Tạp chí Sông Hương -
Hơn 3000 người đến với "Cho đời chút ơn"
09:45 | 02/03/2011
Hơn 3.000 người đã tìm về hội quán Hội Ngộ, để cùng tham dự một buổi sinh nhật ấm áp và tràn đầy tình yêu với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Hơn 3000 người đến với




Trà My đã làm khán giả nóng lên với những biến tấu bất ngờ, đầy ngẫu hứng của một bài hát mang đậm âm hưởng jazz. Ảnh: N.V
Năm giờ chiều 28.2, Bình Quới đã tràn ngập bước chân người. Bao ồn ã, bụi bặm của cuộc sống thường nhật dường như đều bị gạt bỏ lại phía sau khi bước vào không gian tràn ngập cỏ cây và gió. Cây cầu nhỏ bắc qua mặt hồ dẫn ta đến một “nhà nguyện tình yêu” (tên gọi của Trịnh Công Sơn), nơi chốn được đắp bồi bởi bao tấm lòng đã hành hương về đây để tỏ lòng biết ơn với những lời hát tiên tri mật ngọt.

"Cho đời chút ơn" lần đầu tiên hiện diện một thế hệ mới đến với nhạc Trịnh. Họ từ nhiều nẻo khác nhau, nhiều nghề khác nhau, nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng chung một niềm say đắm với những lời “phúc âm buồn”. Hoàng Nhung, giải nhất của cuộc thi Tiếng hát hội quán Hội Ngộ năm 2011, cô gái trẻ với đôi mắt nâu và mái tóc thật dài đã cất lên những lời ru thảng thốt, vời vợi: “Ru đời đi nhé, cho ta nương nhờ lúc thở than. Ru từng chiếc bóng, lênh đênh vào giấc ngủ ngon...”.

Ấn tượng nhất có lẽ là Huy Trực với "Phôi pha". Chất giọng trầm ấm và sâu thẳm, Huy Trực được phát hiện từ cuộc thi hát Trịnh Công Sơn của hội quán Hội Ngộ năm 2006. Nếu Minh Anh trong trẻo, tươi mới, còn chút vụng dại đáng yêu với "Cho đời chút ơn", thì Quỳnh Lan lại thật lạ lẫm, sôi nổi với "Rồi như đá ngây ngô". Chất giọng trầm hoà điệu cùng tiếng guitar mãnh liệt, Quỳnh Lan thổi một luồng gió tràn ngập đam mê vào những ca từ lạnh lẽo u ám đến gần như tuyệt vọng. Nhất Nguyên, cậu bé mồ côi lần đầu bước lên sân khấu, giọng hát còn giữ nguyên nét thơ dại lại khiến người nghe bị rung động thật nhiều khi em hát "Hoa vàng mấy độ"... Cùng với Lân Nhã, Viết Cảnh, Quốc Việt... họ đã tạo dựng được niềm tin mới vào một thế hệ trẻ đủ sức gìn giữ một dòng nhạc an ủi nỗi buồn.

"Cho đời chút ơn" còn có một vẻ đẹp khác, giọng hát của những con người từng trải, đã nếm đủ mùi cay đắng, dịu ngọt của trần gian. Đó là sự trở lại của nữ danh ca Bạch Yến với "Lời buồn thánh", bài hát Trịnh Công Sơn viết riêng tặng chị năm 1964. Gần bảy mươi tuổi, chị vẫn thật quyến rũ trong tà áo dài trắng và giọng hát nồng nàn. Đặc biệt là giọng hát đầy lửa của Trà My với "Vết lăn trầm". Cùng tiếng kèn saxo của Trần Mạnh Tuấn, Trà My đã làm khán giả nóng lên với những biến tấu bất ngờ, đầy ngẫu hứng của một bài hát mang đậm âm hưởng jazz. Hoàng Hải, Tấn Sơn, Bích Ngà... những doanh nhân đã từng gắn bó với Hội Ngộ cũng mang đến cho đêm nhạc một hương vị mới.

Người hạnh phúc nhất trong đêm nhạc có lẽ là ông Cao Lập, người tạo dựng hội quán Hội Ngộ, và kiên trì gìn giữ những đêm nhạc Trịnh Công Sơn thường niên suốt mười năm nay. Chăm chút từng giọng hát, từng bức tranh, từng con thuyền hoa, được tự do sáng tạo trong “ngôi nhà của tình yêu”, ông đã thực sự tạo được một không gian mộc mạc, mênh mang và lộng lẫy, để cho âm nhạc Trịnh Công Sơn hiện diện, với bao trái tim tri kỷ, tri âm.

Sinh nhật của một người, đã trở thành bữa tiệc của tình yêu thương.

                                                                                       Theo SGTT.VN









Các bài mới
Các bài đã đăng