Tạp chí Sông Hương -
Đọc thơ Xuân Quỳnh: Càng đọc càng gần lại
12:43 | 05/03/2011
Tôi mới đọc Xuân Quỳnh gần đây: với tôi, thơ chị ở quá xa. Nhưng càng đọc càng gần lại. Vì chị thường nói về thời gian: Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế/ Chỉ em là đã khác với em xưa.
Đọc thơ Xuân Quỳnh: Càng đọc càng gần lại
Thời gian là thước đo, là chiều kích của mối quan hệ giữa người làm thơ và người đọc. Người làm thơ sống dưới vùng trời khác, sinh ra trong một gia đình khác. Người đọc thơ đi lại, nói năng trên mảnh đất khác, giữa bạn bè khác, thậm chí từ một lịch sử khác. Những kiến thức và suy luận không mấy khi giúp họ đến gần nhau. Nhưng sự xúc động, nỗi hồi hộp vui sướng, cảm giác bất an mơ hồ: chúng làm được điều ấy. Từ trong vòng vây ràng buộc của thời gian hữu hạn và cái chết, nhà thơ truyền cho người khác kinh nghiệm của đời sống riêng mình.

Nếu thời gian là sự chiêm nghiệm giữa một người và một người thì không gian là tương tác giữa một người và những người đương thời, bạn bè, đất nước. Không gian ấy có thể nhỏ bé, nhưng tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử, những mất mát được ghi lại lặng lẽ, kín đáo, khiêm tốn. Sự khôn ngoan của các chi tiết, ngày nay chúng ta ít thấy.

Tuổi thơ con có những gì / Mà con cười với mắt tre trong hầm

Không gian ấy bất tận, vì chính là thiên nhiên mà chị từ đó lớn lên và yêu mến.

Chị không tìm cách trở về với thiên nhiên như các nhà thơ lãng mạn thời trước ở thành thị. Tôi không rõ tiểu sử Xuân Quỳnh, nhưng đọc chị tôi có ấn tượng về một người lớn lên hay từng sống ở nông thôn. Ai đã sống ở nông thôn đều cảm được rằng con người với thiên nhiên là một. Thiên nhiên trở thành một phần của tâm hồn, tâm cảnh.

Có hai khuynh hướng thơ trong mối quan hệ giữa nhà thơ và thiên nhiên, một khuynh hướng tự đồng hoá với thiên nhiên và khuynh hướng thứ hai, xem thiên nhiên là môi trường của những mối quan hệ và những sự thật khác, là nơi ký gởi thông điệp. Đọc thơ Xuân Quỳnh tôi nhận ra cách đây vài chục năm, mặc dù trong thời chiến tranh, xã hội mà chị sống trật tự, an bình. Trong ký ức của tôi, xã hội nơi tôi lớn lên cũng an bình như thế. Ngay trong chiến tranh. Tôi thường ngạc nhiên về nhận xét này.

Ngọn gió đông làm má ửng hồng / Giữa đường cày con sáo đứng bâng khuâng

Tình yêu là động lực lớn nhất chi phối cảm hứng thơ ca của Xuân Quỳnh. Tình yêu ấy đi qua một đất nước như thế này:

Những đường ray chìm trong cỏ dại / Những nhà ga lau sậy um tùm

Đó là chị viết về chiến tranh. Trong những câu thơ ấy có cái bùi ngùi, tiếc nuối, buồn bã, thương xót. Tình thương trở thành tình yêu, cắt nghĩa tâm thế hy sinh của chị trong nhiều bài thơ. Tình yêu gắn liền với thụ hưởng và hạnh phúc. Nhưng tôi không mấy khi tìm thấy điều ấy trong thơ Xuân Quỳnh cũng như nhiều nhà thơ nữ khác cùng thời. Chị khiêm tốn:

Chỉ riêng điều được sống cùng nhau / Niềm sung sướng với em là lớn nhất / Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực / Phút giây nào tim đập chẳng vì anh

Người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh khiêm nhường đến nỗi:

Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi / Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày

Như thế, nỗi nhớ hình như là cách thể hiện phổ biển nhất của tình yêu ở người phụ nữ, nhất là người phụ nữ Việt thời của Xuân Quỳnh. Người đàn bà xưa không mấy khi sống cho mình, mà sống nhiều hơn cho tương lai. Tương lai nào? Sự đoàn tụ? Hay họ tự phải trấn an như thế, hy vọng tìm ra một tâm thế ổn định, thăng bằng.

***

Ngôn ngữ của chị được sinh ra, trời cho, chứ không phải do rèn luyện. Một người như thế dễ hài lòng với từ vựng và văn phạm của mình; quả nhiên chị làm thơ có vần, và có những bài bảy chữ, tám chữ và lục bát thật hay, nhưng ít khi làm thơ tự do. Thơ tự do thiên về phá vỡ, xô lệch, nghiêng về hậu thiên.

Ngôn ngữ của Xuân Quỳnh trước sau vẫn là ngôn ngữ tình yêu, đẹp, và vì tình yêu thường buồn, day dứt, nên nó có màu của mùa thu:

Tên mình ai gọi sau vòm lá / Lối cũ em về nay đã thu

Chị không phải là người có lỗi, nhưng thơ chị có cảm giác ăn năn. Xuân Quỳnh không đặt ra những câu hỏi siêu hình, chị không để lộ băn khoăn về vai trò của thơ ca đối với cuộc đời.
Như một người tự đối thoại, không cần biết ai lắng nghe, chị nói bằng giọng thành thật, tự đáy lòng về những gì đang xảy ra với bản thân.

