Tạp chí Sông Hương -
Cần gấp giải “mâm xôi” cho phim Việt
09:50 | 04/03/2011
Bên cạnh tôn vinh bằng giải Bông Sen, Cánh Diều, đã đến lúc điện ảnh Việt cần thêm giải mâm xôi phê bình nghiêm khắc những phim làm khán giả… bức xúc.
Cần gấp giải “mâm xôi” cho phim Việt
Đoàn làm phim Khát vọng Thăng Long trong buổi ra mắt phim tại TP.HCM.
Phim “ăn theo” và ra mắt… chui
Chỉ riêng sự kiện ngàn năm Thăng Long đã như một “miếng giữa làng” để nền điện ảnh có truyền thống làm phim liên quan đến các ngày kỷ niệm lễ lạt không thế đứng xa mà ngó vào. Có đến hàng chục dự án phim tư nhân lẫn nhà nước khẩn trương vẽ ra đề cương, viết ra dự toán...

Đề bài có sẵn, còn giải bài ra sao thì ai cũng có tâm, nỗi buồn chỉ nằm ở một chữ tài mà thôi! “Khát vọng Thăng Long” chiến thắng trong cuộc đua nước rút, đến mức bằng mọi giá phải có phim nên nhà đầu tư quyết chiêu mộ nhân tài từ Phan Đăng Di vừa vang tiếng ở Cannes đến Charlie Nguyễn đang đắc thắng với doanh thu “Để mai tính”. Để rồi khi phim vừa bấm máy mấy ngày thì bị kiện với chứng cứ là hợp đồng chưa thanh lý cộng thêm một tin nhắn từ nhà đầu tư (nghe nói vừa xinh vừa giỏi) mà ai đọc vào cũng dựng tóc gáy vì ngôn ngữ bình dân mà người ta hay thấy xổ ra ở ngoài… chợ.

Vượt qua hay chính xác hơn là dẫm lên dư luận, “Khát vọng Thăng Long” tuy không ra rạp kịp đại lễ nhưng bù lại nhà đầu tư cũng cố có một buổi chiếu linh đình ở một nơi chốn sang trọng bằng bản phim DVD! Sự kiện này suýt bị thổi còi bởi Cục Điện ảnh khi người ta lần ra rằng “Khát vọng Thăng Long” thậm chí còn chưa được duyệt! 

Vậy là “Long thành cầm giả ca” nghiễm nhiên trở thành một phim duy nhất ra rạp chào mừng đại lễ. Mỉa mai thay, bộ phim về một cô đào hát thân phận nổi trôi vì thời cuộc giữa lúc binh biến lại trở thành một thứ đồ lễ để trang trọng bày trên mâm cỗ ngàn năm. Nhiều trí thức đã lên tiếng về chuyện nực cười này như ý kiến trên báo Tiền Phong: “Tôi hơi bất ngờ khi thấy bộ phim Long thành Cầm giả ca được chọn làm phim chính thức trình chiếu dịp Đại lễ. Giai đoạn mà bộ phim thể hiện là giai đoạn Thăng Long loạn lạc, ly tán, tàn phai và thoái trào. Chính trong giai đoạn này Thăng Long đã đánh mất vị trí là trung tâm chính trị của đất nước. Giai đoạn ấy rất không thích hợp để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Nó bẽ bàng và phôi pha. Thăng Long trong bộ phim cũng như thân phận của người ca nương bi đát, không có lối thoát và không có hậu... Chắc BTC đại lễ vội quá vì thời gian gấp rút lại bí  đề tài, bí phim nên cứ có chữ Long Thành là đã được duyệt ngay, chuyện này chắc chỉ có ở ta…”

“Mâm xôi” bự cho phim Tết

Nếu như trước đây, phim thường ra rạp đông nhất là phim kỷ niệm thì bây giờ mùa Tết lại là mùa các hãng phim tranh nhau chen chân. Và họ khai sinh ra một dòng phim Tết với các tính năng y như món Tết: béo ngậy, nhiều màu sắc, ồn ào và... ngắn hạn y như thời gian nghỉ Tết. Dòng phim này bây giờ còn được gọi là phim nhảm. Nhảm từ đề tài đến diễn xuất, nhảm từ kịch bản đến khuôn hình, nhảm toàn diện, nhảm triệt để. Loanh quanh luẩn quẩn chuyện một cô xinh đẹp với vài chàng đáng yêu, những lời nói ngô nghê, những rao giảng hàn lâm, những chi tiết cố ý cường điệu để mong lấy được tiếng cười từ khán giả... và bất chấp ngôn ngữ điện ảnh, bất chấp logic câu chuyện, bất chấp những bài học vỡ lòng về diễn xuất, ánh sáng, tạo hình... các phim nhảm cứ lừng lững ào ào ra rạp mùa Tết, bất chấp thẩm mỹ, thách thức trình độ của khán giả Việt.
Đạo diễn Victor Vũ chỉ đạo trong phim "Giao lộ định mệnh"

