Tạp chí Sông Hương -
Tăng giá tác quyền âm nhạc: Chưa có tiếng nói chung
14:08 | 22/03/2011
Từ đầu năm 2011, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) áp dụng biểu giá mới trong việc thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong các lĩnh vực: xuất bản, biểu diễn và khách sạn/khu nghỉ mát/trung tâm thương mại/cao ốc văn phòng. Theo đó, mức thu sẽ tăng 100% so với biểu giá trước đây.
Tăng giá tác quyền âm nhạc: Chưa có tiếng nói chung
Các show biểu diễn sân khấu giờ đây sẽ khó khăn hơn với tiền tác quyền tăng
Đáng lẽ tăng từ lâu

Đó là ý kiến của nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC. Theo nhạc sĩ: “Một sản phẩm thông thường phải được điều chỉnh giá một, hai năm một lần. Với những sản phẩm nhạy cảm, có khi phải điều chỉnh giá từng mùa, từng quý. Giá một bài hát là 500.000 đồng/CD được áp dụng đã 6 năm nay rồi và đó là mức giá trung bình thấp. Bây giờ, mặt bằng chung ca sĩ thu 2 - 3 triệu đồng/bài, với ca sĩ có tên tuổi thu 10 triệu đồng/bài mà tiền tác giả không tăng thì thật vô lý. Nếu so mặt bằng chung hiện nay, lẽ ra phải tăng 1,5 triệu đồng/bài  mới hợp lý”.

Khi hỏi nhạc sĩ Phó Đức Phương về việc VCPMC quyết định điều chỉnh biểu giá mới, tăng tiền bản quyền có được sự đồng ý của cơ quan chủ quản và các cơ quan chức năng, nhạc sĩ cho biết: “Chúng tôi chỉ thông báo chứ không phải xin phép, vì đây là tài sản cá nhân”.

Theo ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền: “Trước khi ban hành biểu giá mới, phải có Hội đồng tư vấn và phải được sự đồng ý của cơ quan chủ quan, mà ở đây là Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nếu nhạc sĩ Phó Đức Phương nói rằng chỉ thông báo mà không phải xin phép là sai nguyên tắc. Theo báo cáo chính thức, hội chưa biết biểu giá mới này. Theo quan điểm cá nhân tôi, bảo vệ quyền lợi các nhà sáng tác là rất nên làm và hoàn toàn chính đáng, nhưng phương pháp như thế nào phải có sự tham gia của cơ quan hữu quan”.

Nhà sản xuất choáng váng

Nhận được biểu giá mới từ VCPMC, các nhà sản xuất (NSX) choáng váng vì giá quá cao mà không biết VCPMC căn cứ vào đâu đưa ra giá này. Theo bà Trương Thị Thu Dung, Giám đốc Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông: “Muốn tăng giá cũng phải có lộ trình để chúng tôi chuẩn bị. Hiện nay, chúng tôi có mấy chương trình không đưa vào sản xuất được vì Sở VH-TT-DL TPHCM không cấp phép NSX không có giấy xác nhận đã đóng tiền bản quyền do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chi nhánh phía Nam cấp. Điều này gây khó khăn hết nhiều cho các NSX. Chúng tôi mong có cách giải quyết ổn thỏa”.

Ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio-Video bức xúc: “Chúng tôi nhất trí việc không để cho các tác giả bị thiệt thòi, nhưng trong tình hình đầu vào cái gì cũng tăng như thế buộc NSX phải tăng giá bán đĩa là rất khó cho NSX, vì đĩa bây giờ làm ra là bị sao chép, ăn cắp rồi bán giá rất rẻ”. Ông Lương Dũng, Giám đốc NXB Âm nhạc cũng đồng ý với ý kiến trên và cho rằng: “Giá mới là không hợp lý. Phía VCPMC lấy tiêu chí gì làm tiêu chuẩn để có mức thu ấy? Đồng ý việc bảo vệ tác giả, nhưng cũng phải nghĩ đến NSX, chứ tăng 100% như thế là các NSX chết”.

Trước bức xúc của các NSX, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đại diện cho 56 hội viên là những NSX có tên tuổi và thường xuyên sản xuất những chương trình âm nhạc trên cả nước, đã gửi ý kiến đến VCPMC: “Việc VCPMC điều chỉnh tăng giá tiền nhuận bút tác giả lên thêm 100% so với giá cũ khi chưa có sự chấp thuận của các ban ngành liên quan (Bộ Tài chính, Bộ VH-TT-DL…) và chưa có sự thỏa thuận thống nhất với RIAV đại diện cho các đơn vị sản xuất băng đĩa, đã gây bức xúc, tạo thêm khó khăn, hạn chế việc sản xuất phục vụ khán giả”. RIAV đề nghị: Vẫn áp dụng giá cũ cho nhuận bút tác giả trong năm 2011; Tổ chức một cuộc họp giữa các ban ngành có liên quan và RIAV để có phương án cho lộ trình tăng giá (nếu cần thiết); RIAV chịu trách nhiệm thanh toán tiền tác quyền cho VCPMC thay các hội viên của RIAV.

Hiện nay, vài chương trình ca nhạc của một số NSX bị ách tắc trong khâu cấp phép, vì theo quy định, thủ tục được áp dụng tại TPHCM, Sở VH-TT-DL chỉ cấp phép khi NSX có giấy xác nhận đã đóng tiền tác quyền. Trong tình hình băng đĩa lậu hoành hành và trở thành vấn nạn chưa thể giải quyết, việc VCPMC đơn phương tăng giá, đã đưa tình hình sản xuất âm nhạc vốn đã èo uột mấy năm nay càng thêm bế tắc. Rất cần sự can thiệp từ phía các cơ quan chức năng để có thể dung hòa giữa quyền lợi của tác giả và quyền lợi của NSX. Nhưng trước mắt, một cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa VCPMC và RIAV là cần thiết, không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa thể tổ chức?

Theo Như Hoa - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng