Tạp chí Sông Hương -
Nhạc Việt 2011 - Chờ thay đổi
14:50 | 21/03/2011
Đã bao năm, nhạc Việt thiếu hẳn những điểm nhấn quan trọng. Biết bao sáng tác đã ra đời, bao gương mặt nhạc sĩ trẻ, ca sĩ trẻ xuất hiện ồ ạt trên thị trường nhưng tất cả vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của người yêu âm nhạc.
Nhạc Việt 2011 - Chờ thay đổi
Ca sĩ Đông Quân biểu diễn ca khúc Huế vào xuân.

Yếu tố con người

Suốt gần 10 năm qua, lực lượng nhạc sĩ trẻ, ca sĩ mới xuất hiện hùng hậu từ Bắc chí Nam, nỗ lực đóng góp cho nghệ thuật nước nhà. Chỉ tính riêng giới ca sĩ, đã có cả ngàn gương mặt từ quen thuộc đến lạ lẫm với công chúng.

Trong số đó, có người học qua trường lớp chính quy và cũng có không ít người tay ngang bước ra làm nghệ thuật. Vậy nên, có sự chênh lệch về tố chất, nội lực, tài năng. Có một thực tế, dù cho công nghệ thu thanh, xử lý kỹ thuật giọng hát của các phòng thu có tài tình đến đâu cũng không thể che giấu được chất giọng thật của các ca sĩ mới. Thế mới có chuyện, lực lượng hùng hậu nhưng chất lượng và sự phát triển nền nhạc Việt vẫn giậm chân tại chỗ và quanh quẩn ở một vài gương mặt nổi bật quen thuộc.

Với thế hệ nhạc sĩ đi trước, không ít người đã ra đi, nhiều người có tuổi vẫn luôn cố gắng cống hiến dù các tác phẩm ít nhiều bị lép vế trước sự bành trướng của những tác phẩm trẻ trong dòng nhạc thị trường. Với nhạc sĩ trẻ, sự nhanh nhạy trong tiếp cận, nắm bắt các xu hướng, trào lưu âm nhạc hiện đại đã giúp họ có chỗ đứng trong giới sáng tác, dù còn hiếm các tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao.

Với ca sĩ, sự nỗ lực làm việc của một số ca sĩ trẻ trong những năm qua đã giúp họ có một chỗ đứng có dấu ấn trên thương trường và trong lòng khán giả. Tuy nhiên, xét khía cạnh đủ bản lĩnh để thay thế lớp đàn anh, đàn chị đi trước, hẳn vẫn là một thử thách lớn và là một quãng đường dài mà họ cần nỗ lực nhiều hơn, nhất là đầu tư cho chuyên môn, nghệ thuật biểu diễn.

Ngày nay, khán giả đòi hỏi rất cao chất lượng nghệ thuật của nghệ sĩ. Thế nên, chuyện tạo dấu ấn để khán giả ủng hộ không chỉ có việc gây sốc với các scandal tình ái, tiền bạc, mối quan hệ đa giới tính hay ăn mặc sex, hở hang, cố tình “lộ hàng”, chạy nhiều show…

Phát triển không cân xứng

Giáo sư Ca Lê Thuần trăn trở về sự phát triển không cân xứng của các dòng nhạc hiện nay tại Việt Nam. Ông nói, không thể để Việt Nam chỉ phát triển mạnh mẽ ở mỗi dòng nhạc pop như bây giờ. Nền âm nhạc nước nhà vẫn luôn tồn tại sự hiện diện của các dòng nhạc khác như nhạc truyền thống cách mạng, dân ca, hò, vè, giao hưởng thính phòng…

Pop là thể loại nhạc dễ nghe, dễ nhớ, mang tính giải trí cao, hướng đến giới bình dân, nên sự phát triển của thể loại này trong những năm qua khá mạnh, đáp ứng nhu cầu khán giả trẻ. Tuy nhiên, Việt Nam không thể chỉ phát triển có mỗi dòng nhạc pop đơn điệu.

Sự hài hòa trong phát triển nghệ thuật luôn phải được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt với lĩnh vực âm nhạc, vì âm nhạc là loại hình nghệ thuật rất dễ tiếp cận và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức, văn hóa, thẩm mỹ, tư tưởng của khán thính giả. Vì thế, cần nỗ lực giữ gìn, phát huy và đẩy mạnh sự phát triển của các dòng nhạc khác bên cạnh nhạc pop từ phía các cơ quan hữu quan, các nhạc sĩ, ca sĩ và cả khán giả.

Nếu có sự chuyển biến đáng kể trong việc sáng tác, biểu diễn và thưởng thức sản phẩm âm nhạc trong tương lai, ắt hẳn nhạc Việt năm nay và những năm kế tiếp sẽ có một lối đi sáng sủa, giá trị hơn.

                                                                                                       Theo SGGPO













Các bài mới
Các bài đã đăng