Bức ảnh người phụ nữ gánh gồng trên đồi cát được bán đấu giá trong cuộc triển lãm từ thiện, chủ đề Gánh, của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong (vừa được trưng bày tại Nhà Triển lãm TPHCM) đã để lại một dấu ấn đẹp trong lòng người thưởng lãm về hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam tảo tần nơi miền nắng gió. Nhưng ít ai biết người trong ảnh đã có hơn 6 năm làm người mẫu cho các nhiếp ảnh gia, du khách trong và ngoài nước. Những bức ảnh đẹp, đoạt giải thưởng chỉ khắc tên tác giả, còn người trong ảnh chỉ là một người mẫu không chuyên – chị là Phạm Thị Thơm, một người lao động bình thường với nghề bán tàu hũ hơn 10 năm ở đồi cát Phan Thiết. Những biểu tượng đẹp Chị Thơm nói cơ duyên tình cờ đến với “nghề người mẫu” của chị bắt đầu từ năm 2005 khi hình ảnh đôi gánh bươn chải của chị trên đồi cát lọt vào mắt một tay máy trẻ - cũng là một hướng dẫn viên du lịch. Vậy là những lần sau đó, có dịp đưa khách nước ngoài đến tham quan đồi cát, người này đều mời chị theo làm mẫu để du khách nước ngoài ghi lại hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Rồi quen dần, sau này các nhiếp ảnh gia có nhu cầu chụp ảnh trên đồi cát cũng tìm đến chị. Cái tên “chị Tư đồi cát” cứ thế trở thành quen thuộc với các tay máy suốt hơn 6 năm qua, chị trở thành “người mẫu hàng đầu” trong ống kính của các tay máy muốn chụp hình ảnh người phụ nữ gánh gồng trên đồi cát. “Thấy cái nghề của mình cực mà lên ảnh lại là một nét đẹp, tôi cũng vui. Mỗi lần làm mẫu cho du khách nước ngoài lại càng vui gấp bội vì họ xem hình ảnh gánh gồng tần tảo như là một hình ảnh rất đẹp của người phụ nữ nước mình vậy” – chị Thơm nói.
Đằng sau những bức ảnh là một cuộc đời, một số phận. Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong nói trong suốt hành trình rong ruổi thực hiện những bộ ảnh triển lãm từ Những nẻo đường tuổi thơ đến Gánh, anh đã ghi khắc vào ống kính của mình không biết bao nhiêu gương mặt người mẫu bình dị và góp nhặt cả những câu chuyện về cuộc đời họ - những câu chuyện của cuộc đời cần lao, hy sinh và đầy nghị lực. Cái đẹp được soi bóng từ cuộc đời thật. tên. Nhiều năm qua, giới săn ảnh đến Hội An thường tìm đến cụ Ngô Thiểu (80 tuổi) với hơn nửa thế kỷ bán món chè mè đen bên góc phố rêu phong. Từ những hình ảnh đầu tiên, hình ảnh cụ Ngô Thiểu đã trở thành một biểu tượng văn hóa rất riêng cho phố cổ. Hay như mẹ Huỳnh Thị Lự (73 tuổi) xuất hiện với gánh trầu – như là một biểu tượng trường tồn cho ký ức vườn trầu Bà Điểm; chị Nguyễn Thị Nhung, người phụ nữ nghèo gánh sen đi trên cây cầu tre ở Đồng Tháp, một hình ảnh quý báu khi cầu tre đang dần được thay thế bằng các dự án cầu bê tông ở đồng bằng sông Cửu Long... Cho đến bây giờ, giới nhiếp ảnh vẫn còn nhớ người mẫu ảnh “sáng giá”, cụ bà Ka Ơng, người dân tộc ở xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng (đã qua đời). Khuôn mặt mang vẻ đẹp vĩnh cửu của bà đã trở thành suối nguồn cảm hứng cho giới nhiếp ảnh cả nước trong nhiều năm liền. Rất nhiều tác phẩm chụp bà cụ được nhận giải thưởng ảnh quốc tế. Bằng chính cuộc đời và những nếp hằn năm tháng, bà Ka Ơng đã trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ của phố núi – biểu tượng của nét đẹp thời gian trong mắt bạn bè quốc tế trong nhiều năm qua. Ảnh làm thay đổi số phận Có những bức ảnh tình cờ đã làm thay đổi số phận của những người mẫu giữa đời thường. Như cậu bé Yeo (người Chăm, ở Ninh Thuận) bị cụt tay, mù mắt vì bom nổ bất ngờ vẫn vượt lên số phận ngày ngày mưu sinh trên mảnh đất nghèo xuất hiện tình cờ trên tác phẩm nghệ thuật đã làm thay đổi cuộc đời cậu. Yeo nhận được tình cảm thương yêu và đùm bọc của cộng đồng; hay những đứa trẻ nhặt rác trong bãi rác Đông Thạnh nhờ trở thành “người mẫu bất đắc dĩ” mà đã thay đổi được số phận khi được đưa về trung tâm bảo trợ xã hội, chấm dứt đời lênh đênh cơ cực...
Đáng nhớ nhất có thể kể đến bức ảnh tình cờ của nhiếp ảnh gia Vũ Quốc Khánh chụp nụ cười rạng rỡ của cô Phan Thị Như Quỳnh, Văn công Đoàn Nghệ thuật Quảng Bình năm 1994, đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam chọn làm biểu tượng du lịch “Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ mới” từ năm 2000. Đến nay, hơn một thập kỷ, nụ cười này đã trở thành một hình ảnh rạng rỡ quen thuộc với bạn bè khắp năm châu bốn bể - đại diện cho hình ảnh của một Việt Nam mang một vẻ đẹp tiềm ẩn, thân thiện và hiếu khách. Những người mẫu không tên tuổi - có khi chỉ xuất hiện một lần trên ảnh, nhưng đủ sức soi bóng cái đẹp trên nền cuộc sống thực, trên chiều sâu nhân bản của nghệ thuật ánh sáng và để lại những giá trị đích thực, bền vững với thời gian.
Theo NLĐO
|