Tạp chí Sông Hương -
Kit Armstrong - Một Mozart mới
09:03 | 12/03/2011
Giới phê bình đánh giá chàng trai Kit Armstrong 18 tuổi là một tài năng piano hiếm có và thậm chí còn coi anh là một Mozart mới. Cuối tháng 2, anh đã có màn diễn ra mắt Thính phòng Hoàng gia (Anh) cùng dàn nhạc Philharmonia. Trong chương trình này, Armstrong trình diễn bản concerto số 3 soạn cho piano của Beethoven.
Kit Armstrong - Một Mozart mới
1. Song đây chỉ là một trong những thành tựu của chàng trai người Mỹ gốc Đài Loan này. Không chỉ biết chơi đàn, Armstrong còn là một nhà soạn nhạc nổi tiếng với những bản nhạc soạn cho piano và nhạc thính phòng. Không chỉ say mê âm nhạc, Armstrong còn đam mê hình học, gấp các con vật bằng giấy, và cả mê... game nữa!

Nghệ sĩ piano Alfred Brendel đã nghe Armstrong chơi piano năm 13 tuổi. Ông đã tin vào lời truyền tụng rằng, cậu bé này được sinh ra để chơi nhạc của Bach. Kể từ đó, ông đã tận tụy dạy nhạc cho Armstrong ở London. Trước đó, Benjamin Kaplan - thầy giáo của Armstrong tại Viện Hàn lâm Hoàng gia đã chứng kiến cậu học trò 11 tuổi này học thuộc lòng 8 trang nhạc phẩm của Debussy trong vòng 45 phút mà không hề chạm tay đến cây đàn piano. “Tôi không thích sử dụng từ ‘thiên tài’, song Armstrong là một tài năng hiếm có”, Kaplan khẳng định. 

2. Amstrong không chỉ có khiếu âm nhạc thiên bẩm, mà tài năng toán học của anh được bộc lộ từ khi chưa đầy 1 tuổi. “Nếu khi Armstrong ngủ và phải đánh thức dậy thì tất cả những gì mà tôi phải làm là đưa ra những con số. Armstrong sáng dạ đến mức tôi quyết định mua cho cháu 1 chiếc đàn phím điện tử và cháu bắt đầu sáng tác nhạc từ khi lên 5 - như một sở thích”, bà May - mẹ của Armstrong - cho hay.

7 tuổi, Armstrong là sinh viên toán trẻ nhất tại trường ĐHTH Chapman ở California. 9 tuổi Armstrong đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn nuôi dưỡng đam mê âm nhạc của mình. Ngoài một số nhạc phẩm sáng tác khi mới lên 7, như bản giao hưởng Celebration, thì Armstrong còn chuyển soạn các bản giao hưởng của Mozart và chơi trên cây đàn piano bằng 2 ngón tay trước khi anh được dạy chơi đàn một cách bài bản.

Kể từ khi trình diễn bản concerto đầu tiên năm lên 8 tuổi, đến nay Amstrong đã thực hiện nhiều màn độc tấu và trình diễn solo với nhiều dàn nhạc. Năm 2009, anh chơi bản Concerto cung rê thứ của Bach cùng dàn nhạc Leipzig Gewandhaus ở Leipzig (Đức) và Tokyo (Nhật). Ở vai trò nhà soạn nhạc, Amstrong đã sáng tác theo nhiều phong cách khác nhau. Các tác phẩm của anh gồm những bản nhạc soạn cho độc tấu piano và cho tam tấu, tứ tấu piano cũng như cho tứ tấu đàn dây. Amstrong đã được trao giải Morton Gould Nhà soạn nhạc trẻ trong 5 năm liền. Từ năm 2005, anh đã soạn các bản nhạc thính phòng cho Liên hoan Âm nhạc Thính phòng Quốc tế thường niên The Hague.

Amstrong đã được ủy quyền soạn bản concerto cho clarinet và dàn nhạc, tứ tấu đàn dây cho Tứ tấu Szymanowski và khúc dạo đầu cho dàn nhạc giao hưởng Musikkollegium Winterthur. Mới đây, Amstrong được ủy quyền viết một nhạc phẩm cho nghệ sĩ piano người Áo - Till Fellner, chưa kể một bộ phim đầy lôi cuốn của Mark Kidel sắp phát hành mang tựa đề SetThe Piano Stool On Fire, trong đó mô tả mối quan hệ thầy trò giữa Brendel và Amstrong.

3. Hè năm ngoái, Armstrong tham gia Liên hoan Verbier ở Thụy Sĩ - nơi anh trình diễn solo các nhạc phẩm của Bach, Debussy, Beethoven và của chính anh. Các nhạc phẩm của Bach và Beethoven được Amstrong trình diễn một cách tuyệt hảo. Còn những nhạc phẩm của Debussy thì không còn ma lực như chúng vốn có. Khi bàn về điều này, Amstrong nói anh muốn chứng minh rằng những nhạc phẩm đó được cấu thành một cách logic như toán học. “Tôi trình diễn chúng theo cách hướng về tư duy chứ không phải theo cách hướng về âm thanh”.

Amstrong bày tỏ hy vọng, một ngày nào đó anh có thể vận dụng toán học để soi sáng những huyền bí của âm nhạc. Nhưng giờ đây, Amstrong không còn cố gắng chơi “theo cách ôn hòa để không ai có thể chỉ trích được”, mà thích được “chọc tức” khán giả với lối chơi “quậy” hơn.

Theo Việt Lâm - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng
(11/03/2011)