Tạp chí Sông Hương -
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Làm văn hóa khác với các trò “văn háo”
09:45 | 04/03/2011
Xu hướng coi trọng lợi ích kinh tế và không cân nhắc đến lợi ích văn-xã đã khiến cho việc phục hồi, tổ chức lễ hội lệch hẳn về phía mưu lợi và thường dẫn đến những tiêu cực tổn hại đến phong hóa và đánh mất ý nghĩa của chính lễ hội đó.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Làm văn hóa khác với các trò “văn háo”
Lễ hội đang ngày càng bị biến chất, bị thao túng bởi các nhu cầu cực đoan... Ảnh: M.Kỳ

Ông nói việc mua bán thần thánh hiện nay đã đến mức “phát mãi tiền nhân”, một hình thức bán sỉ và lẻ thần thánh (như chuyện lấy một tấm giấy có dấu ấn nhà Trần 20.000 đ/cái, bán lại cho nhà giàu 200.000 đ/cái). Theo ông, trong sử sách Việt Nam đã từng có chuyện như vậy chưa?

Đối với bất cứ tín ngưỡng, tôn giáo nào thì mê tín là đứa con song sinh với chánh tín. Bởi vậy, hiện tượng mua bán thần thánh hẳn cũng có lịch sử lâu đời, song trong sử sách, giới hạn trong những gì tôi đọc được, thì chưa thấy thời kỳ nào “phát đạt” như những gì “báo chí đã ghi, ti-vi đã nói” gần đây.

Trong sổ ghi chép các điều tạp nhạp đọc được hàng ngày, năm 2004, bài báo "Công ty đồng cốt" của tác giả Hà Tâm (Tuổi Trẻ Chủ Nhật 6/6/04) cho biết ở Hà Nội có đến “cả ngàn ngôi phủ đền”. Một con số ấy thôi thì cũng đã... kinh hãi!

Qua những câu chuyện chen chân nhau để xin lộc, xe công biển xanh đi lễ, mời các quan chức văn hóa đến dự để hợp thức hóa chuyện làm lễ hội... làm nhiều người nghĩ đến cách đây vài chục năm, khi mà cũng chính những nhà văn hóa, các quan chức nhà nước lên án chuyện thờ cúng, lễ lộc, coi chuyện đó là xấu xa, duy tâm, mê tín. Cấm triệt để.

Giờ đây nó trở thành những hành động phi văn hóa diễn ra là hậu quả tất yếu của lối tư duy đơn giản, chuyển từ cực này sang cực kia. Lúc thì phủ định truyền thống, giờ xiển dương thái quá. Vậy mấu chốt của việc xiển dương thái quá này là gì, thưa ông?

Cách nghĩ/ làm nhảy từ cực này sang cực kia, lúc thì bất cập lúc thì thái quá, rõ ràng do cách nghĩ hời hợt và tất yếu là dẫn đến cách làm nông nổi. Lẽ thường, khi xem xét mỗi một việc chí ít, chúng ta phải đồng thời trả lời hai câu hỏi cái gì và thế nào? thì người ta lại chỉ trả lời câu hỏi đầu mà không lưu tâm đến câu hỏi thứ hai.

Lễ hội tâm linh là dạng lễ hội dựa nhiều vào tính tự giác của người tham gia, nên cần thiết phải nâng tầm trật tự – tâm linh của người tham gia. Ảnh: T.V.Đ


Đơn giản là lúc coi tín ngưỡng – lễ hội là duy tâm, truyền thống là lạc hậu, là xấu ác phải đấu tranh xóa bỏ tất tật và rồi khi ngộ ra rằng “quá tả” thì lại khẳng định các thứ kia không xấu ác là tốt, là thiện mỹ phải nổ lực bảo tồn và phát huy... kẻo để mất đi bản sắc. Đã đành Cao ly sâm... là dược thảo trân quí, bổ... thượng hạng kia, mà thử doping nửa ký lô hay một ký lô thì sẽ biết nguy hiểm như thế nào. Toa thuốc nào cũng có lời cảnh báo “chống chỉ định”. Nói cách khác mọi việc đều có liều lượng của nó và luôn cẩn trọng đối với các trường hợp cụ thể. Có vậy mới hạn chế được những “tình thế cực đoan”.

Làm văn hóa khác với các trò “văn háo”, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thì phải dè chừng các “vật thể phi văn hóa”!

Theo ông, vai trò của nhà nước trong việc quản lý lại các lễ hội biến tướng này như thế nào, chúng ta sẽ bắt đầu lại từ đầu hay có thể định hướng lại chuyện lễ hội?

Theo các thông tin khác nhau thì nước ta có đến hơn 7.000 lễ hội được tổ chức hàng năm. Con số này hẳn cũng chưa chính xác. Cơ cấu lễ hội xứ ta quả là cực kỳ đa dạng về nguồn gốc và nội dung. Với một cơ cấu lễ hội phong phú đến mức đa tạp về mặt số lượng và nội dung thì rõ ràng quan điểm “nhà nước quản lý tất cả” là khó khả thi bởi hạn chế cả về nguồn lực lẫn năng lực tường minh về từng loại lễ hội cụ thể.