Giọng thơ Xuân Quỳnh bản năng, chất phác, với cái hào phóng và tính tự nhiên, khuynh hướng tự nhiên quý giá, khó lòng thay đổi.

Ngoài ra, giữa kĩ thuật và tay nghề cũng có sự khác biệt. Càng viết về sau tay nghề của nhà thơ càng lên nhưng kĩ thuật mà chị áp dụng cho từng bài không nhiều thay đổi.

Thơ tình dĩ nhiên là nói về quan hệ nam nữ, nhưng tôi ít thấy nhà thơ Việt Nam nào xác lập một quan hệ sóng đôi cân đối hầu khắp như Xuân Quỳnh.

Những ngày không gặp nhau / Biển bạc đầu thương nhớ

Khởi đầu hay quá, nhưng ám ảnh về quan hệ sóng đôi khiến chị không thể không phạm vào khuyết điểm thông thường, là lặp lại. Có phần dễ dãi:

Những ngày không gặp nhau / Lòng thuyền đau - rạn vỡ

Thời gian, sự trôi đi, sự mất mát là ám ảnh thường trực trong thơ Xuân Quỳnh. Không gian là “người đàn ông”, thời gian là “người đàn bà”. Nam giới là các huyền thoại, là xã hội công nghiệp, nữ giới là sự hồi tưởng, là bền vững, là sự kế tục. Bằng hồi tưởng, người nữ tự ý thức về mình. Khả năng này rất mạnh ở Xuân Quỳnh, biểu hiện trong thơ của chị dưới dạng thức trầm tư (meditative). Dạng thức trầm tư trong thơ Xuân Quỳnh làm thời gian của chị trôi chậm lại, làm cho người nữ trong thơ trữ tình tiến gần về phía người đàn ông, giúp nhà thơ tham dự vào hiện tại và tương lai, nhưng hướng tới quá khứ nhiều hơn.

Cần chú ý rằng trong khi thơ trữ tình của các nhà thơ hiện đại hướng nhiều vào thực tại và tương lai thì phong cách trầm tư của Xuân Quỳnh giữ chị lại phía bên này của phong cách cổ điển và nữ tính.

Thời gian trong thơ Xuân Quỳnh chưa phải là thời gian hiện tại và hiện đại. Ràng buộc với quá khứ, Xuân Quỳnh chưa bao giờ có cảm giác vong thân hay hồ nghi bản thể. Chị dễ dàng quay trở lại những ranh giới của hiện hữu, thực tại.

Chỉ khi nào Xuân Quỳnh từ bỏ trường hiện thực cổ điển và bước sang giao tiếp thẩm mỹ hiện đại, thơ chị vượt lên:

Lối đi quen bỗng lạ / Cỏ lật theo chiều mây

                              ***

Đọc một số nhà thơ nữ cùng hoàn cảnh với chị hoặc sau đó một thế hệ, như Lý Phương Liên, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ý Nhi…, tôi cũng có ấn tượng về truyền thống nhẫn nại, mặc dầu có khuynh hướng nữ quyền tự phát âm ỉ, nhưng ít bộc lộ tính cách cá nhân góc cạnh, mạnh mẽ, như:

Chúng ta là những người nữ xinh đẹp / Xinh đẹp hơn mọi loài hơn trái đất

(Nhã Ca)

Ngược lại, chị trong trẻo, tha thiết, bồi hồi.

Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ, / Không gian xao xuyến chuyển sang mùa. / Tên mình ai gọi sau vòm lá, / Lối cũ em về nay đã thu

Có phần nào giống với thơ lãng mạn của Thơ Mới. Tôi cũng có ý đi tìm dấu vết ảnh hưởng của thơ Lưu Quang Vũ lên Xuân Quỳnh và ngược lại. Nhưng tôi lại tìm thấy sự đồng điệu. Còn ảnh hưởng của họ lên nhau, nếu có, cũng rất tinh tế. Họ giống nhau ở lối đi vào chi tiết một cách thi vị, ở tình cảm lắng sâu, mô tả lược giản.

Nhưng họ lại khác nhau, nhờ vậy mà có sự tương ứng, thậm chí hô ứng…


Nhà thơ Auden có một ý nổi tiếng rằng: các nhà thơ chết đi khi sự nghiệp của họ đã hoàn thành. Nhưng chị thì khác, việc hãy còn dang dở.
Thời đại ngày nay cũng khác. Thơ Xuân Quỳnh không trả lời được hết mọi câu hỏi, vả lại cũng không một nhà thơ nào làm được thế, nên những người yêu nhau có thể đi tìm câu trả lời ở những nơi khác.

Cuốn sách nói về tuổi trẻ chúng tôi / Nằm khiêm tốn giữa muôn nghìn cuốn khác

Tuy vậy, khi chúng ta trở về, cái bóng của thơ Xuân Quỳnh vẫn còn đổ dài trên trang sách để mở: thơ chị là một phần của, hay là một trong những, tuổi trẻ chúng ta.

Starbuck, Broadway, 21.1.2011
Nguyễn Đức Tùng

Theo LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng