Tạp chí Sông Hương -
Orhan Pamuk phiền lòng vì giới phê bình phương Tây
14:44 | 07/03/2011
Nhà văn Nobel người Thổ Nhĩ Kỳ có tác phẩm đã được dịch ra 58 ngôn ngữ. Nhưng Pamuk vẫn chưa lấy làm hài lòng bởi ông cảm thấy, thế giới phương Tây “luôn cố địa phương hóa" sáng tác của ông.
Orhan Pamuk phiền lòng vì giới phê bình phương Tây
Chân dung Orhan Pamuk
Pamuk nổi tiếng với những cuốn sách như My Name is Red, SnowMuseum of Innocence thường lấy bối cảnh thành phố Istanbul yêu thích của ông. Nhà văn hiện là giảng viên môn Khoa học nhân văn tại Đại học Columbia (Mỹ).

"Khi tôi viết về tình yêu, các nhà phê bình Mỹ và phương Tây thường nhận xét: nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ này viết rất hay về tình yêu kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Tại sao không phải là tình yêu mang tính nhân loại chứ? Tôi rất bực mình khi họ cứ cố làm giảm giá trị tác phẩm của tôi và cho rằng tôi không có khả năng thể hiện những vấn đề mang tính toàn cầu. Khi một nhà văn ngoài phương Tây nào đó muốn viết về một chủ đề có tầm vóc nhân loại thì vấn đề đó sẽ bị nhìn nhận như chuyện của riêng đất nước, dân tộc họ”, Pamuk nói, trong một cuộc trò chuyện với tờ Xinhua.

"Tình trạng này khiến các nhà văn gặp khó khăn trong việc thể hiện mình. Khi bạn bị thu hẹp lại, bị địa phương hóa, bị coi là nhà văn vùng miền, tỉnh lẻ, tác phẩm của bạn sẽ được tìm đọc chỉ như một sự hiếu kỳ chứ không phải vì các vấn đề mang tính nhân loại”, nhà văn nói tiếp.

Từ đó, Pamuk khẳng định: “Phương Tây chỉ là một cộng đồng thiểu số của thế giới. Vậy nên, trong khi văn học ở các khu vực khác không khẳng định được vị trí của mình, thì độc giả thế giới thiếu hụt đi rất nhiều trải nghiệm”.

Ông cũng cho rằng, với các nhà văn ngoài Tây âu, nếu không viết bằng tiếng Anh, họ sẽ rất khó khẳng định mình với thế giới.

“Với những nhà văn không viết bằng tiếng Anh, tác phẩm của họ sẽ rất ít có cơ hội được dịch và hiếm khi được đọc. Vì thế, nhiều vấn đề đa dạng của nhân loại sẽ bị bỏ quên. Đó là sự thiếu hụt đáng tiếc cho độc giả”, ông nói.

Những vấn đề này sẽ được Pamuk trình bày trong cuốn sách mới The Naive and the Sentimentalist (Người ngây thơ và Người đa cảm).

Khi được hỏi cuốn sách nào ông cảm thấy gần gũi với bản thân nhất, nhà văn chia sẻ: "Tôi tìm thấy giọng nói của mình trong cuốn The Black Book (Sách đen)”.

Tuy nhiên, nhà văn muốn đề cập nhiều hơn đến cuốn tiểu thuyết rất thu hút sự bàn tán của dư luận - The Museum of Innocence (Bảo tàng của sự hồn nhiên).

"Tôi đã xây cả một bảo tàng thực ở Istanbul”, ông nói.

"Tôi muốn thể hiện sự si tình của những quý ông Thổ Nhĩ Kỳ lịch lãm hồi những năm 1970 - 80 và khám phá các đề tài như tình dục trong chính trị, vấn đề trinh tiết và những khía cạnh khác của tình yêu. Tôi tin chắc rằng, ở bất cứ nơi đâu, dù có những khác biệt gì về văn hóa, lịch sử, giai cấp thì trái tim con người cũng có những cung bậc cảm xúc như nhau. Chỉ có những câu chuyện riêng tư mới khiến chúng ta khác biệt”.

Trong cuộc trò chuyện ày, Pamuk cũng được nhiều người quan tâm về mối quan hệ giữa ông và nhà văn người Ấn Kiran Desai.

Khi được hỏi về Desai, Pamuk nói: "Chuyện tình yêu của tôi là bí mật mà mọi người đều biết”.

Theo evan





Các bài mới
Các bài đã đăng