Tôi cho rằng nhà nước cần xác định danh mục các lễ hội chính thức cốt tôn vinh những gì để “làm sáng cái đức sáng” của chế độ chính trị đương đại của mình và quản lý, thực hành hệ thống lễ hội đó. Còn các lễ hội khác thì xác lập những qui chế làm cái khung định hướng cho các cộng đồng dân cư, và tín đồ của các tôn giáo, bá tánh của các tín ngưỡng dân gian theo đó mà tiến hành các lễ hội.

Ở đây, việc quản lý không chỉ là phân cấp quản lý mà còn là cách thức quản lý và không phải cái gì cũng trực tiếp quản lý theo kiểu can thiệp vào mọi việc.

Còn vai trò của trí thức, các nhà nghiên cứu trong vấn đề chấn chỉnh lại các lễ hội thế nào để không còn xảy ra những chuyện như “Xin ấn đền Trần” hay tổ chức tràn lan các lễ hội gây thiệt hại về tiền của như hiện nay?

Bảo vệ truyền thống/ bản sắc là nỗ lực đảm bảo sự liên tục văn hóa, tránh sự đứt gãy chứ không phải khư khư ôm giữ cái truyền thống. Điều quan yếu ở đây và bây giờ của chúng ta là xác lập và nỗ lực làm cho các giá trị và hệ chuẩn hiện đại, tiên tiến trở thành yếu tố chủ đạo, định hướng cho sự phát triển, cuốn hút truyền thống theo con đường sáng đó chứ không phải ngập ngừng tiến về phía trước vừa luyến tiếc quá khứ.

Mặt khác cũng cần hiểu rõ rằng, các di sản truyền thống là một tập thành vàng thau lẫn lộn; ở đó, không ít truyền thống giờ là rào cản, ngăn trở tiến trình và tốc độ phát triển, đổi mới.

Việc phục hưng các lễ hội thường không chỉ là nhằm vào một việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống mà còn được không ít người nhắm đến việc thu hút đông đảo khánh hành hương, phát triển du lịch và các dịch vụ ăn theo (nhà hàng, khách sạn, phương tiện vận chuyển...), tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương...

Trong nhiều cuộc hội thảo, công trình nghiên cứu, phục hồi, tổ chức lễ hội mục đích kinh tế luôn được coi là quan trọng, lấn át mục đích văn-xã, thậm chí có trường hợp chỉ là sự nhân danh việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

Nói chung, xu hướng coi trọng lợi ích kinh tế và không cân nhắc đến lợi ích văn-xã đã khiến cho việc phục hồi, tổ chức lễ hội lệch hẳn về phía mưu lợi và thường dẫn đến những tiêu cực tổn hại đến phong hóa và đánh mất ý nghĩa của chính lễ hội đó.

Và cũng chính vì những giá trị thật đã bị bóp méo, biến tướng, thương mai hóa như hiện nay, khiến những “nhân-nghĩa-lễ-trí-tín” không còn đúng với bản chất của nó, mà trở thành những giá trị phân đôi, phân ba, phân ra rất nhiều khiến ngay cả bạn trẻ hiện nay cũng hoang mang với hành trình tìm đến cái thiện, cái đẹp của văn hóa?

Lễ hội là một dạng thức văn hóa đa chức năng và trong các thời đoạn lịch sử các chức năng này thay đổi ngôi vị, thứ bậc chính phụ khác nhau. Càng về sau, xu hướng tách qui luật tự nhiện ra khỏi qui luật xã hội; theo đó lễ hội càng lúc càng mất dần tính thiêng, song do nhu cầu cố kết cộng đồng nên nó được duy trì một cách tự giác với những biến thái mới mẻ.

Lễ hội giờ đây là thiết chế bảo vệ sự tái sinh nhằm tái tạo sợi dây liên kết các thành viên của xã hội - ở đó cốt yếu không phải sự thiêng liêng huyền bí mà là biểu trưng của tinh thần cộng đồng hàm chứa sự thiêng liêng của lịch sử văn hóa – chính trị. Sự thay đổi ngôi vị của chức năng tâm linh và chức năng cố kết xã hội của lễ hội trong tiến trình phát triển của lịch sử đại thể là vậy, song đó không phải là sự lấn lướt có tính chất loại trừ.

Nói cách khác, dù sao thì lễ hội vẫn cứ là một dạng thức đa chức năng giúp chúng ta duy trì bản thể loài người, bởi nên không còn lễ hội thì chúng ta có nguy cơ hạ thấp xuống ngang với bầy ong, lũ kiến. Việc vô tình hay cố ý làm sai lệch hay xuyên tạc ý nghĩa đích thực của lễ hội là một điều nguy hiểm.

Song dù tích hợp cái gì đi nữa thì buộc phải đảm bảo tính trang nghiêm và phù hợp với chủ đề mang tính thiêng của lễ hội bởi không gian của lễ hội là cảnh giới thiêng khác với cảnh giới thế tục đời thường, cảnh giới lễ hội trang nghiêm thanh tịnh khác với chợ búa: bán buôn phồn tạp, chèo kéo ồn ào, lấy việc thu lợi làm mục đích.

Xin cám ơn ông.

                                                                                     Theo SGTT.VN














Các bài mới
Các bài đã đăng