Giao lộ định mệnh bị báo chí phát giác là giống một phim Mỹ, giống từ câu chuyện đến cảnh quay, ánh sáng, âm nhạc và trailer. Giống đến mức dự định phát hành phim này ở rạp Mỹ phải ngưng lại vì nhà sản xuất không dám đánh đổi danh dự, tiền bạc của mình lấy một cái vé số may rủi, dù biết thừa ở Mỹ, con cá lớn sẽ chẳng thèm kiện con cá nhỏ.

Nếu như sau khi công luận đã lên tiếng mà phim này vẫn bình thản dự Cánh Diều Vàng 2011 thì những người làm nghề nghiêm túc sẽ phải nghĩ sao về tiêu chí của giải thưởng? Có lẽ ít phim quá nên có phim nào cũng… quý chăng? Hay BTC cũng chẳng xem phim Mỹ bị Giao lộ định mệnh copy, hoặc muốn tạo ra một tiền lệ: miễn là phim hay, còn ăn cắp hay không thì không phải chuyện của chúng tôi.

Xếp chung một mâm xôi có lẽ là Em hiền như ma sơ và Thiên sứ 99. Tự cấp cho mình cái quyền là làm phim vì khán giả bình dân cùng đối tượng tuổi teen, các nhà làm phim đã làm ra các sản phẩm như một bài văn viết sai chính tả. Thật tội nghiệp khi Em hiền như ma sơ phải nỗ lực gây cười bằng cả ngoại hình lẫn máu hài sẵn có của ca sĩ Silk Black, thương cho nữ hoàng dance post Khánh Thy dù đã được “cô giáo” Ngô Thanh Vân kèm cặp mấy tháng trời trước khi cho ra nghề vẫn trình diễn một nhân vật ngớ ngẩn cùng lối diễn phô đến khó chịu. Và Anh Thư, cô gái duyên dáng ngày nào trong Những cô gái chân dài (Vũ Ngọc Đãng) sau đó đã thú nhận: vô cùng bất bình vì chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn nhưng vì đã ký hợp đồng nên đành phải diễn cho… xong! 

Ca sĩ Siu Black trong buổi ra mắt phim Em hiền như ma sơ.

Thiên sứ 99 là cố gắng của nhà sản xuất Phước Sang năm trước đã thu bạc tỷ nhờ Công chúa teen và ngũ hổ tướng với công thức hot girl + hot boy + danh hài. Phước Sang nổi tiếng bởi phim của anh sản xuất sẽ là phim của Phước Sang chứ đạo diễn đừng hòng mong được nhớ tên. Phim trước đạo diễn là một người gắn bó với cải lương thì phim này Phước Sang mạnh dạn dùng một người gắn bó với truyền hình! Thiên sứ 99 dù vẫn áp dụng công thức đã khiến khán giả chen nhau mua vé mùa Tết trước nhưng lại lực bất tòng tâm ở mùa tết này có lẽ bởi nó nhảm nhưng lại cộng thêm một yếu tố mới: nhạt!

Một năm điện ảnh Việt, một năm không phải đã quá nhiều phim nhưng Cánh Diều Vàng thì vẫn phải trao, khán giả sẽ không còn ngã bổ ngửa ra khi một phim nào đó lạ hoặc hoặc chỉ được biết đến qua báo chí đoạt giải. Nhưng giá như bên cạnh Cánh Diều, Hội Điện ảnh cũng mạnh dạn chỉ mặt đặt tên một số mâm xôi nổi tiếng thì có lẽ giải thưởng này sẽ còn được công chúng máu mê điện ảnh yêu thích, đón đợi nhiều hơn. 

                                                                                  Theo VietNamNet










Các bài mới
Các bài đã đăng