gián) đã đoạt giải Phim tài liệu hay nhất. Bộ phim của đạo diễn Charles H. Ferguson là cái nhìn toàn cảnh về cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2010 và kết luận chính các tập đoàn tài chính là thủ phạm gây ra khủng hoảng.

Khi lựa chọn cặp đôi "gái xinh - trai đẹp" trẻ tuổi Anne Hathaway và James Franco dẫn chương trình, Viện hàn lâm Ðiện ảnh Mỹ mong muốn thổi một sức sống mới vào giải Oscar để thu hút đối tượng khán giả trẻ. Chương trình khởi đầu đầy ấn tượng và hài hước với đoạn video trong đó Hathaway và Franco đi vào "giấc mơ" của Alec Baldwin, giống như các nhân vật của Inception đi vào giấc mơ của những người khác trong phim. Từ đó, cặp đôi Hathaway và Franco du hành qua những đoạn phim của các tác phẩm được đề cử, từ True grit, The social network cho đến The fighter và The king’s speech.

Tuy nhiên, từ đó trở đi đêm hội Oscar trở nên hơi nhạt nhẽo và buồn tẻ. Franco tỏ ra khá cứng nhắc, kể cả màn chọc cười bằng cách mặc bộ váy màu hồng và mái tóc kiểu Marilyn Monroe cũng không đủ gây sự hào hứng. Hathaway sinh động hơn nhưng cũng không thể vực dậy chương trình, một phần nguyên nhân là do các giải thưởng quá dễ đoán. Ðiểm sáng nhất trong đêm Oscar lại thuộc về huyền thoại Hollywood Kirk Doughlas, 94 tuổi, khi ông lên sân khấu công bố giải Nữ diễn viên phụ. Sự hài hước và duyên dáng của ngôi sao lão thành đã làm cả hội trường nhà hát Kodak vỗ tay ầm vang.

Trên báo New York Times, nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng A.O. Scott nhận định chương trình trao giải Oscar lần 83 chẳng có gì hấp dẫn. "Ðiều may mắn là có rất nhiều phim hay tham gia tranh giải, và cuối cùng thì phim hay luôn đọng lại trong trí nhớ khán giả lâu hơn nhiều so với những sự kiện được tổ chức để tôn vinh chúng", nhà phê bình Scott viết.

                                                                                               Theo TT







Các bài mới
Các bài đã đăng